Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Chuyện dịch bệnh (kỳ 2)

Miền Bắc những năm 1950 - 1970. Suốt tuổi thơ và thanh niên tôi không phải chứng kiến trận dịch bệnh nào bởi khi mình được sinh ra thì đã hòa bình. Cuộc sống mới dù còn nghèo, thiếu thốn nhưng đã dần vào nền nếp, cả chuyện vệ sinh, ăn uống, y tế, phòng bệnh. Không còn đất cho dịch phát triển, và con người cũng có nhiều điều kiện để tránh dịch, chống dịch hơn. Nhưng những thứ bệnh có thể gây thành dịch thì vẫn còn, chỉ sơ sẩy lơ mơ là sẽ biến thành dịch.

Lúc bé, tôi vẫn nghe người nhớn kể về dịch. Thứ dịch nguy hiểm nhất là dịch hạch. Cũng chả hiểu sao thứ bệnh này lại có tên gọi như thế. Người nhớn nói dịch hạch dễ làm chết người nhất, mà lại lây lan nhanh lắm. Thủ phạm là bọn chuột. Chúng truyền vi trùng dịch hạch (hồi ấy không dùng từ vi rút, tất tật đều gọi là vi trùng). Con chuột mang vi trùng dịch hạch nhưng nó không chết, chỉ có người lây vào thì chết. Mà chuột là cái giống ở gần con người, chung với người. Nhà nào cũng có chuột. Chúng sục sạo khắp nơi, chui vào bồ thóc, vào thùng gạo, cắn quần áo, và tệ nhất là quậy chạn thức ăn. Lâu lâu nhà tôi mua được tí mỡ lợn rán lên để ăn dè, phải đổ vào ngăn cạp lồng nhôm treo tít lên xà nhà, vừa tránh kiến, vừa tránh chuột. Bọn chuột rất ghê, chúng biết thò mõm hoặc lấy chân bẩy mép lồng bàn lên để chui vào đánh chén. Bất cứ thứ gì chúng dính tới đều phải bỏ, đổ đi. Nhà tôi có lần buổi tối luộc nồi khoai lang, không dám ăn hết, cất đi để sáng mai có cái ăn sáng, lót dạ ra đồng. Sáng mở lồng bàn thấy bị chuột chui vào cắn ăn nham nhở. Mình đói không có gì bỏ bụng mà đành phải vứt bỏ. Thày tôi thấy con chần chừ, bảo bệnh dịch hạch chủ yếu từ đám chuột mà ra, đừng tiếc làm gì. Từ bấy tôi ghét chuột vô cùng. Quân khốn nạn tranh cả củ khoai của người nghèo. Nhà nuôi mấy con mèo mà vẫn không trị nổi đám giặc truyền dịch hạch này.


Nhắc tới chuột, lại nhớ tới làng Tú Đôi. Hồi đó, Tú Đôi chỉ là một làng thuộc xã Kiến Quốc cạnh xã tôi, ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Từ xửa xưa Tú Đôi là xã, rồi hòa bình bị nhập với xã Du Lễ bên cạnh thành xã Kiến Quốc. Những năm ấy, người ta đặt tên mới cho các xã kêu lắm, tinh những cái tên rất cách mạng, nào Kiến Quốc, Chiến Thắng, Bình Minh, Thành Công… hừng hực khí thế. Chủ nghĩa xã hội hình nhưng không thích những địa danh xấu xí.

Người Tú Đôi có truyền thống bắt chuột. Không phải bắt cho mèo mà cho người ăn. Thịt chuột là món đặc sản của Tú Đôi. Hồi học cấp 3 trường huyện (cả huyện mới có một trường cấp 3), lớp tôi có mấy đứa dân Kiến Quốc, cái Vũ Thị Phòng, thằng Nguyễn Sĩ Cải, thằng Đào Xuân Lưu, Đào Xuân Hòa…, đám chúng tôi hay chế chúng nó, bảo khiếp, ăn cả thịt chuột. Thằng Cải cười, chúng mày đéo biết gì, thịt chuột còn ngon hơn cả thịt gà, đắt hơn thịt gà, ngay chúng tao ở Tú Đôi không phải lúc nào cũng được ăn. Cái Phòng còn giải thích cho tôi, người ta chỉ bắt chuột đồng thôi, chứ không ăn chuột nhà, nó bẩn lắm, lại chui cống rãnh hố xí. Hôm nào mày sang, tao đãi bữa thịt chuột cho mày mở mắt ra. Tôi chơi thân với nó, sáng nào phóng xe Phượng Hoàng đi học ngang qua nhà tôi nó đều réo Thông ơi đi chưa, tôi lại lật bật bò dậy dắt cái xe thiếu nhi Liên Xô đuổi theo nó. Chưa kịp sang thì Mỹ đánh lại miền Bắc, giữa tháng 4.1972, ném bom túi bụi. Vừa lo học thi tốt nghiệp, vừa mải tránh bom, tới giờ vẫn chưa được ăn thịt chuột của mụ Phòng.

Để bắt chuột, người Tú Đôi đi từ tờ mờ sáng. Mỗi người một cái thuổng, một chiếc giỏ tre to, hầu như không cánh đồng nào họ không mò tới. Đi khắp các huyện, có khi xa mấy chục cây số. Ruộng sau vụ gặt, cánh đồng trống trơ dễ đào bắt, chuột béo múp bởi chúng vừa no nê thóc. Nhà tôi ven đường, chiều tối thường thấy đoàn Tú Đôi kéo quân về, anh nào anh nấy giỏ chuột nặng trĩu. Ông anh họ tôi bảo người bên đó họ giỏi giang chịu khó khéo léo hơn làng mình, nhưng ghét cái chúng đi tới đâu thì bờ ruộng tan hoang tới đấy. Cỗ bàn bên Tú Đôi Kiến Quốc luôn không thể thiếu món thịt chuột. Tới giờ vẫn còn chợ bán chuột, đủ các kiểu sống chín, người tứ xứ về mua. Thứ bảy chủ nhật, dân phố Hải Phòng diện xe ô tô về Tú Đôi thưởng thức đặc sản chuột đông nghịt, cũng giống như kéo nhau về làng Kỳ Sơn xã Tân Trào ăn bún riêu vậy. Ai nói chuột là thủ phạm dịch hạch chứ với người Tú Đôi chuột là nhất. (còn nữa)

Nguyễn Thông








1 nhận xét: