Lớn lên chúng tôi lại chứng kiến những cuộc ra quân phá đình phá chùa, phá cả nhà thờ. Đình của bọn phong kiến cổ hủ lạc hậu, phải phá lấy gỗ lấy gạch xây chuồng lợn hợp tác xã. Nhất cử lưỡng tiện, vừa thủ tiêu được tàn tích phong kiến, vừa có vật chất phục vụ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hồi bé tôi nghe người lớn hát bài “Phá đình đi, phá đình đi” hào hùng khí thế lắm. Đình làng Trà Phương quê tôi có gốc tích từ thời Mạc, phục dựng thời cuối Lê đầu Nguyễn, to như… cái đình, mấy chục cột gỗ lim cả vòng tay ôm, đá xanh Thanh Hóa, Ninh Bình tảng nào tảng ấy nặng cả tấn ghép xung quanh hành lang, chạm khắc làm chân cột, mái ngói vảy khít rịt chắc khừ, mưa bão không rịn nổi một giọt, thế mà đùng một cái, năm 1964, chính quyền và hợp tác xã tiến hành “hạ giải” lấy gỗ gạch đá ngói để xây trại chăn nuôi. Chỉ trong 1 tuần ngôi đình sạch bách, trơ cái nền ngổn ngang vữa gạch vụn. Giờ thỉnh thoảng về quê, tôi lại ngóng ra phía đình cũ, chỗ đất đẹp nhất làng ấy người ta đã xây trường cấp 2, còn lại dấu tích duy nhất của đình là gốc nhãn cổ thụ đã vài trăm tuổi. Cây nhãn này hồi chúng tôi còn bé chơi trốn tìm, đứa nào giỏi leo trèo mà trèo lên núp trong đám lá rậm rạp, đố đứa nào tìm ra nổi.
Chùa làng tôi không bị phá nhưng cứ thu hẹp dần. Hàng thế kỷ, chùa Trà Phương, tên chữ là Thiên Phúc Tự, nổi tiếng vùng duyên hải Bắc Bộ. Chùa có từ thời nhà Lý, được tôn tạo dần qua các triều đại Lê, Mạc, Nguyễn, vừa thờ Phật, vừa thờ bà thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn người làng tôi, là vợ đức vua tiên khởi Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai kế bên. Dưới chính quyền mới, chùa cứ teo tóp dần, bây giờ nhìn thảm lắm, cây cối xác xơ, mấy sư quốc doanh núp bóng cửa thiền phá mỗi ngày một ít, chở đá hộc ở đâu về xây cổng xây tường bao quanh trông như cái lô cốt thời giặc Pháp. Đến cả cái chuông quý, đồ tam khí trân bảo có một không hai đúc từ thời Mạc, tiếng chuông vang xa hàng mấy cây số, cũng bị bán lén mất từ hồi nào. Nay thì chùa còn đó nhưng chỉ là cái xác, có cũng như không, đúng là sắc sắc không không.
Vùng làng tôi chỉ có đình chùa, không có nhà thờ, mà phải mãi tuốt tận xã Tân Phong gần Đồ Sơn mới có nhà thờ Thiên chúa. Nhưng quê ông anh rể tôi bên huyện An Lão, mấy xã vùng ven sông Văn Úc, gần đò Khuể lại theo đạo gốc. Làng Kim Côn anh tôi có những 2 nhà thờ, trong đó một cái nghe đâu còn to hơn cả nhà thờ lớn Hà Nội. Năm 1954, một phần do con chiên bị hắt hủi, một phần bị dụ dỗ, họ bỏ quê bỏ nhà thờ theo Chúa vào nam. Tòa nhà thờ nguy nga bị phá ngay sau đó, trơ cái nền rộng mênh mông. Hồi năm 1971 tôi lên thăm anh chị, tò mò lần ra coi xác nhà thờ chỉ thấy khoảng sân hoang vắng, lạnh lẽo, cỏ dại mọc đầy. Chả hiểu người ta phá công trình tín ngưỡng bề thế như vậy để làm gì.
Phá đình chùa nhà thờ, chỉ cho học duy vật biện chứng, nên bọn tôi là đám vô thần, không tin chúa phật trời, càng không tin có đấng siêu nhiên, có con tạo huyền bí, có cơ giời, có vận may… Thế nên sau này nhiều lúc ngỡ ngàng.
Tôi đang biên những dòng ghi chép về chuyến đi miền Trung nhưng mở đầu lại kể lể mấy điều trên bởi nó có liên quan, bởi tôi suốt bao năm muốn có một chuyến ra miền Trung thăm thú chơi nhởi lắm nhưng không có dịp, không có điều kiện. Ai ngờ lúc mình không cầu mong nữa thì nó lại tới. Thế thì không phải cơ duyên là gì. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
(Ảnh: Từ trái sang: Nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà báo Đăng Bình, và nhà cháu, trước tượng đài mẹ Thứ ở Quảng Nam)
Tất cả những bài viết của ông ,chúng tôi mong ông nên tập hợp cho in thành sách để sau này cho con cháu chúng ta biết một thời,ông cha chúng là nạn nhân.N Đ.
Trả lờiXóaSau hơn 40 năm mới thấy rõ ai đã giải phóng ai!
Trả lờiXóa