Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Tỉnh Thanh một chút tò mò (kỳ 2)

Họp lớp, họp khóa, kéo nhau tới tận Sầm Sơn biển lặng cuối thu, kể ra có gì đó hơi vênh. Đi biển mùa hè thì chẳng cần phải bàn, chứ bữa ở Sầm Sơn nhìn cảnh mấy đứa đàn bà sồn sồn ngồi trên con thuyền úp ngược trên bãi cát thế kia, bà nào bà ấy nổi cả gai ốc, mình lại lẩn thẩn nghĩ chả biết các mợ hôm lên đường có chuẩn bị bikini không. Nếu có, thì các mợ cần phải cảm ơn ông trời đã cho lý do chính đáng để không phải diện chiếc áo tắm hở hang ấy lội xuống biển. Suốt cả đợt vui chơi Sầm Sơn, mình chỉ thấy có hai thằng liều là ông Ba và ông Tửu xuống vày nước, lúc lên bờ ông nào ông ấy tái xanh tái xám, như con mèo ướt.

Nhưng công nhận biển Sầm Sơn đẹp và sạch, xanh trong, cát mịn trải dài. Trên phố, dưới biển, giống như ở Nha Trang. Không như Đồ Sơn quê mình chỉ được cảnh quan trên bờ, chứ nước thì thôi rồi. Bãi tắm như bãi rác bãi bùn. Nhớ cái lần cả bọn K17 kéo nhau leo núi thăm đảo đèn Hòn Dấu xong, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, trở về khách sạn Điện lực, mình rủ hai lão Xuân Ba, Ngọc Tân đi tắm. Bãi biển đen sì, tinh dững đá và lổn nhổn vỏ hến vỏ sò. Nước đục ngầu, hơn cả nước ruộng cày. Thằng Ba và thằng Tân phải lội xa tít phía ngoài để tìm nước sạch, mình đứng trên bờ nhìn thấy chúng nó bé như con kiến vùng vẫy trong sóng. Nhẽ ra chúng cần hiểu rằng ở biển Đồ Sơn, tìm nước sạch không khác gì mò kim đáy biển. Mấy dòng sông Cấm, Văn Úc đều tải phù sa đổ về vùng này, nước ngầu quanh năm. Mình quẩn quanh “tắm” gần bờ xong, lúc dội lại nước ngọt, thấy cả cục đất trong lỗ tai. Khiếp quá đi mất. Câu “Không đi không biết Đồ Sơn” cứ văng vẳng, lần ni thì biết quá cụ thể.

Nhưng Sầm Sơn thì khác, trời và nước trong xanh, chỉ tiếc rằng tiết trời cuối thu khiến bãi cát vắng tanh vắng ngắt. Mấy đứa nhân viên khách sạn Điện lực (lại Điện lực, cũng là nhờ công của mụ Huệ) bảo, chú ạ, từ mùa này tới cuối xuân chúng cháu chỉ chơi, ngồi ngáp, đói. Mà thế thật. Lúc mình la cà uống cà phê ở quán ven đường dọc bờ biển, hỏi cô chủ quán xinh xinh, này em, hàng họ bán được không. Nó tủm tỉm cười buồn, bác không thấy mấy nhà hàng, khách sạn lớn sừng sững kia à, ngay cả cái cục nóng của máy lạnh họ cũng lấy bao ni lông bịt kín lại, phải 4 - 5 tháng sau mới mở ra, lấy đâu khách mà được mí chả được.


Đến Thanh Hóa lần này, với mình như cuộc khám phá, vỡ vạc ban đầu, thứ gì cũng lạ cũng mới. Kể ra thì thật buồn cười. Là công dân của nước Việt, tới ngoại lục thập hoa giáp mới biết Thanh Hóa cụ thể thế nào. Vậy nhưng vẫn còn may, chứ nước này hàng chục triệu người cả đời không ra khỏi làng. Ông anh vợ mình quê An Giang từ khi bắc nam thống nhất tới giờ có mỗi ao ước ra chơi ngoài Hà Nội. Tôi hỏi, anh định ra thăm lăng bác hở, ổng lắc đầu, không không, lăng liếc gì, chỉ ra cho biết thủ đô nó như thế nào thôi. Lại nhớ câu người ta hay hát nhại bài ca của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, “con ở miền Nam ra thăm lăng bác, đã thấy lăng ông còn to hơn lăng bác”, hiểu cái lắc đầu kia. Mình sẽ ráng thu xếp cho ông anh một chuyến về nguồn, kẻo vài ba năm nữa có bê đi cũng chịu.

Sân bay Thọ Xuân. Đất rộng mênh mông, bát ngát những mía vây quanh. Ông khách đồng hành ngồi cùng hàng ghế với mình từ Thọ Xuân về Sầm Sơn có vẻ thông thạo, bảo rằng vài năm nữa nơi này sẽ thành cảng hàng không quốc tế chứ không phải ga tỉnh lẻ đâu. Nhà đầu tư, chả ai khác, là đại gia Trịnh Văn Quyết chủ FLC. Tay này thì khiếp rồi, tiền nhiều hơn quân Nguyên, làm gì chẳng được. Sân bay Thọ Xuân ni sẽ là đại bản doanh của hãng hàng không Bamboo – Tre Việt của Quyết, nghe đâu cuối tháng 12 này chính thức bay chuyến đầu tiên. Ngày xưa, thời đánh Mỹ, mình từng nghe nói xứ Thanh cũng có sân bay, nhưng là sân bay quân sự, phục vụ cho trung đoàn không quân Sao Vàng (còn có tên là đoàn Lam Sơn), gắn bó với những phi công sừng sỏ Đào Đình luyện, Phạm Thanh Ngân... Địa danh sân bay Sao Vàng ra đời cũng vì lẽ đó. Thời thế đổi thay, xưa là Luyện là Ngân, nay là Quyết.

Nói đến nhân vật xứ Thanh, đúng ra là tỉnh Thanh (bởi ngày trước trấn Thanh Hoa gồm cả Ninh Bình là Thanh ngoại, còn Thanh Hóa bây giờ là Thanh nội), cũng nhiều cái hay. Thằng Xuân Ba lớp mình họ Trịnh, dân Vĩnh Lộc, nơi phát tích chúa Trịnh, đọc vui, rằng tỉnh Thanh có “ông Nhất công an, ông Nhị kế hoạch, ông Tam mía đường”. Câu này mình cũng từng nghe, dị bản là “Thanh Hóa có Nhất công an/Có Nhị kế hoạch, có Tam mía đường”. Chả là mấy nhân vật nổi tiếng của tỉnh Thanh, nhất nhị tam, gồm Hoàng Ngọc Nhất giám đốc Công an tỉnh (sau lên thứ trưởng bộ Công an, bị cách chức do liên quan vụ Năm Cam), ông Lê Văn Nhị giám đốc Sở kế hoạch đầu tư, còn Tam là ông Lê Văn Tam giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn, được phong anh hùng lao động. Mấy ông ấy một thời gian dài nổi như cồn, nhất là ông Tam. Tỉnh Thanh giàu nhờ cây mía, cũng một phần nhờ ông Tam. Nói đến người xứ Thanh, cũng đừng quên nhắc mấy hậu duệ vua Lê, như ông Lê Viết Dược, đám dân nghiện thuốc lá rất quen tên bởi ông Dược gắn với nhãn hiệu Bông Sen, loại thuốc bình dân nổi tiếng một thời; hay ông Lê Văn Kiểm mình có vài lần gặp. Đều dạng “vua biết mặt, chúa biết tên”. Đất thang mộc này không chỉ lắm vua lắm chúa, tỷ lệ vua chúa cao nhất nước, mà còn lắm dị nhân. Lớp văn Tổng hợp K17 của mình là ví dụ cụ thể. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét