Những lá thư thời chiến luôn gợi nhiều kỷ niệm. Ngoài tâm trạng xa cách thường thấy ở trong bất kỳ thư nào, thư chiến tranh còn chứa đựng những bi thương, hào hùng của một thời. Không hẳn chỉ có nhớ nhung, day dứt, mong ngóng, chờ trông, có những lá thư người viết còn gửi vào đó niềm khát khao chấm dứt chiến tranh, hy vọng vào ngày mai được buông súng về quê cầm cày cầm cuốc, có cả những niềm vui khi nghe tin quê nhà vẫn yên bình, thày mẹ, vợ con, các em vẫn khỏe, lúa má vẫn xanh. Tôi từng đọc những lá thư như thế, của gia đình tôi do anh tôi gửi về, của những người trong họ trong làng, cảm động lắm. Chỉ tiếc rằng hồi ấy ý thức lưu giữ kỷ vật chưa nhuần, chưa nghĩ rằng nó là thứ tài sản lưu niệm tinh thần nên cứ đọc xong biết được nội dung rồi là bỏ lăn bỏ lóc, thậm chí vứt đi, dùng nhóm lửa, dùng vào trăm thứ việc có sử dụng giấy vụn, giờ nghĩ lại thấy tiếc, nhất là với những trường hợp người ra chiến trường đã hy sinh. Chết khi tuổi mười tám đôi mươi, còn rất trẻ, thậm chí tấm ảnh chân dung cũng chả có (nhiều thanh niên nông thôn thời ấy không hề chụp ảnh bởi một phần không có tiền, muốn chụp phải lên huyện mới có cửa hàng ảnh, một phần nghĩ chụp cũng chả để làm gì, nhiều đám cưới cũng không có tấm ảnh nào, vào bộ đội lên rừng Yên Tử huấn luyện 3 tháng là hành quân vào Nam, không có thời giờ chụp ảnh), lá thư thủ bút cũng không còn, tiếc lắm.
Thời đánh nhau với Mỹ, trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam thỉnh thoảng phát bài hát Lá thư hậu phương của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Phải công nhận bài hát khá hay, tình cảm. Lời ca kể về tâm trạng của người vợ ở nông thôn chờ chồng đang đánh giặc ngoài mặt trận. Cả ngày bận việc đồng áng, đến đêm mới thắp ngọn đèn hạt đỗ tranh thủ viết thư cho chồng, “biên thư nhắn thăm anh, lúc xóm làng đã ngủ yên, ánh trăng về khuya thêm sáng trong, em gửi anh đôi lời…”. Nhưng ca ngợi cái gì cũng vậy, cứ chừng mực, chân thật thì mới hay, chứ cái đoạn nhạc sĩ viết thay cho chị vợ “biên thư nhắn thăm anh, lúc con nhỏ đã ngủ ngoan, suốt ngày đùa vui nó hát ca, con khỏe anh yên lòng, tin tàu bay giặc Mỹ cháy, nó mừng vỗ tay reo hò…” thì nghe cứ sao sao ấy. Tôi trải qua những năm tháng đó, phải thưa thực với bác Phạm Tuyên rằng, đứa trẻ mà đã biết vỗ tay reo hò khi máy bay Mỹ cháy thì ở nông thôn thì bị coi là lớn rồi, chả có thời gian để “suốt ngày đùa vui hát ca” đâu, việc nhà nông tối mắt tối mũi đến mức không ngóc đầu nổi chứ ở đó mà hát ca. Có lần tôi lê la chuyện này với ông bạn cùng tuổi, nhà báo Đào Lê Bình, một tay làm báo có sạn trong đầu, y bảo ấy văn nghệ sĩ xứ ta nó hay vớ vẩn vậy, ông có nhớ hồi bé tí chúng mình học bài vỡ lòng “Bố Tý làm công nhân/Ở bến tàu khuân vác/Vừa làm lại vừa hát/Trong buổi sáng mùa xuân” không, ối giời, đang còng lưng khuân vác mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chân tay bủn rủn mà lại còn hát hò được nữa thì có mà thánh chứ không phải bố Tý, không phải người.
Cũng có một bài hát khác của đám thiếu nhi là bài Đưa cơm cho mẹ đi cày, liên quan tới thư từ. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích phổ lời thơ của ai đó tôi quên tên rồi, hát xúc động lắm, bài hát nói về em bé giúp mẹ, đem cơm cho mẹ ăn cuối buổi cày trưa trên đồng, rồi bố gửi thư về trên “đường hành quân diệt Mỹ, bố hỏi cuối thư vui, lúa xuân thêm bông, ngô khoai xanh tươi ai giỏi giang tay cày"... Em bé khoe "Mai đây chiến thắng bố về, sẽ nghe mẹ kể chuyện con, rằng con bé lon ton khi con đưa cơm cho mẹ vui đi cày”. Bài này lứa thiếu nhi ra đời những năm 60 đứa nào cũng thuộc.
Bọn sinh viên là đám chăm viết thư nhất. Thực ra xa nhà nhớ bố mẹ người thân cũng có, nhưng mỏng thôi, phụ thôi, chủ yếu để… xin tiền. Chả biết chúng có bày cho nhau kinh nghiệm không nhưng luôn làm ra vẻ không cần tiền, một điều nhớ thày bu thế này, hai điều thương em bé nhỏ thế kia, cuối thư ký tên đàng hoàng, rồi như sực nhớ, ghi vài dòng tái bút, kiểu à con quên, nếu thày bu bán lợn, bán rau hay thuốc lào rồi thì gửi cho con mươi đồng để con mua sách (bao giờ mà chẳng nêu lý do mua sách), con cảm ơn thày bu. Hầu như không đứa sinh viên nông thôn nào suốt 4-5 năm học mà không vài lần tái bút như thế. Tôi kể điều này chân thực trăm phần trăm bởi chính mình là người trong cuộc, đục khoét tham nhũng của thày bu tôi mất ối tiền nhờ đoạn tái bút, nói có bóng đèn làm chứng.
Lớp đại học tôi có anh B. người xứ Nghệ. Anh có tình ý với chị C. người Phú Thọ “quê em miền trung du”. Ở chung ký túc xá Mễ Trì, chàng trên tầng 3, nàng tầng 2, nào có xa xôi gì cho cam nhưng chàng vốn dát gái không dám gặp mặt ngỏ lời. Có vẻ sau hôm lớp tôi được khoa tổ chức cho ra rạp Kinh Đô gần vườn hoa Cửa Nam coi bộ phim Liên Xô Mối tình qua những bức thư về, chàng nghĩ ngay đến thư. Phải nhờ thư thôi. Viết xong, hôm thì đem vào tận bưu điện Ngã Tư Sở gửi, hôm thì nhờ bạn bè chuyển cho C., cả tôi cũng được huy động vào việc "đại nghĩa" chuyển tình thư. Mỗi lần chuyển thư xong được chàng trả công nửa ổ bánh mì tiêu chuẩn của chàng, thường do nhà ăn phát từ tối dành để ăn sáng hôm sau (phải nói thêm, ít đứa giữ bánh được tới sáng). Cái gì cũng phải trả giá, nhất là tình yêu. Được tình thì mất bánh mì. Nhịn bánh nhưng no tình. Nhưng "mối tình qua những bức thư" ấy không thành bởi nàng dù nhận cả xấp thư mà vẫn không có hồi âm. Chả nhẽ xuống lầu giục. Vừa rồi gặp nhau sau 40 năm ra trường, lên ông lên bà cả rồi, nàng về hưu với hàm đại tá, chàng nguyên hiệu trưởng cấp 3, nhìn nhau cười ngỏn ngoẻn. Chả biết bây giờ họ có định mail Yahoo hoặc nhắn tin Facebook cho nhau tiếp không.
Suốt bao năm thư từ đã đóng vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống tình cảm của những người xa nhau, đó là chưa kể tác dụng phụ (mà chính) là xin tiền. Nhân viên bưu tá được người ta kính trọng lắm. Thời ấy có truyền kỳ câu chuyện rằng những đôi vợ chồng hoặc người yêu xa cách viết thư xong thường đề thêm vào ngoài phong bì hàng chữ rất nắn nót năn nỉ: “Xa nhau tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay”. Anh bưu tá kia chắc đọc mãi mấy câu ấy cũng chán, cũng bực mình, bèn phăng thêm vào dưới: “Thư này ông đéo chuyển ngay/Để xem tình cảm chúng mày ra sao”. Đến tội nghiệp.
Cũng thời sinh viên dạo ấy, phong bì không phải dễ mua bởi 18 đồng học bổng nhà ăn thu hết rồi, chút tiền còm sinh hoạt phí thày bu cho còn để dành cắt tóc, đi tàu điện, mua tem (tem thư có loại 6 xu, loại 12 xu, tức 1 hào 2 xu, gửi một lá thư liên tỉnh ít nhất cũng mất béng 12 xu tem) nên chúng tôi tinh tự làm phong bì. Nếu có cái phong bì cũ đã dùng nhưng còn tốt lộn trái ra thì tuyệt nhất, còn không thì cứ giấy học trò làm theo kiểu thủ công. Bởi vậy, thời ấy nhìn đám phong bì mà thất kinh, đủ kiểu to nhỏ, hình dáng khác nhau. Có ông làm phong bì chữ nhật bề ngang bằng 3 ngón tay dài như con rắn, có ông gấp hình tam giác, có ông vẽ đủ thứ lên vỏ, có ông hình như trong thư chưa tải hết tình ý nên còn ghi kín đặc cả phong bì, chỉ chừa chỗ ghi tên người nhận và dán tem. Kể cũng hay và buồn cười. Giấy viết thư thì đủ loại, chủ yếu là giấy thếp của học trò, đứa nào có anh chị đi du học Liên Xô gửi về cho giấy pơ luya thì nhất hạng, vừa để viết thư, vừa làm giấy cuộn thuốc lá. Thư xin tiền bố mẹ viết bằng giấy nào chẳng được, nhưng thư tán gái, tỏ tình cứ phải pơ luya xanh hoặc trắng mới đúng điệu, trước khi bỏ vào phong bì xin được ai vài giọt nước hoa vẩy vào thì hết sẩy. Nhiều đám nên vợ nên chồng là từ cái anh pơ luya, thế mới quái.
Có một dạo, đám thiếu nhi, thanh niên được cán bộ lên lớp rằng phải học theo tấm gương tiết kiệm của cụ Hồ. Cán bộ kể rằng cụ chuyên lộn ngược những phong bì đã dùng ra để dùng lại, tức là giá trị sử dụng gấp đôi. Chúng tôi nghe, đứa nào đứa nấy trợn tròn mắt bởi khâm phục, cụ làm Chủ tịch nước thì thiếu gì giấy, vậy mà vẫn tận dụng thế, hóa ra đám chúng mình hoang phí quá lắm.
Nay thì, như đã nói ở trên, không còn mấy ai gửi thư giấy nhét trong phong bì nữa. Thư giấy đã chết từ dạo những năm đầu thập niên 90 xuất hiện cái máy fax, rồi sau đó internet phổ biến thì nó chết hẳn. Tôi nhớ hồi năm 1992 tôi bỏ dạy học đi làm cho một công ty nước ngoài, ông chủ người Hồng Kông. Một hôm ông ấy bảo tôi soạn bản nội quy ra vào cổng xí nghiệp, ổng xem xong cho nhân viên dịch ra tiếng Anh và tiếng Hoa rồi đưa đứa thư ký fax chuyển về Hồng Kông. Ổng giải thích với tôi, khi máy bên này chạy xong thì bên kia nó cũng nhận được y nguyên bức thư, mất vài giây đồng hồ. Tôi nghe trợn tròn mắt, khiếp quá, chỉ có ma mới nhanh thế được. Nghĩ cũng tội, nhân viên bưu chính chuyên phát thư từ giờ đây ít việc làm, đành phải tham gia vào việc thu tiền điện tiền nước, phát lương hưu, cấp bảo hiểm y tế… Một thời là cái nghề sạch sẽ, sang trọng, được kính nể, nay chả mấy ai để ý, đúng là bãi bể nương dâu, đời chẳng biết đâu mà lần.
Duy chỉ còn cái phong bì là ngoan cố chưa chịu chết. Nó không làm nhiệm vụ gửi thư nữa, mà ghê gớm hơn nhiều. Thanh tra thanh mẹ thanh dì/Hễ có phong bì thì sẽ thanh khiu. Nhưng đấy là chuyện khác, sẽ nói vào dịp khác.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét