Thành trì K17 bất tử
BÁ TÂN (thành viên K17)
Thuật làm báo có điều cần tránh:tránh đặt tít rối rắm khó hiểu, sai lệch với nội dung bài viết.
Biết vậy nhưng tôi vẫn gọi tên bài này là "Thành trì K17". Sau khi biết được căn nguyên, bạn bè tôi, trước hết nhóm đồng môn K17, sẽ đồng tình cho rằng không những không khó hiểu, cái tít ấy quá chuẩn với K17, chỉ có K17 mới xứng đáng với tên gọi ấy.
K17 chúng tôi là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 17, cùng nhau’’mài sách’’ từ năm 1972 và "ra lò" năm1977. Không nhận mình là con rồng cháu tiên (thứ hư danh mạo muội), không phân đôi nửa lên rừng nửa xuống biển, K17 sau khi ra trường tỏa khắp bốn phương, lập thân chủ yếu bằng nghề mài-dát chữ nghĩa. Có những nghệ nhân cao thủ chuyên làm nghề dát vàng cho những sản phẩm đỉnh cao cả về nghệ thuật và giá cả (nếu đem ra bán). Chúng tôi, số đông của K17, làm nghề dát chữ cho những đứa con tinh thần phục vụ bạn đọc.
Ý tưởng bài viết nảy sinh vào thời điểm K17 chúng tôi rảo bước trên con đường ghép đá tại thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Tôi đã nhiều lần ghé qua thành nhà Hồ, nhưng hiện diện tại đây cùng số đông đồng môn K17 thì đây là lần đầu.
Được nghe giới thiệu tường tận, hướng dẫn viên là "chân dài’’ xinh đẹp tuyệt vời, giọng nói xứ Thanh như tiếng họa mi gây mê nao lòng người nghe, nhất là thứ đàn ông như tôi, thấy gái đẹp là tít cả mắt.
Lúc chia tay, trước khi bước lên xe, tôi hồn nhiên thổ lộ với Giám đốc Ban quản lý di sản thành nhà Hồ: K17 chúng tôi đang và sẽ tiếp tục gây dựng một "di sản’’gọi là thành K17. Nghe tôi nói vậy, người đẹp hướng dẫn viên "đồng cam cộng sướng’’ với tôi bằng nụ cười có sóng, ánh mắt... gây nghiện. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy trở thành báu vật trong tôi.
Thành nhà Hồ trở thành di sản của thế giới, ngoài sức mong muốn của nhà Hồ cũng như người dân xứ Thanh đã tạo nên kiệt tác ấy. Hãy quên mục đích xây thành, chỉ nói kỹ thuật, theo cách làm đời xưa, hiện thời dù có sự lãnh đạo tài tình của "đảng ta’’cùng với "cả rừng’’ GS, TS, đừng mơ làm được công trình như thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ hiên ngang đứng trong đội ngũ di sản thế giới là nhờ ánh sáng văn minh của nhân loại. Nhà Hồ dựng lên thành. Thế giới văn minh nhận ra công trình đẳng cấp siêu việt của người Việt thời nhà Hồ.
K17 chúng tôi đang và sẽ tiếp tục gây dựng’’di sản’’gọi là thành K17. Thực ra, từ lâu rồi, tận trong sâu thẳm trái tim mỗi người, chúng tôi đã có cái thành trì ấy.
Thành K17 là "di sản’’ phi vật thể, bền chắc hơn các loại vật thể được tạo nên bằng nguyên liệu có tiền là mua được. Thành trì K17 xây đắp vun trồng bằng lòng dạ nồng ấm, nghĩa tình sâu đậm.
Thỉnh thoảng K17 chúng tôi cùng nhau du ngoạn, khi phía Bắc, khi phía Nam, riêng địa bàn Hà Nội và vùng phụ cận, tần suất tụ họp hơi bị nhiều. Gần đây nhất, K17 "du thu’’ (trước đó đã du xuân) ở tỉnh Thanh, nơi được coi là’’thủ phủ’’của vua và chúa. Mỗi địa phương, mỗi gia đình cũng như từng chủ thể, nếu là "con nhà nòi’’ sẽ hiện diện cốt cách riêng, không bị trộn lẫn cho dù đứng giữa chốn đông người.
Hôm đó,sau khi "đại lót dạ’’tại nhà vợ chồng em gái Xuân Ba, cả đám K17 đi qua địa danh gốc tích cội nguồn nhà Trịnh đến thành nhà Hồ.
Các thành viên K17 đã ngấp nghé tuổi 70, đã thành ông thành bà; riêng tôi nhờ có bộ râu trắng muốt, đến đâu cũng được chào cụ. Thế mới biết người xưa nói không sai: vô râu,bất nghi. Thành danh ông, bà nhưng gặp nhau vẫn gọi tớ, cậu, tao, mày như thuở măng non. "Gặp nhau là vui", đó là’’tuyên ngôn’’của K17.
K17 gặp nhau là vui, là cười. Cười trên xe, át cả tiếng động cơ ô tô, cười quên ăn trong bữa ăn, cười tung bọt khi cùng nhau ngâm mình trong bể tắm... K17 có nhiều thể loại cười: cười tếu táo, cười trí tuệ, cười nhân văn... Xã hội sẽ thanh bình hơn, nếu các tổ chức của chế độ này"nghiện’’cười như K17.
Một trận cười bằng mười thang thuốc bổ. Sâu sắc lắm, chứ không phải diễu cợt chém gió. Kẻ vô tâm, loại chỉ mở mắt há miệng khi thấy đồng tiền, cả đời chúng nó không được thưởng thức giá trị của tiếng cười có nguồn mạch từ trái tim căng đầy tình người. Sau mỗi dịp gặp nhau, nhờ món’’thuốc bổ’’cười mang thương hiệu K17, ai nấy đều trẻ ra, nhất là các cụ bà thường ngày ở nhà chỉ lo quẩn quanh chăm cháu và "quản’’cụ ông.
Thành nhà Hồ trở thành di sản của thế giới, rạng danh nhà Hồ về trình độ kiến trúc và xây lắp. Là ngụy triều (theo đánh giá của chính sử) nhưng nhà Hồ làm được những việc đời sau phải học, hơn hẳn một số chính triều ngự trị vất vưởng bèo bọt trôi sông. Nhà Hồ trở thành vật chứng của luận thuyết có giá trị muôn đời: bên cạnh cái họa có cái phúc, bên cạnh cái mất có cái được, và ngược lại.
Thành trì K17 vững chắc cùng thời gian. Chỉ có những người như K17 mới có thể tạo ra"tình lũy’’giản dị mộc mạc nhưng vững chắc hơn chiến lũy. Gừng càng già càng cay. Thành trì K17 càng về sau càng sâu nặng vững bền. Các thành viên K17 xứng đáng nắm tay nhau hô vang lời nhắn nhủ luôn ấp ủ trong lòng: Thành trì K17 bất tử!
Bá Tân
Khách qua đường với "thành Hồ K.17": Ảnh 1, hàng sau, đứng, trái qua, thứ 6; Ảnh 2, hàng trước, ngồi, vẫn trái qua, thứ 6, tảng đá xanh này trông sắc cạnh, vuông vức, hơn 600 tuổi rồi nhưng không rêu phong, muốn mân mê 'nàm thao' ấy!
Trả lờiXóa