Tôi còn nhớ lúc nhỏ tí, khoảng năm 1960, bu tôi đi học lớp bình dân học vụ do thầy giáo Thẫn làng tôi dạy. Bấy giờ làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, HP) quê tôi có 3 thầy giáo dạy lớp i tờ (còn gọi là lớp vỡ lòng) là thầy Thẫn, thầy Bạt, thầy Mông. Tuổi các thầy bằng tuổi học viên, thậm chí kém. Còn phụ huynh thì chắc chắn đều 100% râu dài, cỡ U.70.
Lớp học ban đêm ở trụ sở ủy ban xã. Gọi là trụ sở nhưng là cái nhà cấp bốn 3 gian, không bằng nhà để xe của trường tiểu học bây giờ. Học viên mỗi người đem theo đèn dầu, chỗ thầy Thẫn dạy thì treo chiếc đèn bão. Tối nào bu đi học, tôi cũng lon ton theo cầm đèn giúp bu, ngồi bệt dưới đất hóng lên bảng nghe các cụ học.
Học được mấy tháng, các cụ học viên đều biết đọc biết viết. Nhưng rồi mải làm HTX, lại quên dần. Sau, tôi chả bao giờ thấy bu tôi đọc sách báo gì, chỉ còn thạo môn toán cộng trừ, buôn bán đi chợ tính nhẩm không mất xu nào.
Kỷ niệm nhớ nhất thời xách đèn cho bu đi học là hôm ấy thầy Thẫn dạy cho các cụ học viên bài hát. Bài này chả biết ai sáng tác, dựa theo bài "Hò kéo pháo" mà nhạc sĩ Hoàng Vân viết hồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi còn nhớ cụ giáo Thẫn hát: "Tờ i ti này, đến lớp ta học đi nào. Tờ i ti này, đến lớp ta học ta viết. Mắt kém, tay run, nhưng lời Bác khuyên thì ta cương quyết. Nhà neo, con mọn, học là xây dựng nước non nhà"...
Giờ thì cả cụ Hoàng Xuân Hãn, các thầy i tờ Thẫn, Bạt, Mông, cả bu tôi cùng những học viên thời ấy đã lên đường hết rồi, biết đâu sắp kỷ niệm 60 năm lớp học i tờ ở thế giới bên kia.
Nghe lao xao chuyện thiên hạ bàn về đánh vần, tôi chỉ tham gia chút hồi ức cũ chứ không dám bàn luận gì bởi kiến thức mình có hạn.
Nguyễn Thông
Không tham gia là phải đạo ông Thông ạ! Toàn những ông giáo sư tiến sĩ làm cải cách ai mà xen vào được.Còn xem hồi sau sẽ rõ!.
Trả lờiXóa