Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Chơi tem

Tivi, báo chí vừa cho biết nhân đại lễ Phật đản Vesak năm nay tổ chức ở xứ ta, Bưu điện VN cho phát hành bộ tem về đại lễ, tất nhiên trong tem có hình đức Phật, hình chùa, hình nhà sư.

Mà không chỉ lần này, những khi xứ An Nam có sự kiện gì nhớn, bưu điện lại phát hành tem, chẳng hạn tổng thống Mỹ qua thăm, hội nghị quốc tế ở Đà Nẵng, anh cu Ủn đi tàu tới Đồng Đăng làm cú đúp vừa gặp đối tác vừa thăm bạn hiền... Bộ tem nào cũng rất hoành tráng, đẹp như tranh.

Mình vốn nông dân, sinh ra ở nông thôn, chỉ biết cày bừa, đập nương, nhổ mạ, gặt lúa, tát nước, chứ không biết chơi tem. Hồi bé, nghe bảo rằng phải là tay chơi lắm, có nghề lắm mới chơi tem được. Lại nghe có con tem bán tới mấy trăm đồng, đắt hơn cả chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, khiếp quá, trợn tròn mắt, giãy đành đạch bảo không tin, không tin, làm đếch gì có cái tem 6 xu mà mua được xe đạp. Đại loại không biết cứ hay nói liều.

Hồi dân thành phố sơ tán về làng Trà mình, mấy anh em anh Tuấn cháu cụ Xe đã đem về làng cả một cuộc sống văn hóa cao, đẳng cấp. Anh Tuấn, các em anh là Sơn, Hải... người nào cũng chơi tem, nuôi cá cảnh (cá vàng, cá vạn long, cá kiếm...). Anh Tuấn có những cuốn album tem dày cộm, đủ loại tem cổ kim, nội ngoại. Phải cầu cạnh, năn nỉ lắm mới được xem. Mình chỉ nhớ, có lần anh ấy bảo không phải tem nào cũng chơi được, mà tem phải có dấu bưu điện, tem được sử dụng rồi thì mới có giá trị. Đắt nhất là những con tem bị lỗi, hoặc tem đã gần "tuyệt chủng", càng hiếm càng đắt. Nghe anh nói vậy, mình lén về nhà đốt hết bộ tem mà mình đã "sưu tầm". Chả là nhà mình gần ủy ban, cứ mỗi khi có thư từ nhà dây thép huyện chuyển về, mình lại năn nỉ với anh Hạ "gù" phụ trách văn hóa cho mình lột tem, thượng vàng hạ cám lấy tuốt, hóa ra chả có giá trị gì. Tinh những tem Lê Nin, Các Mác, cờ búa liềm, cách mạng tháng 10, bác cùng chúng cháu hành quân, tết trồng cây, làm phân xanh, chiến thắng Mậu Thân... Anh Tuấn bảo tem như thế đầy rẫy, ai mà thèm chơi, vứt là phải.

Anh Tuấn còn thông não cho mình điều này: Tem phải gắn với hoạt động bưu chính, tức là gửi thư. Sau này một trăm năm nữa, khi người ta không còn gửi thư thì tem cũng chết, chẳng còn ma nào chơi tem mới. Lúc ấy chỉ những bộ tem cũ mới có giá trị thôi.

Ảnh nói một trăm năm, nhưng mới chỉ vài chục năm sau thì đúng như thế. Đã lâu rồi, không còn ai gửi thư nữa. Hết cái thời "Xa nhau tình cảm dạt dào/Gửi anh bưu điện chuyển vào tận tay". Ngành bưu chính chết dần. Không gửi thư thì cũng không cần tem. Người ta dùng máy fax, rồi điện thoại, rồi nhắn tin, rồi gọi bằng máy di động, rồi gọi qua zalo, viber, messenger... vừa nghe vừa nhìn không mất tiền, buôn dưa lê cả ngày cũng không tốn xu teng nào. Thế thì thư từ, tem tiếc làm gì. Ở Sài Gòn, ai có dịp đi trên đường Lý Thường Kiệt, mé quận 10 thấy có khu đất rộng mênh mông của xí nghiệp in tem. Ngày xưa ai chen được một chân vào làm ở nhà máy này chẳng khác gì trúng số độc đắc. Nay bãi bể nương dâu, chỉ còn chiếc cổng xập xệ và khu nhà nát. Chỗ đất ấy tuy mất giá tem nhưng giờ là đất kim cương, chắc ối anh dòm ngó.

Loanh quanh chuyện tem, sực nghĩ chả hiểu sao người ta còn in tem, dù là tem Vesak Phật đản. Tốn tiền, hình thức. Thà đúc đồng xu có hình đức Phật rồi bán cho thiện nam tín nữ mua về xỏ cái dây đeo vào người có khi lại ý nghĩa và thiết thực hơn.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét