Miền Bắc những năm 60 - 70 cái gì cũng thiếu, kể cả mắm, thậm chí muối. Suốt vùng biển dọc dài từ tỉnh Quảng Ninh đến đặc khu Vĩnh Linh dường như chỉ có mỗi thương hiệu nước mắm Cát Hải ở Hải Phòng. Sau giải phóng, các nhà máy xí nghiệp tư nhân đều bị quốc hữu hóa hết, hoặc thành quốc doanh, hoặc công tư hợp doanh. Gọi là công tư hợp doanh nhưng thực chất tư nhân chả có quyền hành gì, nhà cửa công xưởng, máy móc đều phải “tự nguyện” góp vào, sản xuất theo mệnh lệnh, chủ cũ chỉ tham gia cho có chứ cán bộ nhà nước nắm hết quyền điều hành. Dạng nhà máy dệt kim Cự Doanh ở Hà Nội là vậy, sau chủ cũ chán quá bỏ luôn, thế là mặc nhiên thuộc về nhà nước. Công cuộc cải tạo tư bản tư doanh ấy thực chất là cuộc chiếm đoạt quyền sở hữu tư liệu sản xuất cá thể để gom về một đầu mối theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc.
Nghe người lớn kể lại xí nghiệp nước mắm Cát Hải vốn là hãng nước mắm Vạn Vân nức tiếng thời Pháp thuộc. Hương... mắm bay xa, nước hoa cũng không bằng. Ngày ấy cả nước người ta hầu như chỉ biết 3 cái tên gắn với nước mắm: Vạn Vân, Phan Thiết, Phú Quốc. Dân gian có câu “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét” để chỉ những sản vật ngon nổi danh, trong đó nước mắm Vạn Vân là thứ mới nhất được chen vào hàng đồ cổ quý hiếm. Chủ hãng Vạn Vân họ Đoàn, là bố của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Lúc chúng tôi nhớn lên thì Vạn Vân đã bị mất danh, thành Cát Hải rồi, còn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng không được chính quyền mới ưa bởi ông không đi theo kháng chiến mà vẫn ở lại thành phố, đã thành phần tư sản bóc lột lại còn văn nghệ sĩ tiểu tư sản thì đương nhiên bị hắt hủi, không lôi ra đấu tố, bắt đi tù là may. Thời trước 1954, ông sáng tác nhiều bài hát rất lãng mạn nhưng sau thì hầu như không viết được gì. Chế độ mới không chấp nhận những người như Đoàn Chuẩn.
Nước mắm do nhà nước sản xuất gọi là nước mắm quốc doanh. Hồi ấy người ta không chia độ đạm mà định ra 3 hạng: 1, 2 và 3. Nước mắm Cát Hải hạng nhất (loại 1) chỉ bán trong những cửa hàng kiểu Tôn Đản ở Hà Nội, cho gia đình cán bộ cấp cao. Loại 2 cũng ít tới tay dân, để phân phối cho cán bộ nhà nước. Dân chỉ được mua mắm loại 3, thực chất là dạng nước xái của cá ướp muối không biết đã chảy đến lần thứ mấy. Gọi là nước muối có tí mùi cá cũng chẳng sai. May mà nhà nước còn... độ lượng, cứ đến Tết nguyên đán thì trong các thứ hàng ở cái bìa mua hàng tết có cho mỗi hộ “được quyền mua” ngoài mứt (bí, dừa, kẹo trứng chim), bì bóng (da heo), gói chè Thanh Hương, vài bao thuốc lá Tam Đảo, 1 chai rượu mùi (thường là rượu cam hoặc chanh), bánh pháo nhỏ dài 1 gang tay, sau này có thêm mấy gam mì chính, thì còn có chai nước mắm Cát Hải loại 1. Mắm quý hơn vàng. Mỗi lần rót mắm tay cứ run run, đố dám để nhểu ra ngoài giọt nào. Hồi tôi học cấp 2 trường xã, có lần nghe lão Cước (vai chú nhưng cùng học với tôi) bảo rằng trên đời tao chỉ ao ước được ăn một bữa cơm trắng với cá chép rán chấm mắm loại 1. Niềm ao ước thật nhỏ nhoi, nhưng không dễ gì thực hiện.
Hồi tôi chưa đầy 10 tuổi , thày tôi cho tôi theo ra Phòng thăm vợ chồng cậu ruột tôi sống ở ngoài phố. Hai bố con lẽo đẽo đi bộ hơn 20 cây số mới tới nơi. Cậu tôi làm công nhân, mới chuyển từ ngoài Hòn Gai (Quảng Ninh) về Phòng. Hai vợ chồng ở căn phòng trên gác phố Cát Cụt rộng khoảng 10 mét vuông. Mợ tôi người Đồ Sơn, họ Hoàng (dòng họ nổi tiếng vùng Đồ Sơn), rất tháo vát giỏi giang, mợ chuyên buôn cá tôm, mắm từ Đồ Sơn về phố bán. Bữa ăn chiều ấy có cá thu rán, chấm mắm Cát Hải loại 1. Dường như chưa bao giờ tôi được ăn cơm ngon đến thế. Giờ nghĩ lại vừa tủi vừa ngượng. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ngày xưa thì "Quốc hữu hóa" tài sản của "Bọn Tư sản"! ngày nay thì "tư sản đỏ" cuốc hữu hóa ruộng đất của nông dân! mày mai thì nông dân lại cuốc mặt cái bọn tư sản đổ? cái đèn cù.
Trả lờiXóaĐọc truyện của anh Thông như chuyện ôn nghèo kể khổ.Anh cứ buông những câu chán đời như sủa vào chế độ.Anh ấm ức thì phải.Có cái ngáng trở bước thăng tiến của anh thời đi làm.Người như anh rộng văn, dài chữ mà ít được trọng dụng cũng phí.
Trả lờiXóanhung thang nhu Ba Nguyen chac cung duoc ty xai cua che do nay.
Trả lờiXóaDạng như Ba Nguyên hoặc là dư luận viên hoặc là bon không tim không óc không nên để ý làm gì
Trả lờiXóa