Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Chuyện ngân hàng

Bây giờ thì ngay cả đứa trẻ con học lớp lá cũng biết đến ngân hàng, thế nào là ngân hàng. Đi trên phố, hoặc đến những huyện lỵ, nhìn những dãy nhà, tòa nhà cao nhất, đồ sộ nhất, hoành tráng nhất, bạn sẽ thấy đó là những trụ sở ngân hàng. Chả bù cho ngày xưa.

Thời những năm 60-70 ở miền Bắc, hầu như mọi người chỉ biết có mỗi Ngân hàng nhà nước, ngoài ra không còn gì khác. To thì Ngân hàng nhà nước Việt Nam đóng ngay tại tòa nhà của Ngân hàng Đông Dương cũ ở Hà Nội, còn nhỏ hơn chỉ có chi nhánh ngân hàng nhà nước ở các tỉnh thành, chứ xuống đến cấp huyện là không có. Thỉnh thoảng nghe “đài địch” thấy nói ở miền Nam, ở Sài Gòn nhan nhản những ngân hàng này nọ, có cả ngân hàng tư nhân, như ngân hàng Nguyễn Tấn Đời, Việt Nam thương tín… thì lạ lắm. Sao nó bày vẽ ra lắm ngân hàng thế để làm quái gì nhỉ.

Nghĩ như vậy bởi trong đầu óc lứa chúng tôi lúc ấy thì ngân hàng chỉ có mỗi việc trữ tiền, khi cuộc sống thiếu tiền, cạn tiền thì lại tung ra. Gần như người dân chỉ nghĩ ngân hàng làm mỗi nhiệm vụ của đơn vị tín dụng. Ai có tiền rảnh rỗi thì gửi vào ngân hàng, gọi là tiền tiết kiệm, hằng tháng lĩnh tiền lời (hoặc sau vài tháng, sau 1 năm, vài năm) để mà sống. Nhiều cụ về hưu, tiền bạc chả có bao nhiêu, chế độ bảo hiểm xã hội nào có được như bây giờ nên lương hưu chẳng đủ ăn trầu hút thuốc. Vậy là gom góp, vét voi bán thứ nọ thứ kia, cả nhẫn cưới, hoa tai, lấy tiền gửi ngân hàng. Cũng được mấy đồng tiền lời thêm vào tiền chợ, khỏi phiền con cháu.

Một nhiệm vụ khác của ngân hàng xã hội chủ nghĩa khi ấy là đem tiền đi các nơi cho vay. Cũng vẫn là hoạt động tín dụng, chỉ khác ở chỗ phần trên là thu tiền vào, thì đây là văng tiền ra. Không phải ai cũng được vay tiền ngân hàng. Có danh sách cả. Thường là ngân hàng chỉ cho các tập thể, hợp tác xã, tổ này tổ nọ, những vùng miền núi, vùng cao xa xôi vay thôi, chứ dân thường và những nơi như quê Hải Phòng của tôi chẳng được người của ngân hàng để mắt bao giờ. Ngân hàng nhà nước với người nông dân như một thế giới xa lạ, chẳng quan hệ gì, có cũng được, không có cũng chả sao, đâu chết ai.

Những năm ấy đám chúng tôi đứa nào cũng thuộc bài "Em đi làm tín dụng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Chẳng phải ham thích nghệ thuật gì, mà bởi cứ nghe hát mãi trên đài thì thuộc. Kênh truyền thông duy nhất lúc ấy là đài phát thanh. Mỗi nhà mắc một cái loa kim bằng gỗ trên tường, cứ đến giờ quy định thì họ mở “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, kèm theo đó là nhạc Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi. Sau khi phát hết tin về chiến thắng ở miền Nam, tin về mùa vụ nông nghiệp, cánh đồng 5 tấn, nuôi bèo hoa dâu… thì họ mở bài hát. Cứ nghe mãi, ngày này qua ngày khác rồi thuộc. Phải công nhận thời đó chỉ có cụ Tý là chăm chỉ lần mò viết về những thứ mà người ta nghĩ không thể nào thành nghệ thuật, thành nhạc. Cụ viết về cô nuôi lợn, “tôi đứng trông sang nhà người giỏi chăn nuôi, bếp nồng hơi ấm mùi cám lợn, đêm khuya vẫn có ánh đèn soi. Tôi đến thăm chuồng thấy đàn lợn béo, nước trong leo lẻo tắm mát cho từng con…”. Giời ạ, đến cả cám lợn, mùi cám lơn mà cũng nên nhạc thì thật giỏi, thật liều. Sau này có nghe chuyện (chẳng biết có thật không) ai đó thắc mắc hỏi cụ Tý điều ấy, cụ bảo thì người ta “đến buồn đi ỉa cũng không cho” còn thành thơ được, tôi đưa cám lợn vào nhạc là quá nên thơ rồi. Nhưng công nhận bài "Em đi làm tín dụng" khá hay “Ơ ơ, ơ, sương đêm chưa tan mà người người đã lên nương. Ơ… sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường. Trải mấy năm qua em đi làm cán bộ, làm tín dụng, em mang tiền chính phủ, cho bản làng vay đủ, nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô…”, đại loại cứ ớ ơ vậy.

Hồi năm 1976, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường tại hội trường Mễ Trì, trong đoàn ca sĩ trung ương về biểu diễn, cô ca sĩ Thúy Hà hát bài này. Cô Thúy Hà có tiếng là bạo dạn (bây giờ gọi là sexy), mặc cái áo mút sơ lin mỏng dính, vòng 1 rất khiêu khích, vừa hát bài về cô tín dụng, vừa nhảy múa uốn éo hấp dẫn lả lơi lắm. Tôi chen ở tít gần dưới hội trường nên không biết rõ nhưng nghe các anh cán bộ đoàn khoa được ngồi gần sát hàng trên kể rằng thầy Ngụy Như Kon Tum (hiệu trưởng), thầy Dương Hữu Thời, thầy Nguyễn Đình Tứ (hiệu phó), thầy Hoàng Xuân Nhị (chủ nhiệm khoa văn) cứ phải giả lảng quay xuống không dám nhìn. Các cụ ngày xưa nghiêm chỉnh, gặp những thứ như thế thì các cụ giữ mình, sợ ma quỷ yêu quái nó lung lạc.

Cứ như tôi biết thì đó có lẽ là bài hát duy nhất về ngành ngân hàng trước năm 1975. Ngành này cũng bạc (bẽo), tiền cả đống vậy mà chả biết ơn cụ Tý gì sất. Vừa rồi nghe cụ kể khổ, tôi nghĩ âu đó cũng là cái nghiệp. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

7 nhận xét:

  1. +Xuất cung dã bị nhân chế tài(Đến buồn đi ỉa cũng không cho).
    Bài Hạn chế trong Nhật ký trong tù của HCM.
    +Nghe đâu không biết bao nhiêu người đàn bà đã tự nguyện hiến thân cho nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý. Xế chiều còn dính đòn tình với cô cháu gái của vợ khi cô cháu này được vợ đưa đến để cơm nước thuốc thang vì vợ theo con gái sống ở nước ngoài. Cô cháu này kèm theo cả con đàn cháu đống. Dăm ba chục triệu hằng tháng dành cho tuổi già thì nhạc sĩ lại dành cho tình, cho tình thương. Khổ. Rõ khổ!

    Trả lờiXóa
  2. Chẳng hiểu tại sao ông Thông lại bảo là cấp huyện thời đó không co ngân hàng.
    Chẳng lẽ mới qua tuổi sáu mươi mà ông đã lú lẫn?
    Cái gì xấu thì nói nó xấu nhưng đừng vì chẳng ưa mà dưa có giòi.


    Trả lờiXóa
  3. Ngân hàng Huyện trọ ở vườn nhà tôi bác Thông à!

    Trả lờiXóa
  4. Soi rọi lại lịch sử để thấy rằng các văn nghệ sĩ dù là thiên tài mà sống với cọng sản thì cũng mai một thôi! Trước năm 1975, ở miền nam được phổ biến và cho phổ biến những tác phẩm của các văn nghệ sĩ đang sống ở miền Bắc. Vì vậy khi nghe bài Dư âm của NVT người ta nghĩ NVT là thiên tài về âm nhạc, trong chương trình văn khối C PTTH ( Văn chương)có học các tác phẩm của Xuân Diệu và người miền Nam cũng nghĩ rằng ông là một thiên tài về thi ca... Nhưng sau 1975, đọc những tác phẩm của mấy vị này sáng tác ở miền bắc. người miền nam thật sự thất vọng! Đọc và nghe những tác phẩm họ sáng tác ở miền Bắc như có mùi phân lợn! May thay có những văn nghệ sĩ sống ở miền nam nên VN mới có những tác phẩm nghệ thuật trong giai đoạn đó như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình CHương, Vũ Hoàng Chương...Không cần phải tuyên truyền nhiều, thời gian và lịch sử sẽ phán xét ai chính ai ngụy!

    Trả lờiXóa
  5. Anh Thông viết rất hay, tiếp tục nhé, mặc kệ bọn chó sủa anh ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Không biết ông Dương chung Quốc ông có bị ngáo không ,mong rằng ông ấy không ,để ông còn sức vận động cho các tỉnh xây tượng đài vài khóa nữa cho dân được nhờ!N Đ.

    Trả lờiXóa