Theo lịch âm, ngày mai mùng 5 tháng 5 là tết Đoan ngọ, một thứ phong tục của
Tàu được du nhập vào ta từ hồi nảo hồi nào. Rất nhiều thứ tết ở ta như tết
Nguyên đán (đầu năm), tết Hàn thực (mùng 3.3), tết Trung nguyên (rằm tháng 7),
tết Trung thu (rằm tháng 8), ông Táo chầu giời (23 tháng chạp... đều xuất xứ
bên Tàu. Thôi thì nó sang ta, cái nào hợp ta dùng, cái nào dở ta bỏ dần.
Nhiều
bạn trẻ thời nay thấy thiên hạ ăn tết Đoan ngọ thì cũng ăn theo nhưng không
biết lai lịch của nó. Nguyên tết này gắn với chuyện ông Khuất Nguyên, một quan
chức, nhà thơ (tác giả của Sở Từ nổi tiếng) thời Xuân Thu. Ông ta trung quân,
can vua Sở Hoài Vương không được nên dỗi, uống rượu thật say, say bí tỉ, ngắm
trăng lưỡi liềm dưới sông mà cứ tưởng trăng trên trời, ôm hòn đá to (72 ký)
nhảy xuống sông Mịch La mà chết. Hôm ấy trúng ngày 5.5, vua thương người trung
nghĩa (đợi người ta chết rồi mới thương) nên bắt dân chúng cứ đến này này là
cúng ông Khuất. Nói thế để thấy chả liên quan gì đến An Nam ta nhưng trót bắt
chước thì theo luôn. Cũng như sau này cúng ông Các Mác, ông Lê Nin vậy.
Tôi
nhớ hồi còn bé, những năm đầu thập niên 60, thày (bố) tôi cũng vẫn cúng tết
Đoan ngọ, còn gọi là lễ giết sâu bọ. Chả hiểu sao ông Khuất Nguyên lại liên
quan đến sâu bọ. Người lớn lấy lá giã ra nhuộm móng tay móng chân cho trẻ con,
có lẽ để ngăn sâu bọ xâm nhập từ cửa khẩu ấy; rồi cho ăn cơm rượu, vài quả mận,
quả đào, nhà nghèo không có những quả ấy thì ăn quả khế. Anh tôi bảo để trong
đánh ra, ngoài đánh vào cho sâu bọ trong người hết đường chạy. Thày tôi còn cẩn
thận dặn lúc ăn thì đừng có ngồi ở bậu cửa, ngưỡng cửa (tấm gỗ hoặc bức xi măng
ngăn cách trong nhà với bên ngoài) kẻo dễ bị mọc mụn ở đít. Cô Ngọt em gái tôi
nó thực hành lệnh cấp trên nghiêm lắm, chả bị mọc mụn bao giờ. Có năm tôi không
nghe lời thày, quả thật bị một cái mụn rõ to ở mông, may mà thày tôi có món
thuốc cao dán mụn gia truyền, dán vào mấy ngày sau thì xẹp. Trong cao có bột
con rết phơi khô tán nhỏ trộn vào. Nó hút hết chất độc và mủ, rồi tự tiêu tan.
Bây giờ 2 thứ thuốc gia truyền (cao trị mụn nhọt và thuốc ghẻ) ấy thày tôi
truyền lại được đứa cháu rể tên là Thành nối tiếp, bán khá chạy ở vùng mấy
huyện ven biển Hài Phòng.
Trưa
mùng 5, người ta cúng xong thì ra vườn hái lá, lá gì cũng được, nhưng nhà tôi
hay hái lá vối, lá cây ích mẫu, ngải cứu, đem phơi khô, bó thành một bó treo ở
tường bếp (cho đỡ bị mốc), lâu lâu lấy ra một nắm nấu nước uống. Sâu bọ thỉnh
thoảng ra quấy phá sẽ bị thứ nước này trừng trị.
Tết
Đoan ngọ với những đứa trẻ như tôi, thời đói kém, thèm nhạt thiếu thốn đủ thứ,
nên thích nhất là được ăn cơm rượu nếp. Bu tôi làm, ngon lắm. Nhưng cả năm cũng
chỉ được ăn mỗi lần ấy. Muốn ăn nữa lại phải chờ đến tết giết sâu bọ sang năm.
Chỉ thích cơm rượu nếp thôi chứ chả bao giờ quan tâm đến ông Khuất Nguyên.
Nay
thì thày bu tôi đã xa cả rồi, tôi cũng qua cái tuổi háo hức chờ ăn cơm rượu,
còn hai đứa con đã lớn chúng chả quan tâm đến đoan ngọ đoan nghiếc, ông Khuất
Nguyên chúng lại càng không biết. Ngay cả tôi viết mấy điều này có khi chúng
cũng chả đọc. Thời của mình chỉ còn trong ký ức.
Nguyễn Thông
5/5 - 1 khí âm bắt đầu sinh và còn nhỏ yếu..
Trả lờiXóaKhuất Nguyên là bậc quân tử, là hiền thần, là dương khí bị âm khí là những kẻ tiểu nhân trong triều đình bức ép..
Giết sâu bọ là tục lệ là lời răn dậy thâm sâu.
Kính bác!
Tết này vốn của dân Bách Việt, nhiều người không biết nhưng cũng cứ adu nói theo lâu thành ra ... tết Tàu :)
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaBác Thông ơi, giờ phải giết sâu bọ 365 ngày chứ 1 ngày 5/5 ăn thua gì. Nhất là loài sâu đội lốt
Trả lờiXóaGiết sâu bọ kiểu đó là không tử tế & không nhân văn chút nào cả đâu, vì chỉ có loài sâu bọ kiểu đó mới có thể ban kiếp lưu đày cho những kẻ cực đoan nghĩ tất cả đám sâu bọ là xấu, như Vũ Thư Hiên, Nguyễn Mạnh Cần, Điếu cày Nguyễn Văn Hải ... bây giờ là Nancy Nguyễn .
XóaVả lại giết sâu bọ như thế thì còn gì là đảng Cộng Sản lãnh đạo đất nước này đi lên (Tổ quốc) Chủ nghĩa xã hội, là con đường Cụ Hồ của bác Thông & nhiều người khác đã chọn cho đất nước & dân tộc, chớ ?
Nên theo lời nhân sĩ trí thức Nguyễn Trung, a = cứu sâu, b = cứu Đảng, c = cứu nước .
a = b : cứu sâu là cứu Đảng
b = c : cứu Đảng là cứu nước
=> a = c : cứu sâu là cứu nước đấy ạ
Ôi, những ngày đói rã họng nhưng nên thơ, hào hùng & đẹp đẽ nay còn đâu!
Trả lờiXóaTớ chỉ mong Đảng đổi cũ, trở về thời Bác Hồ vĩ đại . Anh Mẫm lại biểu tình chống Mỹ, cô bác Thông thì đem ra xử bắn, (vì thế) bác Thông lại yêu Đảng, quý mến Bác Hồ . Thế có phải hay không ?
Trước khi ông Khuất Nguyên chết hay trước khi ông Giới tử Thôi chết thì đã có tết mồng 3 tháng 3 và mồng 5 tháng 5 chưa nhỉ?
Trả lờiXóaTôi nghĩ là đã có rồi,cũng như tết mồng 10 tháng 10 thôi.
Chuyện của mấy ông vua Tàu thì mặc kệ họ,người Việt mình ăn tết theo phong tục của người Việt mắc mớ gì đến họ đâu.Chẳng qua chính mấy ông hủ nho ngày xưa cứ bới chuyện bên Tàu rồi gắn nó vào với người Việt thôi chứ nó có liên quan gì đến nhau đâu.
Nước Nhật không hề có "nghìn năm bắc thuộc" nhưng họ cũng ăn tết nguyên đán đó,chẳng lẽ cũng do ảnh hưởng (hay bắt chước) của Tàu?
Đoan: Đầu mối. Ngọ: Tháng 5(Dần tháng 1. Mẹo, tháng 2. Thìn, tháng 3. Tỵ, tháng 4. Ngọ, tháng 5). Tết Đoan Ngọ là Tết đầu tháng 5. Còn chọn 5/5 thì theo thời sinh học trong dược học, thường những ngày 5/5;3/3; 7/7; 10/10, ngày tinh túy tanin thảo mộc vận hành, tiết ra và thấm đẫm trong thân cành, lá hoa trái nhiều nhất.
Trả lờiXóaTết Đoan Ngọ còn được kết hợp với những suy diễn khác, trọng người nghĩa khí, giết sâu bọ...thì tùy vào nhận thức, tiếp thụ, vận dụng của mỗi người. Chắc chắn, phần mỹ nhiều hơn phần hủ, nên tục lễ Đoan Ngọ mới tồn tại mãi đến ngày nay.
Như bác Thông kể ở phần đầu bài viết thì hóa ra ta chẳng có ngày tết nào ư?
Trả lờiXóaCũng theo bác thì không lẽ chỉ có người Vệt bắt chước người Tàu còn người Tàu thì không phải bắt chước ai?
xe điện gấp
Trả lờiXóaxe điện hai bánh to