Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện rửa chân đi ngủ

Thời hoa niên của những đứa trẻ nghèo trôi qua trong nghèo đói và chiến tranh thường đầy những chuyện buồn. Có những lúc muốn rứt phắt ra, không nhớ nữa, không cho nó nằm trong đầu nữa mà chả được. Có lẽ chúng đã ăn vào từng tế bào não mất rồi. Nhiều bận nông nổi nghĩ, phải chi có thứ chất tẩy rửa cực mạnh, hơn cả bột giặt Tide hoặc Omo, nhét vào đầu một cục to tướng, cho nó ăn mòn đi, nhạt đi, chỉ còn những chuyện vui, hoặc thế vào đó là niềm hồ hởi hướng tới tương lai thì hay biết mấy. May thay, ý nghĩ dại khờ đó không thành sự thật.

Trong những kỳ trước, tôi đã kể về mấy chuyện vặt vãnh mà tụi trẻ con nông thôn miền Bắc thập niên 60 - 70 vẫn thực hiện hằng ngày như rút rơm từ cây rơm vào bếp, lau bóng đèn và châm dầu, chơi đánh trận giả… Cái vui xen lẫn cái buồn, giờ nhiều đứa trong đám ấy tóc muối tiêu hoặc ngả bạc mỗi khi nhắc lại vẫn bâng khuâng. Có ối thứ việc chả ra việc nhưng vẫn cứ nhớ, kể cả “việc” đi rửa chân trước khi ngủ, soi muỗi trong mùng, rửa rau lợn, canh ruộng dưa…

Sau này, có lần tôi bảo tụi nhỏ nhà tôi, rằng mấy đứa bay lãng phí, giày dép đế còn dày nguyên, quai chắc nình nịch thế kia mà bỏ, phí quá đi mất. Chúng cười, bố chỉ được cái nết trùm sò, cứ như bố thì người ta làm ra bán cho ai. Nào chúng có biết bố chúng suốt cả tuổi thơ chỉ ao ước xỏ một đôi dép nhựa tái sinh lành lặn, bởi thường đi chân không suốt ngày, ngay cả mùa đông rét mướt.


Nói thế hơi bị quá. Quả thực lúc còn học cấp 1 tôi có đôi guốc gỗ. Lại nói thêm, quê tôi vùng đồng chiêm duyên hải Hải Phòng. Làng thôn hồi ấy nghèo, chả họp chợ búa gì, muốn mua sắm phải lội bộ 3 cây số lên tận chợ huyện ở “phố Thọ Xuân” thị trấn Núi Đối. Chợ huyện vẫn mang dáng chợ quê nhỏ nhắn xinh xắn nép ven bờ sông Đa Độ, mấy gian hàng tạp hóa nằm phía ngoài, ngay mép sông. Trước tết năm ấy, xa quá rồi không còn nhớ năm nào, bu tôi lên chợ sắm tết, tiện thể mua cho con đôi dép cao su. Thường bọn con gái thì đi guốc gỗ vẽ hoa, con trai chỉ xỏ dép cao su thôi, bởi dép nhựa đắt lắm. Mấy người trong xã thoát ly làm công nhân hoặc nhân viên ngoài Phòng (Hải Phòng) cuối tuần về quê, họ đi dép nhựa, có anh sắm được cả dép nhựa Tiền Phong trắng, nhìn mà thèm nhỏ dãi. Tự dưng ghét đôi guốc bằng gộc tre già mà bác Ỷ đẽo cho, cứ lộp cà lộp cộp, chả bù người ta lướt trên dép nhựa êm ái, nhẹ như gió thoảng, không nghe tiếng gì. Ước ao, bao giờ mình nhớn đi làm công nhân (hồi ấy chỉ ao ước làm công nhân ngoài phố thôi), tháng lương đầu tiên phải mua bằng được đôi dép nhựa, nếu không đủ tiền sắm dép Tiền Phong thì bằng nhựa tái sinh cũng oách.

Hồi ấy tôi mới hơn 10 tuổi. Thôi thì chưa được diện dép nhựa, có đôi dép cao su này kể ra tàm tạm, còn hơn guốc gỗ hoặc gộc tre. Tôi nâng niu hai cục cao su cắt từ lốp ô tô ấy như trứng mỏng, còn bắt chước mấy chú bộ đội xưởng gỗ lấy một đoạn đai thùng hàng Liên Xô gập lại làm chiếc rút dép, đi đâu cũng bỏ vào túi, đến trường thì nhét vào trong cặp. Quai dép mà tụt, đút ngay cái rút dép vào, kéo một phát, xong. Về sau lỗ xỏ quai bị kéo ra kéo vào nhiều nên càng rộng, quai tụt liên tục, rút cũng chẳng lại, tôi liền sang xưởng gỗ của bộ đội xin vài cái đinh con. Chú Ngưỡng người huyện Vĩnh Bảo (dân Vĩnh Bảo giỏi nghề mộc) trọ ở nhà tôi hỏi để làm gì, tôi khai cháu đóng quai dép cao su, nó cứ tụt suốt ngày. Chú bốc cho một nắm, tôi về đem chia cho những đứa cùng đi dép cao su như mình. Dép đứa nào mà chả bị tuột. Đóng vào lại chắc khừ, chỉ có điều vài đứa làm không khéo, mũ đinh vẫn bị nhô lên cộm vào chân, đi cứ khập khà khập khiễng như thằng què. Đôi dép đầu đời ấy tôi giữ mãi đến năm vào học cấp 3 (lớp 8, hệ 10 năm) mới bỏ bởi nó đã mòn quá, vẹt hết cả gót, sau này mới biết còn mòn hơn cả dép của Bác Hồ mà tôi có dịp ngắm ở viện bảo tàng.

Lan man chuyện guốc dép, suýt quên chuyện cần kể là rửa chân trước khi đi ngủ. Đi chân đất cả ngày nên trước khi ngủ phải rửa chân. Người nhớn lười hơn trẻ con, thường các vị ấy trèo lên giường xoa xoa hai bàn chân với nhau, đập đập vài chặp, nếu kỹ hơn chút nữa thì lấy cái chổi rơm chà chà bàn chân vào đó, thế là xong. Cũng may hồi ấy chỉ nằm chiếu, chả nệm niếc như bây giờ, mùa đông rét mướt thì lót thêm lớp rơm bên dưới, nói chung người lớn cho rằng chân người lớn không cần sạch, ngủ vẫn đảm bảo vệ sinh. Nhưng trẻ con thì khác, phải đi rửa chân cho quen lối sống lịch sự. Bu tôi bảo vậy.

Mỗi đêm, mấy anh em tôi xách guốc dép ra giếng gần cuối vườn. Nhà nào chưa đào giếng thì ra cầu ao. Dội vài gầu nước, xỏ chân vào guốc dép rồi đi vào. Nhưng đó là mùa hè hoặc mùa thu. Khổ nhất khi mùa đông, rét cắt da cắt thịt, thò người ra khỏi nhà còn ngại, nói chi dội nước. Chân trần lội bùn lội ruộng suốt mùa đông nứt nẻ hết cả, nhất là mu bàn chân và cổ chân, máu tứa ra tự khô đi, đóng thành từng lớp, xám xịt, gọi là bị cổ trâu (trông nó giống như cổ trâu). Dội nước lạnh vào không khác dao cứa, xót buốt lắm. Nhiều hôm tôi cứ len lẻn đánh bài lờ, đợi tắt đèn thì chui tọt vào màn. Vậy nên đám trẻ con ghét mùa đông thậm tệ, chỉ mong sao nó mau qua đi.

Cái cổ trâu ấy, trước tết âm lịch bị lôi ra xử lý hình sự. Để chân xấu xí đón tết sao được. Chị Khoắn tôi lấy một bát ô tô đầy tro sạch, đổ chút nước trộn thành bột nhao nhão, xong đắp lên mu bàn chân, cổ chân, giống như bây giờ bác sĩ bó thạch cao cho người bị gẫy xương. Bu tôi giải thích để cho nó bở ra mới dễ kỳ. Ối giời, tro ngấm vào chỗ nứt nẻ đau, xót lắm, chỉ muốn nhảy dựng. Một lúc sau, lấy búi rơm kỳ cọ, chà vào cổ trâu, đất ghét máu khô lưu cữu bấy lâu nay thấm nước tro bếp bung từng mảng, máu phun theo. Rửa xong lau sạch, lấy thuốc nẻ xoa một lượt, vài hôm sau da non liền lại. Có được bàn chân sạch đón tết chả khác gì vừa trải qua cuộc tra tấn. Giờ nghĩ lại rùng mình, thấy bây giờ sướng thật, người lớn đi làm đồng còn xỏ ủng cao su cao tới đầu gối, chẳng hề biết bùn đất, còn trẻ con lúc nào cũng giày dép, bít tất, chân tay hồng hào như giới quý tộc ngày xưa.

Đang viết dở chuyện này, bất giác nhìn mấy đôi giày đôi dép còn lành lặn ở góc nhà mà đám con định thải, thở dài.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Hồi ức của ông THÔNG viết ở quê ông chỉ có dép,rửa chân thôi tôi như nhìn thấy tôi ở trong ấy,hình như ông viết hộ chúng tôi cái lứa tuổi bẩy mươi,đọc sao cay mũi ,nước mắt cứ muốn trào ra,sao khổ quá vậy trời,. may cho con cháu chúng ta vĩnh viễn không phải ngân chân bằng tro bếp cảm ơn ông nhiều lắm.NGƯỜI ĐỌC .

    Trả lờiXóa