Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Chuyện mồ mả (kỳ 3)

Ở xứ ta, có lẽ do chịu ảnh hưởng những quan điểm về đời sống tâm linh từ Trung Quốc nên cả nghìn năm nay luôn tồn tại cõi âm ngoài cõi dương. Người sống có khi chỉ sống tạm bợ, vất vưởng nhưng khi chết lại được tiễn đưa khá hoành tráng rình rang. Sống dầu đèn, chết kèn trống. Cái mộ có khi còn chắc hơn cái nhà. Tiền học cho con không có nhưng vẫn có thể đốt vàng mã linh đình gửi xuống âm phủ cho người chết có cái mà dùng…

Chỉ có điều, tất cả những cung cách ấy được cuộc cách mạng vô sản coi là biểu hiện phong kiến, lạc hậu, cổ hủ. Người vô sản giương cao ngọn cờ vô thần, muốn tiêu diệt hết những thứ mà họ không ưa. Phá đình phá chùa, thu đất nhà thờ, hạn chế cúng bái, hô hào bài trừ mê tín dị đoan… có một thời hoành hành khắp trong nam ngoài bắc. Dường như xã hội chỉ cần “cuộc sống mới, con người mới” phong cách xã hội chủ nghĩa là đủ, những thứ khác chỉ là rác rưởi. Họ kêu gọi toàn dân đả thực bài phong, chấp hành những luật lệ mới do chính họ áp đặt.

Chuyện mồ mả, tang ma cũng vậy. Nhà cai trị thỉnh thoảng lại vận động phong trào thực hiện đời sống mới hoặc ra những chỉ đạo mang tính đổi mới. Họ phân tích rằng đất đai càng ngày càng bị thu hẹp, và nhất là xu thế văn minh trong việc tang ma, vì vậy nên hỏa táng chứ đừng chôn cất, vừa hợp vệ sinh, vừa tiết kiệm, vừa hội nhập thế giới. Thậm chí có dạo họ còn định thực hiện quy chế người chết được quàn bao nhiêu ngày, quan tài phải làm sao, có được lắp ô kính hay không. Cùng với việc hiếu thì việc hỉ (đám cưới) họ cũng quy định chỉ được bao nhiêu mâm, mời bao nhiêu người. Tất cả đều có vẻ có lý, người cộng sản nói gì mà chẳng có lý, bởi họ có lý luận.


Lạ ở chỗ, mọi quy định đều chỉ áp đặt cho dân chúng, còn chính người đặt ra quy định thì lại ngoại lệ. Dân cứ thực hiện, còn chính họ thì không. Thời xưa, thời phong kiến, vua định ra luật lệ, cả vua quan lẫn dân cùng thực hiện. Vua quan thời nay không như thế. Họ tự coi mình như thứ đẳng cấp trên luật lệ. Ngay cả đám tang, chỗ chôn cất, sự rình rang cờ đèn kèn trống… đều khác. Tất cả đều ngược với những gì họ hò hét buộc dân phải làm.

Điều dễ thấy nhất là cho tới tận thời điểm này, lúc tôi gõ những dòng này, chưa có một vị quan chức lãnh đạo nào cấp trung ương, thậm chí cấp tỉnh thành, chứ đừng nói hàng bộ trưởng, trưởng ban đảng, ủy viên bộ chính trị, khi chết được hỏa táng. Đài hóa thân hoàn vũ chỉ dành cho dân. Còn cán bộ, sẵn tiền, sẵn quyền lực, sẵn sự vênh váo, chả vị nào thích bị biến thành tro. Cán bộ không cần tiết kiệm. Cán bộ không cần văn minh. Xưa xúi dân đánh đổ phong kiến, mà nay cán bộ còn phong kiến gấp nghìn vạn lần. Chả cần ví dụ đâu xa, coi đám tang của hai ông quá cố Trần Đại Quang và Đỗ Mười trong tháng 9 vừa qua là rõ ngay. Ông nào cũng chiếm những khoảnh đất rộng mênh mông làm chỗ chôn mình. Đừng ai đó bảo rằng đó là do người còn sống chứ người chết đâu có thế. Xin nói ngay, những khu đất bờ xôi ruộng mật, đất vàng đất bạc đó đã được chính các vị ấy chọn khi còn sống nhăn. Mà ngay cả cái bộ máy cầm quyền, nó cũng tự đặt ra quy định ông bà nào, cấp cỡ nào, lúc chết sẽ được cấp bao nhiêu đất, diện tích bao nhiêu để xây lăng xây mộ. Với quyền và súng trong tay, họ cứ bất chấp tất cả, dân chúng ì xèo mấy họ cũng bỏ ngoài tai, kệ.

Từ chuyện họ không chịu hỏa táng, quyết chiếm đất làm chỗ chôn, sực nhớ đám lãnh đạo không chỉ tham lúc chết mà khi sống cũng rất tham. Họ không cần giấu diếm sự cố ý tách biệt khỏi đám đông dân chúng dù luôn mồm nói chan hòa trong dân, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với dân. Cửa hàng cũng phải riêng (Tôn Đản hoặc Nhà Thờ), bệnh viện riêng (Hữu nghị Việt Xô, 108, Thống Nhất), nơi ở riêng luôn (những khu cán bộ cao cấp), ngay cả các bãi biển, khu du lịch họ cũng ngang nhiên chiếm giữ đặc khu cho mình (ở biển Đồ Sơn, Hải Phòng, họ chiếm chỗ đẹp nhất, gọi là khu 3, ngăn ngừa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” dành riêng cho trung ương, dân mà bén mảng tới bị đuổi thẳng cánh). Họ miệng thì khen ông vua xưa đi cày ruộng, hội họp với dân thì thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những ngày nằm hầm ngủ bụi được dân che chở, nhưng khi có miếng ăn là phân biệt đẳng cấp ngay. Nhiều lúc ngẫm lại, thấy buồn cười, cái bệnh viện ở ngã tư Bảy Hiền (Sài Gòn) khi xưa bà Mai Anh vợ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ tiền xây, đặt tên là Vì Dân, chạy chữa không phân biệt bệnh nhân thuộc hạng nào, đẳng cấp nào, thì sau 30.4. 1975 chính quyền mới biến ngay thành bệnh viện “vì quan”, chỉ có cán bộ trung cao mới được vào đó.

Nói chuyện mồ mả mà không nhắc tới cái nghĩa trang Mai Dịch ở Hà Nội quả là thiếu sót. Hồi còn học ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi từ Mễ Trì tuốt tận gần Hà Đông đi tàu điện thăm mấy người bạn học bên Cầu Giấy, tiện thể tò mò tới ngó Mai Dịch. Nó nổi tiếng quá. Nguyên nơi đây là khu ruộng ngoại thành, năm 1956 được nhà nước quy hoạch xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Dần dà, phần mộ nhỏ bé của các liệt sĩ lùi về phía sau, mặt tiền chỉ dành cho các quan lớn cỡ ủy viên trung ương trở lên. Mấy người bạn học với tôi đùa bảo đó là chỗ của các cụ lớn mả. Người sống có Ba Đình, người chết có Mai Dịch, một thứ đẳng cấp cho các quan khi sống khi chết. Mai Dịch khiến người ta kính nể, kinh sợ. Tuy nhiên, không phải ai vào nằm “mặt tiền” Mai Dịch cũng đều được nể trọng. Hồi hơn 2 chục năm trước, người ta truyền tai nhau chuyện mộ ông Lê Đức Thọ cứ đêm đêm lại bị ai đó vào trét phân trét bùn lên, bị riết không chịu nổi nên thân nhân phải thỉnh ông ấy về quê nhà. Càng ngày Mai Dịch càng mất thiêng, bao nhiêu lời ra tiếng vào. Và cuối cùng thì nó đã bị hóa kiếp bằng đám tang của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính đại tướng và thân nhân của ông quyết đưa ông về quê chứ không chịu chui vào Mai Dịch.

Mộ thì vậy, cũng xin nhắc đôi lời về lăng. Ở xứ ta, lăng các bậc vua chúa chả hiếm. Thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn nhiều lăng nhất. Cũng không hiếm lăng bị tàn phá khi bãi bể nương dâu, chế độ mới được xác lập. Phong kiến sau phá của phong kiến trước. Vụ Trịnh Tùng phò Lê sau khi diệt được Mạc đã kéo cả vạn quân về phá sạnh sành sanh kinh đô Dương Kinh của triều Mạc cùng các lăng mộ vua Mạc ở vùng duyên hải Hải Phòng là minh chứng. Khi chúng tôi có dịp thăm Huế, nhiều người bạn tôi bảo, cũng may mà cố đô Huế nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc đất của Việt Nam cộng hòa. Nó mà vào tay cộng sản đang sẵn mối căm hờn phong kiến, ghét nhà Nguyễn tới mức “đào đất đổ đi” thì những lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định cổ kính vàng son hoành tráng kia chả biết số phận chúng sẽ thế nào. Tôi sực nhớ cái đình làng Trà Phương quê tôi, có từ thế kỷ 18, to nhất nhì vùng duyên hải, hàng chục cột gỗ lim cả vòng tay ôm, trong một cuộc chống phong kiến triệt để năm 1965, nó đã bị đốn gục để hợp tác xã lấy gỗ lấy gạch xây chuồng lợn trại chăn nuôi. Đình của dân mà còn như vậy, lăng bọn vua quan “cõng rắn cắn gà nhà” khó mà tồn tại được bởi bàn tay người cộng sản lúc đang hăng hái “bài phong”.

Trên thế giới, mặc dù đã vào giữa thế kỷ 20 nhưng chỉ những nước cộng sản thích xây lăng. Lãnh tụ vô sản còn hơn vua, hơn hoàng đế xưa ở chỗ, ngày xưa Tần Thủy Hoàng, Hán Cao tổ, Tào Tháo… chỉ dám xây mộ, giấu kín chứ không dám phô trương, còn vua vô sản chọn khoảnh đất đẹp nhất dựng cái lăng thật nguy nga cho thiên hạ nườm nượp tới 4 mùa lễ bái. Lăng Lênin ở Liên Xô, lăng Dimitrov ở Bulgaria, lăng cha con Kim Nhật Thành xứ Triều Tiên, lăng Mao bên Trung Quốc. Việt Nam cũng “sánh vai với các cường quốc lăng” bằng lăng cụ Hồ. Sau này lịch sử xứ ta nếu viết đầy đủ chân thực thì cần khách quan, công bằng với cụ. Cụ đã di chúc rõ ràng chỉ làm tang ma đơn giản, hỏa thiêu, rải tro cốt trên đất đai sông biển tổ quốc. Cái lăng hiện nay không phải là ý nguyện của cụ. Đó là sản phẩm của đám đồ đệ không làm theo ý người đã khuất.

Tôi còn nhớ, cuối năm 1973, nhiều sinh viên khoa Văn và khoa Sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội được điều vào nội thành lao động xây lăng cụ Hồ. Bọn tôi vừa hết năm thứ nhất, có lẽ do cấp trên thấy chưa chín chắn nên không bị huy động, chỉ có các anh chị năm 3 và 4 được thực hiện nhiệm vụ vinh quang. Các anh chị ấy, sau buổi đi làm về, thỉnh thoảng kể, sao mà công trình hoành tráng thế. Đá hoa cương nhiều như núi, gỗ quý chất đống như rừng, tinh thứ gỗ thuộc loại quý hơn vàng. Một anh (tôi quên mất tên, hình như anh Đỗ Minh Tuấn) kể, những người vào công trường làm việc, khi ra bị kiểm soát chặt chẽ còn hơn trại lính, khám từng tí một. Một mẩu gỗ bằng nửa bàn tay hoặc bằng cái thước kẻ cũng bị thu lại. Cấm ai tơ hào được thứ gì. Người chỉ huy cuộc làm lăng ấy, không phải ai khác, chính là ông Đỗ Mười vừa mới mất. Sau này, mỗi khi có dịp đi ngang qua lăng, ngó khối đá hoa cương đồ sộ kia, sực nghĩ, mình có cái may mắn được nhìn tận mắt cái khán đài Ba Đình lịch sử ở mép quảng trường đã bị lăng thế chỗ kia, nó từng chứng kiến bao cuộc đổi thay, bãi bể nương dâu của xứ sở này.

Nguyễn Thông

8 nhận xét:

  1. Mấy vị dlv mở mắt cho to mà đọc "người thật việc thật" nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Đất nước từ cấp lãnh đạo cao nhứt trở xuống luôn chủ trương cướp, giết,… giết cướp, …tàn phá đất nước, hãm hại nhân dân và bán từng phần đất nước cho Tàu để ăn thì nói chi tới chuyện lẻ tẻ như ướp xác, xây lăng, độc chiếm đất đai nằm ở vị thế tốt nhứt để xây lăng mộ.

    Chuyện nghịch lý là tội ác ngập đầu của kẻ cầm đầu và cấp lãnh đạo đàn em diễn ra công khai, rõ ràng kể từ ngày cướp chánh quyền năm 1945, tiếp tục kéo dài đến nay, nhưng vẫn không ai hô hào toàn dân đứng lên vứt bỏ bọn cướp. Nghịch lý hơn nữa là nửa nước vẫn tôn thờ đám cướp, bỏ mặc cho dân tộc chết thảm, tan tác khắp nơi và đói nghèo nhứt nhì khu vực.

    Viết bạch văn e phiền cho trang chủ Nguyễn Thông, nhưng nếu nửa nước vẫn cúi đầu tiếp tục thờ “bác”, bám đảng và chế độ thì e rằng không lâu nữa VN thành một tỉnh của Tàu.

    Thôi thì DN kèm theo bài báo, đã từng được báo mạng trong nước, gốc cờ máu Phúc kiến, đăng và được báo mạng hải ngoại đăng lại để thử so sánh lãnh đạo nước ngoài với lãnh đạo Hà nội hiện nay.

    Nhìn ra thế giới: Những chính khách được nhân dân tin yêu và kính trọng
    http://bacaytruc.com/index.php/2197-nhin-ra-th-gi-i-nh-ng-chinh-khach-d-c-nhan-dan-tin-yeu-va-kinh-tr-ng-ngu-n-chinh-tr-vi-t-nam

    1- Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: Bậc “khai quốc công thần” của quốc đảo sư tử.

    – Sau khi qua đời, về tài sản: Ông chỉ có một ngôi nhà cũ đã tới lúc cần phải sửa chữa.
    – Tượng đài: Ông không có tượng đài nào ngoài trời, chỉ có tượng đài trong lòng dân.
    – Khi ra đi, ông không để lại gì cho riêng mình, ngoài một đất nước phát triển hàng đầu thế giới và người con trai ưu tú: Đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long!

    2- Cựu Thủ tướng Nhật Bản Murayama: Không nhận lương hưu của Chính phủ trợ cấp, tự đạp xe đi chợ, sống bình dị ở thôn quê.

    – Sau khi mãn nhiệm vị trí Thủ tướng Nhật Bản không lâu, Murayama cũng xin từ nhiệm vị trí trong Quốc hội đất nước. Cả nhà ông, già trẻ lớn bé đã lặng lẽ đưa nhau về quê hương ở Oita, thuộc đảo Kyushu (Nhật Bản) để sinh sống.
    – Người dân trên đảo Kyushu thường bắt gặp một ông già gày gò, lịch lãm, nhưng giản dị (ít người biêt ông từng là Thủ tướng đất nước giàu có nhất nhì thì giới) tự đạp xe ra chợ mua đồ ăn hàng ngày…
    – Người ta thường nói: Khi lãnh đạo của một nước về hưu mà cuộc sống trở nên bình dị thì chứng tỏ tỷ lệ tham nhũng của nước đó thấp và ngược lại. Hầu hết các cựu Thủ tướng của nước Nhật đều có cuộc sống giản dị đến mức bình dân sau khi nghỉ hưu.

    3- Tổng thống đương nhiệm Cộng hòa Croatia Kollinda Grabar Kitarovics: Không chỉ là một nữ chính khách xinh đẹp, trẻ trung, thông minh tài giỏi, mà còn tận tụy như một bà nội trợ hoàn hảo cho chính Tổ quốc mình.

    – Sau khi nhậm chức, bà đã yêu cầu bán phi cơ riêng của Tổng thống, bán 35 xe Mercedes Benz của Văn phòng Tổng thống đưa vào ngân sách quốc gia.
    – Bà đã tự cắt giảm 50% lương của mình và các Bộ trưởng trong nội các.
    – Bà cũng đã giảm 40% lương các Đại sứ, các Tổng lãnh sự quán.
    – Bà còn yêu cầu xóa quỹ hưu trí dành riêng cho các Đại biểu quốc hội.
    – Nữ Tổng thống này có thể viết và nói 7 ngoại ngữ thông thạo và sống bình dị như tất cả mọi người dân.
    – Từ khi bà giữ chức Tổng thống, GDP của Croatia tăng 24%.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. mày có ghét cs thì cũng đừng giặt băng vệ sinh của bà tổng thống kia chứ, nịnh thì nịnh cũng vừa thôi, chứ đàn ông giặt băng vệ sinh phụ nữ ngóc đầu không nổi đâu con.

      Xóa
    2. dlv mà trình độ như thế này thì làm sao mà hơn được nhóm xã hội dân sự!

      Xóa
  3. Đệ nhị Thế chiến đẩy nhân dân thế giới vào cảnh chết thảm, người sống mệt mỏi rả rời, mong muốn hoà bình để xây dựng lại gia đình và đất nước. Từ đó, các cường quốc có khuynh hướng trao trả độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho các nước nhược tiểu, trong đó có Việt Nam. Những nước bị thực dân, quốc xã, quân phiệt, đế quốc chiếm đóng sẵn sàng tiếp nhận độc lập, sớm kiến thiết quốc gia, khôn dại dột kháng chiến. Đại khối những quốc gia được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tự do phát triển đều sống trong tinh thần đoàn kết bình an.

    Cũng từ thời điểm nói trên, người dân phe tự do, dân chủ và văn minh có khuynh hướng chấp nhận thiêu xác người quá cố, giữ lại đất đai cho nhiều đời sau sinh sống. Người dân và chánh quyền luôn hướng đến tương lai xa cho đất nước và dân tộc của họ. Nhờ vậy, quốc gia được an bình, dân trí mỗi ngày một cao, đời sống vật chất được bảo đảm, tinh thần tự do, dân chủ và bình đẳng được luật pháp triệt để bảo vệ. Thí dụ như nước Úc, diện tích trên 7 triệu km2 dân số chưa đến 26 triệu người, nhưng khuynh hướng thiêu xác gia tăng, chừa đất lại cho những thế hệ con cháu.

    Nhân bài chủ của Nguyễn Thông nói đến nghĩa trang, Dân Nam nhớ mấy năm trước có bài báo Úc viết: Springvale Botanical Cemetery được vinh danh là nghĩa trang tốt nhất thế giới.

    Mời bạn đọc thử đi thăm và tìm hiểu tổng quát về nghĩa trang Springvale Botanical Cemetery của Tiểu bang Victoria, Australia.

    Tạm chia nghĩa trang Úc nói chung ra 5 dạng mộ phần:

    1. Thiêu xác: Để tro trong hộp nhỏ, đặt trong hộc trên những bức tường hoặc chôn chung quanh các cây lớn, dọc theo các luống hoa hồng, bốn mùa hoa nở tốt tươi. Nếu chôn, trên mặt đất có bảng đồng nhỏ ghi chi tiết người quá cố.

    2. Chôn xác và thiêu (mộ nằm kề nhau): Mật đất hầu hết bằng phảng. Lô mộ chiếc, diện tích độ 1.2m x 2.4m, lô đôi là 1.2m x 2.4m, dành cho người cùng gia đình. Người mất trước chôn sâu, chừa chỗ cho người mất sau chôn chồng lên trên. Trên mặt đất xây bia mộ, dưới nắp mộ chừa hộc lớn để con cháu đời sau cần thiêu có sẵn chỗ đặt thêm hộp/nhiều hộp tro trong hộc lớn. Quan điểm của họ là tiết kiệm đất, giữ tài sản và đất đai cho nhiều đời sau. Chôn chồng và đặt thêm hộp tro cốt trong một mộ còn mang ý nghĩa gắn bó, đùm bọc, thương yêu và nâng đỡ nhau trong gia đình và gia tộc. Dạng mộ này thường nằm khít nhau từng dãy. Giữa các dãy mộ, chừa lối đi trồng cỏ hoặc tráng xi măng. Chiều cao bia mộ có hạn định, khoảng 2.7m để không ai lấn lướt, vượt trội hơn ai.

    3. Chôn & thiêu (khu mộ công viên = lawn graves): Gồm nhiều đồi cao thấp, cây lá, hoa cỏ xanh tươi, chim hót, bướm lượn … trang nghiêm, yên tĩnh, mát mẻ và rộng rãi. Kích thước lô đất mộ chiếc là ngang 1.2m x dài 3.6m; lô đôi ngang 2.4m x dài 3.6m. Được quyền xây bia mộ hết chiều ngang 1.2m hoặc 2.4m (lô đôi) nhưng bề dài qui định là 1.2m. Trong hộc lớn chỗ bia này có thể để 4 hộp tro cốt hoặc nhiều hơn (lô đôi). Phần còn lại (1.2m/2.4m x 2.4m dài) trước bia mộ dành để chôn/chôn chồng lên nhau hoặc chôn thêm hủ/hộp tro cốt dưới mặt đất. Trên mặt đất trồng cỏ xanh tươi.

    4. Khu dành riêng cho quân nhân Úc: Tử thời chiến tranh đến nay đều chôn khít nhau. Bên trên chỉ có cái bia nhỏ/cây Thánh gía giản dị, trồng hoa sát bia, mặt đất còn lại trồng cỏ xanh tươi.

    5. Khu dành cho thiếu nhi: Được thiết kế vui mắt theo cách vui chơi của trẻ em.

    Nghĩa trang Springvale Botanical Cemetery được bảo vệ và chăm sóc quanh năm. Người mua vĩnh viễn nằm đó,thân thân không cần chăm sóc hay lo âu bị di dời hoặc trả thêm bất cứ phí tổn nào. Người mua vĩnh viễn làm chủ lô đất mộ. Nếu di dời, phải tẩy uế, làm sạch lô mộ rồi tự do bán lại cho tư nhân hoặc bán cho chánh quyền Tiểu Bang theo giá qui định rõ ràng. Đất nghĩa trang này của chánh phủ TB Victoria, không có vụ làm giá, tăng giá hay bất kỳ hành vi tham nhũng, bắt chẹt….

    Xem tiếp phần 2

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phần 2

      Trong nghĩa trang, ngoài những cơ sở bán hoa, cà phê, thức ăn nhẹ, còn có nhà hàng, khu hội trường lớn dành cho thân nhân và bạn bè họp mặt ăn uống vui chơi, tưởng nhớ đến người thân. Nổi bật là có nhà thờ và hội trường lớn tổ chức đám cưới, sinh nhựt, quay phim, chụp hình trong những khu vườn đầy hoa đẹp, suối mát, nhiều loại chim quí, bướm lượn quanh năm…. Thân nhân đưa gia đình thăm mộ có thể ở lại suốt ngày, trải vải/chiếu trên thảm cỏ xanh, dưới tàng cây lớn, cạnh mộ người thân trong khu mộ công viên ăn uống, nằm nghỉ, ngủ trưa (!), đọc sách báo … và cho trẻ con chạy chơi đùa trong khu mộ công viên.

      Nhân viên khu mộ từ Giám đốc trở xuống người làm vườn, giữ an ninh,… đều là công chức của chánh phủ Tiểu bang nên sự cư xử tử tế, lịch sự, không dám có hành vi hay cử chỉ khiếm nhã hoặc bắt nạt bất cứ ai. Tình trạng an ninh rất tốt, có những đội an ninh tuần tiểu ban đêm. Ban ngày có người làm vườn, chăm sóc nghĩa trang thường xuyên hiện diện.Với phong cảnh đẹp, rộng rãi, chăm sóc đàng hoàng kèm theo nhiều yếu tố tốt khác nên nghĩa trang Springvale Botanical Cemetery đã thắng giải và được vinh danh.

      Tuy vậy, có một chuyện không hay là nghĩa trang này có khu người Hoa xây dựng đẹp, được quảng cáo thường xuyên, nhưng vì chôn sát nhau, có những bất tiện, nên nơi đó gần như là khu của người Trung quốc. Hơn mười năm trước có gia đình người gốc Trung cộng tự ý xây nhà mồ, (cản trở phong thuỷ!) làm cho thân nhân những người Hoa chôn chung quanh không vừa ý, lôi nhau ra toà, báo Úc đăng, giám đốc nghĩa trang bị sa thải. Riêng những người Hoa khác có khuynh hướng chôn người thân quá cố trong những khu gồm dân Úc đủ màu da.

      Từ nghĩa trang nhìn ra bên ngoài và đời sống Úc với thể chế tự do, dân chủ, đa đảng, đa nguyên, tam quyền phân lập rõ ràng. Dân Úc bình đẳng và hiền hoà, sống trên một hải đảo rộng mênh mông vượt qua tất cả phong ba bão táp thời Đệ nhị Thế chiến, sớm trở thành một đất nước tự do và nhân bản. Đời sống người dân bình yên và cao không thua những quốc gia có nền văn minh lâu đời.

      Nước Úc đất rộng người thưa, người dân no ấm, hiền hoà, rộng rải hiếu khách không khác đời sống và bản tính của người dân Miền Nam trước 30/4/75. Nhớ thuở Miền Nam thanh bình, gạo trắng, nước trong, ruộng lúa mênh mông, cá tôm đầy sông, đầy đồng… mà tiếc cho nước Việt dưới bàn tay của HCM và cấp lãnh đạo cộng sản Hà nội đã và đang dẫn dân tộc này vào đường chết thảm, đói nghèo tan tác khắp nơi. Nhà nước cs/XHCN là quái thai thời đại, nhưng vẫn khoe ra ngõ gặp anh hùng, mở cửa là có Tiến sĩ!

      Xem tiếp phần 3

      Xóa
    2. Phần 3 – kết

      Vài trang mạng sau đây liên quan đến nghĩa trang Springvale Botanical Cemetery:
      1. Springvale Botanical Cemetery được vinh danh là nghĩa trang tốt nhất thế giới
      https://vtimes.com.au/springvale-botanical-cemetery-duoc-vinh-danh-la-nghia-trang-tot-nhat-the-gioi-1003765.html

      2. Springvale Botanical Cemetery - Wins International Award for Excellence
      - https://smct.org.au/SMCTs-award-winning-springvale-botanical-cemetery

      -https://www.youtube.com/watch?v=XzhGeGmIjcQ&feature=youtu.be

      - http://www.rich-phillips.com.au/Media/ElectoratePressReleases/tabid/100/ID/934/Official-Springvale-Botanical-Cemetery-worlds-best.aspx

      3. Discover Springvale Botanical Cemetery
      https://www.youtube.com/watch?v=Xa8cyMFjLYU

      4. Báo The Age Melbourne đăng vụ thưa gởi khu mộ người Hoa.
      The death of feng shui? Let the courts decide
      https://www.theage.com.au/news/national/the-death-of-feng-shui-let-the-courts-decide/2007/07/14/1183833843073.html

      Xóa
  4. Anh tìm hiểu xem sau khi nghỉ hưu thì mấy anh chị CB trung cao tìm chỗ nào để SINH HOẠT, ĐỂ NGHE CẤP CAO TRUYỀN ĐẠT THÔNG TIN XH hàng tuần hàng tháng, chỗ vui chơi đó địa điểm đó được bao cấp những gì , VV ...Người lao động về nghỉ chỉ có quán xá mà vui chơi thôi, hay ngồi vỉa hè đánh cờ tán gẫu ... thế thôi . Đi làm và về nghỉ hưu vẫn khác nhiều, vậy khi chết vẫn tiếp tục khác là ĐƯƠNG NHIÊN .

    Trả lờiXóa