Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

Hạ giải, trùng tu, phá dỡ, hay… (kỳ 2)

Trong mấy ngày bận bịu việc nhà, tôi chưa kịp gõ nốt kỳ 2 thì hôm 9.5 đọc tin “Giáo xứ Bùi Chu thông báo ngưng hạ giải nhà thờ Chính tòa” (theo dự định là ngày 13.5) để bàn bạc kỹ hơn. Dù gì đi chăng nữa thì cụ đại lão nhà thờ 134 tuổi này tạm thời thoát nạn, bởi một khi những máy móc và đội thi công mà giáo xứ thuê về cứ đúng hạn ngày 13 đen nói trên làm ầm một phát, chắc chả còn gì phải bàn tới bàn lui.

Nhưng, vấn đề là ở chữ “nhưng” này, nếu chỉ là “tạm ngưng hạ giải” thì vẫn còn khả năng sẽ tiếp tục tháo dỡ công trình trăm tuổi, khiến nó vẫn có nguy cơ phải “kết thúc nhiệm kỳ” cho một ý định nào đó. Vậy nên cần bàn cho ra nhẽ, nếu nó có hy sinh thì cũng là hy sinh xứng đáng, còn thấy không hợp thì nên chấm dứt “hạ giải” ngay.

Trên khắp đất nước này, trải qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm, các tôn giáo đã bắt rễ vào đời sống, nhất là đời sống tâm linh, tinh thần, đạo đức của con người. Đã có tôn giáo thì đương nhiên phải có cơ sở thừa tự, am miếu, đền thờ, chùa chiền, nhà thờ, nơi tu hành, giảng đạo. Hai dòng đạo lớn nhất là Phật giáo và Thiên chúa giáo đã tạo nên vô số chùa và nhà thờ, chúng trở thành phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhiều chùa, nhà thờ không chỉ nổi danh trong dòng đạo mà còn được biết tới như thứ di sản lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc của toàn xã hội. Qua những biến thiên, tao loạn, những ngu dốt của con người, nhiều chùa, nhà thờ đã bị phá hủy, không chỉ tạo nên vết sẹo khó hàn gắn về tinh thần mà còn làm biến mất những giá trị vật chất vô giá. Chùa và nhà thờ, nói gì thì nói, vừa là của riêng tôn giáo, vừa là của chung cộng đồng (đất nước, dân tộc, nhân dân, vùng miền). Gìn giữ, bảo vệ, tu sửa các cơ sở tôn giáo này không thể chỉ của riêng bên đạo.


Theo tôi biết, rất nhiều chùa chiền (của Phật giáo) từ hồi cổ xưa đã được nhà nước đưa vào danh sách di tích quốc gia (hoặc cấp tỉnh thành) cần được bảo vệ. Nói đâu xa, chùa Trà Phương làng tôi, còn gọi chùa Bà Đanh, tên chữ là Thiên Phúc tự, có nguyên thủy từ thời nhà Lý thế kỷ 11, sau nhiều trăm năm bị tàn phá được xây lại vào thời nhà Mạc thế kỷ 16, trùng tu vào đầu thế kỷ 20, được nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2007. Chùa nhỏ thôi, nhưng cổ kính, kiến trúc mang dấu ấn các triều đại trong lịch sử nên nhà nước xem như một thứ di sản có giá trị, góp tay với giáo hội bảo vệ nó như một thứ tài sản chung. Không chỉ chùa Trà, nhiều ngôi chùa khác trong vùng như chùa Hòa Liễu (xã Thuận Thiên), chùa Mõ (xã Ngũ Phúc), chùa Khánh Đối – Linh Sơn Viên Giác tự (xã Thanh Sơn) ở Hải Phòng… đều được chính quyền trung ương quan tâm bằng Luật Di sản.

Điều không may là, khi chùa chiền có phúc phận vậy thì nhà thờ của bên đạo Thiên chúa lại rơi vào cảnh trớ trêu. Nhiều ngôi nhà thờ cả trăm tuổi, kiến trúc độc đáo, hoành tráng đồ sộ, đẹp như không gì có thể đẹp hơn của vùng, lại cứ tàn tạ theo thời gian, thậm chí chịu sự tàn phá dã man của con người. Không xa làng tôi bao nhiêu có giáo xứ Kim Côn, gần bến Khuể ven sông Văn Úc. Ông anh rể tôi người làng Kim Côn kể rằng nhà thờ Kim Côn to đẹp lắm, trước năm 1954 không chỉ là nơi hành lễ của đạo Thiên chúa mà còn là niềm tự hào của dân chúng trong vùng. Sau khi giáo dân “theo Chúa vào Nam”, nhà thờ không người coi sóc, chính quyền sẵn sự ghét giận với đạo Thiên chúa nên cũng bỏ mặc, khiến nó xuống cấp dần. Nhưng nếu chỉ thế thì còn may. Khi có phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, nhà thờ Kim Côn bị biến thành cái mỏ khai thác gạch đá, ngói, gỗ để xây nhà hợp tác, trại chăn nuôi. Chỉ trong phút chốc, với sự cuồng điên của dân chúng vô đạo đang hăm hở tiến lên chủ nghĩa xã hội, sự tiếp tay của chính quyền, hai ngôi nhà thờ Kim Côn (một to, một nhỏ) đã thành bình địa. Năm 1971, tôi lên chơi với anh chị tôi, lân la ra chỗ nhà thờ, chỉ thấy một khu đất mênh mông cỏ dại, cây lá um tùm, cái nền nhà rộng dài hút mắt vẫn còn gạch vữa ngổn ngang, trông rất tang thương. Không ai bảo vệ nó, nó đã “tử vì đạo” một cách oan ức. Giá như nhà nước xem nó như một công trình kiến trúc lịch sử văn hóa, một thứ di sản quý thì đâu đến nỗi “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” thế này.

Nay thì nhà thờ chính tòa Bùi Chu cũng gần như vậy. Điều may mắn cho cụ Bùi Chu 134 tuổi là thời 1954 ấy vẫn còn giáo dân ở lại, chứ không kéo nhau đi hết như xứ Kim Côn. Vả lại, chính tòa Bùi Chu hoành tráng quá, đẹp quá, không thể ngang nhiên mà chuyển hóa nó, biến thành nhà hợp tác, trại chăn nuôi được. Suốt bao nhiêu thập niên thời thực dân phong kiến, nhà thờ Bùi Chu kiêu hãnh tồn tại, đẹp đẽ, cao vút, khoe từng đường nét từng chi tiết. Chỉ từ sau khi miền Bắc lập chế độ mới, lại thêm chiến tranh bom đạn, lại thiếu thốn đủ điều, nhà thờ Bùi Chu cũ kỹ dần, hư hỏng chỗ này, dột nát chỗ kia. Lỗi để ông cụ 134 tuổi rệu rã như thế, trước hết thuộc về những người cai quản giáo xứ, quản trị nhà thờ, tức các đức cha, giám mục, linh mục. Họ chỉ biết sử dụng mà không biết tu bổ. Cái máy bằng sắt chạy mãi cũng phải mòn, huống chi một công trình kiến trúc gạch đá gỗ trơ cùng tuế nguyệt chục năm này qua chục năm khác. Và cả chính quyền nữa, hình như lấy lý do không can thiệp vào giáo hội, vào họ đạo, vào tôn giáo, đó là chưa kể còn ý đồ gì đó, nên cứ bỏ mặc. Ta thử hình dung, nếu chính quyền và tôn giáo cùng làm việc với nhau chăm lo bảo vệ di sản, cụ thể là đưa cụ lão chính tòa Bùi Chu 134 tuổi vào danh sách cần bảo vệ theo Luật Di sản, cấp cho cụ cái bằng công nhận Di sản kiến trúc văn hóa tôn giáo cấp quốc gia, thì đâu đến nỗi dở khóc dở cười như bây giờ.

Nhưng phải nói thực, cứ trong ý tứ mà suy, theo đúng văn bản, từ ngữ mà cha chánh xứ đã dùng trong thông báo, thì đức cha và những người cai quản nhà thờ có ý định tháo dỡ, làm mới, tái sinh cụ di sản kiến trúc trăm tuổi chứ không phải chỉ là tu sửa, giữ lại hình dong cũ. Nhiều tờ báo đã căn cứ vào cái thông báo ấy mà thông tin, chẳng hạn báo VnExpress ngày 6.5 viết “Nhà thờ Bùi Chu ở Nam Định có từ năm 1885. Ngày 13.5 tới, công trình này sẽ được hạ giải để làm mới”. Hầu như báo nào cũng dùng chữ “hạ giải” ấy.

Hãy xét về chữ nghĩa. Hạ giải là từ gốc Hán Việt. Hạ là đưa xuống, đặt xuống. Giải là tháo ra, tháo rời ra, cởi ra, chia nhỏ. Hạ giải tức là tháo rời kết cấu một công trình kiến trúc nào đó (xuống đất) để sửa chữa hoặc làm lại. Người ta thường dùng từ này khi sửa chữa các kiến trúc tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ. Những di sản nào được sửa chữa mà vẫn gần như còn nguyên kiến trúc, cấu kiện, đường nét, vật chất cũ thì được coi là hạ giải. Mà chủ yếu là phần mái và phần vật chất bằng gỗ. Chứ với nhà thờ chính tòa Bùi Chu, phần cần được sửa chữa, giữ lại, bảo vệ là những đường nét kiến trúc bằng vôi vữa, gạch đá, những bức tường, mái vòm… thì làm sao mà hạ giải. Mà phá thì cứ bảo là phá, chứ che giấu quanh co hạ giải cái nỗi gì. Ngay cả những cột gỗ lim cứng đặc với thời gian như vậy, họ còn định thay mới, thợ mộc đang đục chan chát làm sẵn biết bao cột mới để kia thì rõ. Quanh co từ ngữ cũng chả giấu được ý định làm mới gần như hoàn toàn. Thế thì là phá, là hủy hoại di sản. Điều chắc chắn là, nếu theo cung cách ấy, phần di sản vô giá lưu giữ lại sẽ chả còn được bao nhiêu.

Vì thế, với nhà thờ chính tòa Bùi Chu, không nên hạ giải, mà phải trùng tu. Trùng tu là tu sửa, sửa đổi, chữa (tu) một công trình nào đó để nó vẫn mang lại dáng dấp y như cũ (trùng). Những bức tường, tháp chuông, phần xây bằng gạch đá, phần phù điêu, những nét kỷ hà… độc đáo ấn tượng của nhà thờ này chỉ có thể dùng biện pháp trùng tu. Như người ta đã từng trùng tu thành công những tháp Chăm ở Trung Bộ vậy. Một mình giáo hội không thể làm được chuyện này bởi họ không đủ kiến thức và không đủ tầm, dù họ có quyền làm điều họ muốn.

Để cứu nhà thờ chính tòa Bùi Chu, việc đầu tiên là nhà nước hãy coi kiến trúc này không phải là của riêng giáo hội mà còn là di sản chung cần được bảo vệ. hãy xếp hạng nó, cấp bằng cho nó. Và nói cho cùng, phải có trách nhiệm với di sản, chứ không được “tôn trọng theo kiểu bỏ mặc” như lâu nay với nhiều công trình tôn giáo.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét