Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Chuyện đi lại (kỳ 3)

Nhắc tới sự đi lại, không thể không nhớ tới cái ô tô.

Hôm trước tình cờ coi trên trang “báo địch” BBC thấy chùm ảnh tư liệu của các phóng viên AP, AFP, NYT, và tất nhiên của BBC nữa, về cuộc sống ở miền Nam, ở Sài Gòn những năm trước “giải phóng”. Khá nhiều ảnh chụp từ hồi cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, thời ông Ngô Đình Diệm. Coi chán chê, mới ngớ ra, những gì mình từng được tuyên truyền, được giáo huấn (mà người cộng sản gọi phương thức này của kẻ địch là nhồi sọ) hồi tuổi thiếu nhi và thanh niên lại khác hẳn với những bức ảnh sống động này. Không có gì gọi là chìm đắm, rên xiết, màn đêm đen tối… của cái chế độ Mỹ ngụy tàn bạo. Trong ảnh vẫn phảng phất đâu đó bóng ma chiến tranh nhưng rõ ràng cuộc sống miền Nam khởi sắc, giàu có, vật chất đầy đủ hơn hẳn những gì mình tưởng tượng. Hay là đám phóng viên nước ngoài nhận tiền của “bọn” Ngô Đình Diệm, Thiệu - Kỳ rồi tô hồng cho cái cuộc sống mà miền Bắc định nghĩa là bơ thừa sữa cặn. Có nhẽ đâu thế.

Điều rất sửng sốt trong những sự bất ngờ là phương tiện đi lại. Nó nói lên sự khác biệt của hai miền. Như đã nói trong những bài trước, mãi tới tận thập niên 70 phần đông dân chúng miền Bắc đến cái xe đạp cũng không có mà đi. Xe công cộng như xe khách (trong Nam gọi là xe đò), xe buýt rất hiếm. Lứa chúng tôi, đám sinh ra giữa thập niên 50, từ sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, “bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi”, lớn lên giữa chế độ mới, không hề biết taxi là gì. Trên đường phố miền Bắc, những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… lọt vào mắt là những chiếc xích lô xộc xệch với dáng đạp uể oải của tấm thân gầy còm. Xe ô tô con rất hiếm, chủ yếu đám Volga, Moskvic, Lada do Liên Xô sản xuất chỉ để dành cho cán bộ cấp trung ương trở lên. Ngay cả những thầy nổi tiếng ở trường Đại học Tổng hợp hà Nội hồi nửa đầu thập niên 70, duy nhất có Giáo sư Ngụy Như Kontum hiệu trưởng được cưỡi xe Moskvic, còn thầy hiệu phó Dương Hữu Thời, thầy bí thư đảng ủy Nguyễn Đình Tứ, thầy Hoàng Xuân Nhị giáo sư chủ nhiệm khoa Văn, thầy Phan Hữu Dật giáo sư chủ nhiệm khoa Sử, những vị trí thức nổi tiếng từ thời Pháp thuộc (không kể thầy Tứ đi Liên Xô về) đều phải nói “không” với ô tô. Các vị sư biểu ấy có người chạy xe gắn máy (như thầy Nhị), còn phần lớn đều diện xe đạp.

Những nẻo đường miền Bắc thời ấy trông thật nghèo nàn, thiếu thốn, xơ xác. Chúng phô bày ra trên từng mét đường, có muốn giấu, muốn che đậy cũng không giấu nổi.


Cứ nghĩ miền Bắc tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội mà còn thế thì miền Nam bị giày xéo dưới gót giày Mỹ ngụy không thể nào khá nổi. Đám phóng viên phương Tây kia đã “tô hồng” khung cảnh xe cộ, đường sá ở miền Nam, nhất là phố phường Sài Gòn thật… trắng trợn. Nhiều bức ảnh, ngay từ những năm 1957-1958 đường Sài Gòn đã nhan nhản xe taxi. Thập niên 60, ô tô chạy như mắc cửi. Cũng có xe đạp, tuy nhiên xe máy Vespa, Honda mới là đội ngũ chiếm lĩnh mặt đường. Công chức, giáo viên, nhân viên sở này sở nọ đều ngự trên xe Vespa Super hoặc Vespa Sprint. Sinh viên học sinh cũng có xe máy chạy tới trường. Nhiều cô gái Sài Gòn mặc áo dài cầm lái xe Honda Dame lượn trên phố trông đẹp như từ thế giới khác chứ không phải nơi đang có cuộc nội chiến. Taxi đậu dài chờ khách trên những đường phố lớn như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Tổng Đốc Phương…, bất cứ người bình dân nào cũng có thể sử dụng ô tô 4 chỗ, không phải thứ đặc quyền cho đẳng cấp trên như ở miền Bắc. Và phổ biến, phổ thông nhất là xe đò. Nếu xe khách chả khác gì nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Bắc Việt thì xe đò trong Nam lại hoàn toàn khác. Những hãng xe đò Hưng Long, Phi Long, Thuận Thành… đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn khác về phương tiện giao thông công cộng này. Ngay năm 1977, khi công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã gần như xóa sổ những vàng son kinh tế của miền Nam, khi xe đò Hưng Long, Phi Long đã bị đẩy vào cơn hấp hối, thì tôi vẫn kịp bước lên một số chuyến đường dài xe Hưng Long và cảm nhận được cái giá trị vì con người của nó. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét