Ở cuối bài trước, tôi có nhắc đến cái sân gạch Bát Tràng mà tôi thường xem bóng nắng để biết giờ, nhân tiện kể tí ti về cải cái ruộng đất (bởi gạch lát sân là gạch được cậy lên từ sân nhà địa chủ, thày tôi mua lại từ người được chia). Có bạn đọc xong bảo sao bác không kể thêm về cuộc cách mạng long trời lở đất ấy đi. Thực thà mà rằng khi xảy ra đấu tố, đánh địa chủ phú nông, tôi mới 1-2 tuổi, nào đã biết gì, chỉ nghe thày bu và anh chị kể lại thôi. Nhưng nghe cũng khiếp. Làng tôi nghèo lắm, thế mà đội cải cách vẫn tìm ra được đủ 5% địa chủ, có người chỉ sở hữu vài mẫu ruộng, lôi họ ra đấu tố tơi bời, sau đó còn bịt mắt điệu một ông lên pháp trường ở đầu núi Trà Phương bắn. Chị tôi kể theo người nhớn đi xem xử bắn về mấy đêm không ngủ được vì sợ. Mà nào ông ấy có địa chủ địa chiếc ghê gớm gì cho cam, chỉ nhà ngói sân gạch, có mấy mẫu ruộng tự canh tác chứ chả dám thuê tá điền. Nhưng cách mạng bắt chết thì phải chết, không có tội cũng thành có tội. Ông ấy chết rồi, ruộng đất bị tịch thu hết, gia đình ly tán, con cái tha hương, cơ nghiệp nhà cửa tan hoang bị chia cho mấy hộ bần nông, khi còn trẻ con tôi hay vào khu nhà đó chơi, trông thật tang thương tiêu điều. Sau này có dịp đọc một số tài liệu nói về cuộc cải cách điền địa ở miền Nam thời ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, cụ thể là chính quyền Sài Gòn chủ trương hạn điền, thu hẹp ruộng đất của địa chủ, nhưng bằng biện pháp trưng mua, thỏa thuận trả tiền cho điền chủ, nếu nhiều ruộng bị mua quá thì phần còn lại trả bằng trái phiếu, không có địa chủ nào biệt thiệt thòi, bị xâm phạm thân thể, mới thấy hai cuộc cải cách ruộng đất khác nhau một trời một vực. Nhưng thôi, điều ấy tôi sẽ biên lại sau, còn bây giờ quay lại chuyện đồng hồ.
Năm 1975 đất nước thống nhất. Suốt 21 năm trời, những đoàn quân hết đợt này đến đợt khác xuôi vào “giải phóng miền Nam”, giờ đây chiến tranh chấm dứt lại ngược trở ra Bắc. Những người lính về quê hương bản quán, cùng lắm chỉ theo mang vài thứ “chiến lợi phẩm” mà họ dành dụm tiền mua được như chiếc khung xe đạp, con búp bê biết nhắm mắt, hộp kem đánh răng Perlon, cục xà phòng thơm. Bao năm chinh chiến, có chút quà cho vợ con mừng. Nhưng cuộc giải phóng kinh tế tiếp sau đó thì quả thật ghê gớm. Từng sư đoàn dân chúng miền Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam sắm sửa. Mấy chục năm chịu thiếu thốn nghèo khó, nay có dịp thay đổi cuộc đời. Ngay những nhà giàu, khá giả ở Hà Nội, Hải Phòng từng dùng tivi Neptun, tủ lạnh Saratov, quạt máy tai voi, đồng hồ Poljot, đài Orionton… tưởng như thế đời đã lên hương lắm nhưng giờ đây so với “sản vật” miền Nam thấy chúng chửa là gì. Xe lửa, ô tô, tàu thủy tấp nập kìn kìn đưa hàng ra Bắc. Có lẽ lần đầu tiên người dân miền Bắc biết hình dáng chiếc xe Honda dame 50 phân khối, tủ lạnh Hitachi, Sanyo, tivi Denon cửa lùa, radio cassete Sony hoặc Sharp, dàn nghe nhạc Akai, vải ka tê trắng mịn mềm như lụa. Và nhất là đồng hồ, thật ấn tượng, đủ loại cao cấp của Nhật Bản, Thụy Sĩ như Orient, Seiko, Omega, Titoni, Odo… Những chiếc đồng hồ, nếu không có sự thống nhất Nam Bắc, có lẽ có sống hết đời tôi cũng chả nhìn thấy bao giờ.
Mỗi lần nghỉ phép, tôi thường đi tàu khách biển Thống Nhất. Con tàu trọng tải gần 3 vạn tấn với khoang hàng rộng như cái sân bóng đá chuyến ra nào cũng chật ních hàng hóa. Mỗi chuyến nó cõng cả nghìn chiếc xe máy, còn tivi, cát xét, vải vóc thì nhiều vô kể. Cuộc sống “phồn vinh giả tạo” đang cung cấp cho miền Bắc những thứ hàng rất thực có thể sờ nắm được. Hàng từ đâu mà lắm thế? Hàng do cách mạng tịch thu của bọn tư sản, nhưng phần lớn là từ nguồn dân chúng miền Nam chưa quen với chế độ mới, đời sống lại ngày càng khó khăn nên họ đành phải lần hồi bán bớt tài sản để có tiền sống qua ngày. Cũng có một phần hàng từ người nhà sau hơn 20 năm xa cách, giờ đoàn tụ, mừng quá, thương quá nên biếu nhau đem ra mà dùng cho biết mùi phú quý. Xe cộ, tivi cứ đội nón ra khỏi nhà, năm này qua năm khác, theo dân buôn hướng ra bắc.
Có lần tôi nhờ anh Tường, một thủy thủ tàu khách Thống Nhất mua giúp cái vé tàu bởi đã suốt mấy hôm xếp hàng ở bến Chùa Vẽ vẫn không sao đến lượt. Bọn phe vé gom hết rồi, vé hạng bét 60 đồng nó bán thành trăm rưỡi, tiền đâu mà mua. Tới nhà bác Tường, tôi tròn xoe mắt, bác vừa đem từ Sài Gòn về chiếc đồng hồ treo tường hiệu Odo cực đẹp. Sao lại có thứ đồng hồ đẹp, tinh xảo đến thế. Chiếc quả lắc đung đưa thong thả, thỉnh thoảng lại bính boong bính boong âm thanh trong vắt, nghe âm thanh dịu dàng trong trẻo ấy có cảm giác mình đang lạc vào động tiên. Lẩn thẩn nghĩ, từ chiếc đồng hồ để bàn Con gà mổ thóc, tiến lên đồng hồ Odo quả lắc, quả là bước tiến vĩ đại của cuộc cách mạng. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Hay quá!
Trả lờiXóa