Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Cái bể nước (dành cho K17)

Một trong những kỷ niệm không thể nào quên của những năm tháng không thể nào quên đối với đám quần chúng công nông trí thức nửa mùa K17 (Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) ở ký túc xá Mễ Trì là... cái bể nước.

Sau khi lếch thếch lôi thôi kéo nhau từ nơi sơ tán 2 huyện Yên Phong và Hiệp Hòa ven sông Cầu về thủ đô, thời gian đầu năm 1973 khoa Văn, trong đó có K17 đang năm thứ nhất, về tạm trú tại nhà D1 bên trường ngoại ngữ. Khu nhà của trường Tổng hợp lúc đó vẫn còn đang bị Ban tiếp nhận viện trợ Trung ương sử dụng, họ chưa trả lại. Tới tháng 5 hoặc 6 chi đó, thầy trò khoa Văn kéo nhau sang dọn dẹp lại phòng ốc để chuẩn bị hồi khoa. Tôi còn nhớ nó tan hoang như bãi chiến trường, đầy những vỏ hòm gỗ thông, đai sắt ngổn ngang cả trong nhà lẫn ngoài sân ngoài vườn. Tuy vậy, người ta vẫn chưa chuyển hết hàng. Anh Nguyễn Đăng Thành chỉ cho tôi coi còn mấy phòng tầng 1 nhà C2 vẫn ăm ắp hàng, không người trông coi. Hai anh em mò vào, lòng tham cố hữu nổi lên. Nhưng cũng sờ sợ, nhỡ ai bắt được thì bỏ mẹ. Cuối cùng anh Thành lấy chiếc chậu thau men Trung Quốc giấu vào bụng trùm áo lên, trông như bà có chửa, còn tôi nhát chỉ dám thó mỗn cuốn sổ dày giấy trắng tinh bìa giả da, đút vào cạp quần. Thế mà thoát. Khi ấy thầy Chu Xuân Diên và các bạn đang lúi húi dọn dẹp gần bể nước.

Cái chậu của anh Thành dùng mãi tới khi ra trường mới bỏ, sau bao quăng quật. Phải công nhận đồ Trung Quốc nói chung, cụ thể là sắt tráng men, bền khủng khiếp. Còn cuốn sổ, tôi ghi chép đủ thứ, cả thơ tình Puskin, Lermontov, Heine, cả kịch Sechxpia, Molie..., khi vào Nam nhận công tác thì bỏ lại nhà, tất nhiên bi giờ chả biết nó ở chỗ nào hay bị đun từ lẩu lầu lâu rồi.

Cái bể nước dùng chung cho nửa khối nhà C1 và C2, nửa phía bên kia của khoa Sử cũng có một bể như thế. Cả thầy cô (nhà C1) và trò sinh viên (nhà C2) đều trông cậy vào bể này, tất tần tật giặt giũ, tắm táp, đánh răng, rửa mặt, ăn uống. Mà nào nó có to tát gì, chỉ dài hơn 2m, ngang cỡ mét rưỡi, cao cũng chừng ấy. Vòi nước thì thường xuyên chảy ri rỉ như trẻ con đái sắp xong. Chính vì vậy, lúc nào xung quanh bể nước cũng đông như hội, 24/24, tình cảnh ôm chậu quần áo, xách cái xô, cầm chiếc ca... xuống xếp hàng chờ tới lượt yêu nước trông thật là thê thảm.


Khu ký túc xá Mễ Trì được xây dựng hồi giữa thập niên 1960, do Trung Quốc giúp. Phải thừa nhận một điều, Trung cộng tuy nham hiểm bành trướng bành triếc nhưng có một thời nó rất tốt với VN. Không phải chỉ khu Mễ Trì đâu, các bạn mà chịu khó để ý sẽ thấy, rất nhiều khu, nhất là cơ quan, trường học ở Hà Nội đều có cái phom, kiểu (style) khá giống nhau: Hội trường lớn ở giữa có hai cánh gà, nhiều dãy nhà tầng cao 4 - 5 tầng bao bọc xung quanh, cách bố trí công trình phụ... cứ na ná nhau. Khu bọn ta ở, rồi trường Dân tộc trung ương phía sau, rồi Đại học Thủy lợi ở Thái Hà, trường Tuyên giáo, trường Thương nghiệp ở Cầu Giấy... đều do Trung Quốc thiết kế và xây dựng.

Điều đặc biệt, theo mẫu thiết kế phổ biến lúc bấy giờ, những dãy nhà để ở chỉ có một phòng dùng làm nhà tắm, nhà vệ sinh, đặt cuối hành lang mỗi tầng, còn phòng ở chỉ để ở. Những cái toilet công cộng ấy, thực ra cũng chả hoạt động được bởi nước hiếm, yếu, không lên được tầng cao. Hầu hết căn toilet không nước được cấp cho đối tượng chính sách, ví dụ Cao Văn Dũng (Cao Tự Thanh) Hán Nôm được sung sướng ở một mình trong nhà tắm trên tầng 4. Không có chỗ đặt giường, y gác cái cánh cửa sổ lên nóc lửng nhà tắm, ngủ trên chiếc giường có một không hai ấy. Có hôm tôi và lão Tửu trèo lên "nhà" nó chơi, ngồi ngay trên bệ giặt quần áo trò chuyện. Y đặt chiếc đầu lâu sát đó, trông rất khiếp.

Những nhà tắm từ tầng 3 trở xuống tuy không cấp cho riêng ai nhưng ghi rõ ngoài cửa "cấm đại tiện", chỉ cho phép đái và xách nước lên tắm. Nguồn nước duy nhất là cái bể ở dưới sân mà tôi đã kể. Các thầy cô bên nhà C1 cũng như học trò ngụ nhà C2 đều chịu cảnh như vậy.

Nước ít, người đông, nên tụi sinh viên tự có ý thức nhường nhịn cho thầy cô vào giờ cao điểm. Đó là tầm sáng sớm và chiều tối, tầm nấu ăn, giặt giũ sau buổi lên lớp, sau đêm ngủ. Những khi đó, nếu ai muốn chiêm ngưỡng thầy cô, cứ tới bể nước. Các thầy Lê Đình Kỵ, Bùi Ngọc Trác, Đỗ Hồng Chung, Lê Chí Quế, Trần Vĩnh, Võ Quang Nhơn, Bùi Duy Tân, chị Nhu vợ thầy Trác, cô phụ trách phòng tư liệu vợ thầy Chung, các anh được giữ lại trường như Mai Ngọc Chừ, Mã Giang Lân… là đối tượng chính sách, được ưu tiên. Khi các thầy cô “hoạt động yêu nước” xong, tụi sinh viên mới nháy nhau tràn xuống. Ngày nào cũng như ngày nào. Mà phải thật nhanh. Thò cái ca vào vòi nước, đầy là vọt ra gốc xà cừ ngồi đánh răng, nhường chỗ cho đứa khác. Rửa mặt cũng quấy quá, còn hơn cả mèo. Muốn tắm phải đợi tới tối, hoặc thật khuya, khi bọn con gái đã xong thì mấy thằng con trai đánh chiếc quần đùi bay xuống, dội ào vài phát, lại bay lên.

Ở bẩn vậy nên gần như trăm phần trăm bọn con giai dính đặc sản hắc lào. Khi hết thuốc, lại diện tàu điện vào Hàng Bông, vào vườn hoa Cửa Nam, nơi có mấy hiệu thuốc quốc doanh. Nhiều khi hiệu thuốc cũng hết, có lẽ thuốc bán chạy quá, sinh viên dính hắc lào nhiều quá, lại phải năn nỉ xin nhau từng tí, vay mượn, hứa trả, cam đoan sẽ trả. Hộp thuốc hắc lào tròn tròn bằng sắt tây, to cỡ lòng bàn tay, thuốc giống như mỡ bò sền sệt bôi xích xe đạp. Đôi lần tôi phải sang phòng bên mượn của đám thằng Bính, thằng Ba, Bá Tân… Mấy cha này đều bị dính nặng nên lúc nào cũng trữ sẵn, haha. Tôi không may bị xếp chung phòng với tinh dững cán bộ, cụ Xuân, cụ Cường, cụ Sang, cụ Khánh, cụ Lập, các cụ quen biết nhiều bên ngoài, có chỗ tắm giặt nên người lúc nào cũng thơm tho, tuy nhiên cao tuổi nên khó nhờ vả. Chỉ trong khó khăn, cùng cảnh ngộ mới dễ thông cảm với nhau. Cho tới giờ, vẫn thắc mắc không biết bọn con gái có bị dính căn bệnh thời đại như mình. Thôi, đã hết thời hạn bí mật rồi, các bà khai thử ra xem nào. Cứ nhìn bẹn là rõ ngay. Sắp họp lớp rồi.

Để tắm giặt được, điều quan trọng là phải có cái thau hoặc xô. Giờ nghĩ lại vẫn rùng mình. Tới cái xô mà cũng không sắm được, đủ biết nghèo tới mức nào. Phòng tôi hộ khẩu thường trú của mấy các cán bộ nên khá sẵn xô. Chiếc xô tôn chứa khoảng chục lít nước. Bác Xuân, bác Sang, bác Cường mỗi bác có một cái, hình như bác Lập, bác Sơn dùng chiếc thau men cũ, bác Khánh không có. Xô quý không khác gì xe đạp. Mỗi lần mượn cứ ngài ngại là. Để có đi có lại, tôi chấp nhận hằng ngày tới bữa xuống nhà ăn đem cơm về ăn chung với bác Cường, ăn xong bao luôn việc rửa bát đũa thìa cạp lồng, bù lại được dùng xô thoải mái. Bữa nao kẹt lắm thì sang phòng bên mượn xô bác Năng. Hình như chưa bao giờ dám mượn xô của bác Xuân. Cụ này nghiêm bỏ mẹ, tự dưng chờn chợn, đâm sợ. Một lần, mình xách xô nước lên tầng 3, quờ quạng thế quái nào trượt chân đổ mẹ nó xô nước ra cầu thang, nhưng tai hại nhất là ngã đè lên xô, méo cả cái xô quý của bác Năng. Mình lén xuống đất hì hục uốn lại. Khi trả vào đầu giường bác Năng, mình cứ len lén, lí nhí vài câu cảm ơn, không dám khai báo gì. Chắc cụ cũng biết bởi cụ quý cái xô còn hơn lý tưởng cộng sản, làm gì mà chẳng phát hiện ra. Chỉ có điều cụ nhân đức không thèm nói, không thèm bắt đền. Thế mới là ông anh đồng hương đầy chất Phòng, hí hí.

Thiếu nước như thế, mỗi lần vào nhà ông anh họ ở khu Thanh Lương ven sông Hồng, có cái giếng tập thể, việc đầu tiên của mình là tắm cho thỏa thích. Không ít lần, bận học chưa kịp vào chơi, khi mò tới, ông anh lại tủm tỉm, quát cái Bích thằng Cường đâu, lấy cái gầu múc nước cho chú.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét