Mấy hôm nay, chúng ta thường nghe đến hai từ "xả lũ" ấy. Nó liên quan đến nhà máy thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh, trong vụ xả nước để cứu đập - hại dân, gây ngập lụt nặng mấy huyện.
Điều lạ là, dường như dân chúng và báo chí chấp nhận việc xả lũ, cho đó là điều cần phải thế, rồi còn trách cái nhà máy thủy điện chết tiệt kia sao xả mà không thông báo trước, khiến dân chúng trở tay không kịp. Có nghĩa là, nếu thông báo trước để dân chạy nạn thì OK, thì được, cho xả thoải mái.
Không thể thế được. Về nguyên tắc, công trình thủy điện ngoài việc tích nước phát điện thì còn có nhiệm vụ chứa nước để điều tiết chống lũ, cấp nước thủy lợi cho dân sản xuất nông nghiệp. Nó (thủy điện) hoàn toàn không có chức năng xả lũ để hại dân.
Trên thực tế, để hoạt động, nó tích nước, chặn hết đầu nguồn, vào mùa khô khi dân vùng hạ lưu không có nước cày cấy, năn nỉ gẫy lưỡi nó cũng không thèm đếm xỉa, không nhả ra một giọt. Nó cần tiền chứ không cần dân. Nhiều dòng sông ở Quảng Nam và Đà Nẵng, nơi có nhiều nhà máy thủy điện nhất nước, đã diễn ra tình trạng ấy nhiều năm nay. Dân chúng, và cả chính quyền hai nơi đó, rất căm nhà máy thủy điện.
Vào mùa mưa, nó tích đủ nước, nếu mưa lớn quá sức tích chứa của nó, là nó xả. Rừng đã phá chặt trụi rồi, còn đâu mà ngậm giữ nước. Xả để cứu nó, vì cái túi tiền của nó, chứ không phải vì dân. Nó chỉ "ưu ái" nước cho dân khi nó sợ vỡ đập. Ngập lụt thì dân ráng chịu. Nó xây đập dỏm, nó bắt dân chịu thay cho nó.
Những vùng ấy, xưa nay khi chưa có nhà máy thủy điện, thường thì dân chúng chỉ chịu lũ tự nhiên, có mạnh có yếu, nhưng không ghê gớm, kéo dài và gây thiệt hại khủng khiếp như cái thứ lũ thủy điện này. Lũ thủy điện là thứ nhân tai, tàn hại gấp bội so với lũ thiên tai.
Nó làm thủy điện, nó tích nước là điều được phép, nhưng nó phải xây đập cho chắc, nước có lớn mấy cũng chỉ được phép tràn đập chứ không được vỡ. Giả dụ đập Sơn La hay Hòa Bình cũng có thể vỡ thì người Hà Nội cũng thành cá hết chứ chả phải chỉ mạn ngược. Không ai cho phép nó xả lũ mà chỉ cho phép nó xả nước để cứu dân khi hạn hán. Nhưng nó đã làm ngược lại. Thế nên, trách nó xả không báo trước tức là dung túng cho nó làm bậy, làm càn.
Có một số vị bênh thủy điện, bảo rằng ngập do mưa lớn, thời tiết cực đoan, đừng đổ riệt cho thủy điện. Họ còn cảnh cáo, nếu thủy điện không xả lũ, để vỡ đập, còn chết nữa. Vì vậy, theo họ, xả là “đúng quy trình”. Nghe có vẻ "thuận nhĩ", nhưng xét kỹ thì là nói lấy được. Nó đầu tư vào thủy điện, bán điện cho người dùng chứ chả phải cho không, cũng là dạng kinh doanh buôn bán thôi, đừng kể công góp phần "điện khí hóa" đất nước. Làm cái đập phải tính khả năng chịu đựng ở mức cao nhất, chứ cứ hễ mưa lớn chứa không nổi lại xả lũ bắt dân chịu thì khác gì treo bom lơ lửng trên đầu dân, muốn thả xuống bất cứ lúc nào thì thả. Vỡ đập đương nhiên rất nguy hiểm, nhưng dọa vỡ đập để rồi trút tai ách lên đầu dân thì nên phá ngay cái đập ấy đi. Không điện thì đừng.
Vấn đề là con người. Hồ chứa nước Dầu Tiếng ở miền Nam không làm nhiệm vụ thủy điện, nhưng suốt bao năm nay chưa bao giờ cố ý xả lũ hại dân, ngược lại làm rất tốt nhiệm vụ điều tiết nước, thủy lợi, chống hạn, phục vụ nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho TP.HCM. Hồ này đã từng nhiều lần chịu nguy cơ sinh tử nhưng do đập chắc chắn và nhất là nhà quản lý có ý thức trách nhiệm với cuộc sống của dân nên không tính chuyện xả lũ độc ác như Hố Hô.
Nguyễn Thông
Thiên tai mình phải sống với, nhân tai mình nên chấp nhận sự lãnh đạo thôi . Vì không chấp nhận sự lãnh đạo của nhân tai là có lỗi với thế hệ trước, thế hệ đã hy sinh để mang cho bằng được nhân tai về lãnh đạo nhân dân Việt ta .
Trả lờiXóaVừa lũ, nay lại có bão . Có lẽ Trời đang thử thách lòng tin của dân đ/v Đảng & Chính quyền . Hy vọng có hy sinh bao nhiêu, dân vẫn tin vào sự lãnh đạo của Đảng & Chính phủ .