Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Khổ vì thi cử

Phải đợi đến chiều 3.6.2017, khi các sĩ tử độ tuổi nhơ nhỡ chấm dứt cuộc chạy đua căng thẳng, nói chính xác là cực kỳ căng thẳng, để vào lớp 10, tôi mới dám viết bài này. Các em lúc đang hao tâm tổn trí mất sức cho cuộc đánh vật ấy, thì mọi lời nói, việc làm "này nọ" đều có thể tác động xấu, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, vì vậy cần tránh. Nay môn thi cuối cùng đã xong, các em có thể tạm thở phào, nhưng người lớn chúng ta vẫn cần phải tiếp tục nghĩ ngợi.

Trong sự nghiệp giáo dục ở xứ mình, điều không nói ra nhưng hầu như ai cũng biết là quá nặng về thi cử. Những cuộc thi liên miên, hết đợt này đến đợt khác như một thứ đá tảng đè lên đầu người đi học. Gần như đã đi học là phải chấp nhận bị thi cử hành hạ, vật lên vật xuống khiến cuộc học hành luôn bị biến thành sự ức chế, đè nén, cùm trói, chỉ mong muốn được giải thoát, tháo cũi sổ lồng. Ngồi ghế nhà trường trong tâm thế ấy thì tư duy, sự sáng tạo không khác gì bị tù đày, còn đâu chỗ cho những khao khát vươn tới, thay đổi, bay lên. Mỗi cuộc thi giống như cuộc thoát ngục chứ không phải cắm mốc cho sự trưởng thành.


Vẫn biết bản chất của thi cử là tích cực bởi đó là sự lựa chọn, sàng lọc để tìm ra người tài, chọn lấy những người ưu tú nhất phục vụ cho xã hội, hoặc để tiếp tục đào tạo thành những người nòng cốt, quan trọng, có ích hơn. Làm sao có thể phủ nhận nhờ có các khoa thi mà nhiều triều đại phong kiến ở nước ta đã bật lên những nhân tài, những con người xuất chúng, minh kinh bác học. Kể từ khoa thi tiến sĩ đầu tiên dưới triều Lý thế kỷ 11 (năm 1075) cho đến mãi về sau này, chế độ khoa cử Việt Nam dù trải qua bao tao loạn, bãi bể nương dâu nhưng cũng kịp cung cấp cho xã hội hàng vạn tú tài, cử nhân, tiến sĩ, trong đó có nhiều trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa lừng lẫy tài giỏi làm rường cột nước nhà. Bao hàng bia đá khắc tên người đậu đạt tiến sĩ được dựng trong “trường đại học lâu đời nhất nước” Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long đã chứng thực cho thành tích thi cử ấy.

Đành rằng mỗi cuộc vượt vũ môn đều vất vả (tác phẩm Lều chõng của cụ Ngô Tất Tố đã phản ánh rõ điều này) nhưng phải nói người xưa đi học không phải chịu nạn thi triền miên như bây giờ. Ngày xưa, học hành để đi thi, đi thi chỉ để đỗ đạt, mong được làm quan. Nếu đỗ hạng cống sinh (người thi đỗ, được cống lên cho triều đình), cử nhân (người thi đỗ được cử ra, giới thiệu cho nhà nước) trở lên thì sẽ do triều đình phân bổ, sắp đặt làm quan chức, vậy thì có vất vả cũng xứng đáng. Nay không còn cái mục đích, cứu cánh ấy, việc học hành chỉ cốt nắm lấy kiến thức, hiểu biết để mỗi người vững bước vào đời thì sự thi cử là cái tội, cái nạn khổ nhọc. Bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Nhìn cảnh chịu đựng nắng nôi, bức sốt những ngày thời tiết lên đến 40 độ để chen vào trường thi của hàng triệu thí sinh trên cả nước thi vào lớp 10 mà cám cảnh. Chỉ thấy những gương mặt căng thẳng, những mối lo, nỗi sợ hãi khiến các cô cậu đang tuổi thanh xuân phơi phới ấy chợt biến thành già nua thật tội. Một người bạn tôi thắc mắc rằng tại sao phải thi vào lớp 10, cuộc thi hành xác vĩ đại ấy có thực sự cần thiết không… Các cháu vừa trải qua cấp học trung học cơ sở, đã đạt được mốc chặng quan trọng đầu tiên của đời, đang phơi phới bước tiếp vào cấp học cao hơn, bỗng bị chặn lại cái rụp. Thi vào lớp 10 là cái barie ngang ngược cản con đường đi tới của bọn trẻ đang khao khát học hành và cống hiến.

Có ai đó sẽ giải thích với tôi rằng việc thi vào lớp 10 trường công là cần thiết, để sàng lọc học sinh, để chọn người thế này thế nọ; rằng trường lớp còn hạn chế, nhà nước không thể ôm đồm hết được, rằng v.v.. Nếu lý sự như vậy với kỳ thi tuyển sinh đại học thì tôi thuận nhĩ bởi nó thích hợp, còn đối với kỳ thi vào lớp 10 thì chỉ là bao biện, ngụy biện mà thôi.

Hãy đọc Luật Giáo dục. Điều 10 của luật này chỉ rõ “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành” (trích) và điều 26 “Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong ba năm học, từ lớp mười đến lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, có tuổi là mười lăm tuổi” (trích). Các em đã học hết bậc trung học cơ sở, có bằng tốt nghiệp, đủ tiêu chuẩn như luật quy định thì phải được đối xử bình đẳng, được nhận vào những trường công lập, nơi vốn là cơ sở vật chất của nhà nước mà cha mẹ các em cũng đóng góp vào ngân sách để tạo nên nó, duy trì hoạt động cho nó. Lấy lý do học lực của các em kém (qua cuộc thi sàng lọc vào lớp 10) để rồi loại các em ra là không công bằng, không đúng luật. Có người còn bảo cuộc thi vào lớp 10 không khác gì cách cố ý dành trường công cho con nhà giàu, nhà khá giả bởi những nhà ấy có điều kiện cho con học hành thi lấy điểm cao hơn.

Và còn điều nữa cũng cần chỉ ra, chính cuộc thi tuyển học sinh vào lớp 10 trường công càng tạo ra và đào sâu cái hố ngăn cách, phân biệt đối xử giữa những trường công với nhau, giữa trường công lập với không phải công lập. Cứ cái kiểu này, có những trường công cứ mãi mãi là trường tốp dưới, trường đàn em, trường vớt, trường nghèo. Việc cần thiết đầu tư xây dựng trường lớp cho khang trang, củng cố đội ngũ giáo viên cho tinh giỏi ở từng trường để thu hút học sinh mới là chính sách cơ bản, căn cơ, hợp lý, chứ không phải là sự thi cử hành xác đối với học trò, bất hợp lý với nhà trường như diễn ra lâu nay.

Thi cử kiểu này chỉ gây khó cho học sinh và cha mẹ các em, đồng thời cản trở bước tiến xã hội.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Rất tiếc là chú Thông sinh ra và lớn lên ở miền bắc xhcn để thấy rằng giáo dục của mình hiện nay thua VNCH trước năm 1975!

    Trả lờiXóa
  2. Ồ! Từ khi "ra đời" giáo dục của chúng tôi luôn là những thí nghiệm. Vật thí nghiệm (chuột bạch) chính là thầy cô và các môn sinh của họ. Sản phẩm từ những thí nghiệm đó là những Tiến sĩ, thạc sĩ. Rồi họ (TS, Ths) quay lại đóng vai chuột bạch. Chả biết bao giờ thì họ hết màu bạch nữa?

    Trả lờiXóa