Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Chuyện dịch bệnh (kỳ 3, cuối)

Dịch hạch chỉ nghe nói, chưa tận mục lần nào nhưng bệnh đậu mùa và bệnh tiêu chảy (còn gọi là ỉa chảy), hai thứ này rất dễ thành dịch, thì diễn ra thường xuyên, nhất là tiêu chảy.

Hồi tôi còn bé (những năm đầu 1960) ở quê, vẫn gặp người nhớn bị đậu mùa. Bệnh đậu mùa để lại hậu quả xấu xí trên khuôn mặt, đầy những vết rỗ, rỗ chằng rỗ chịt. Chính vì thế, người ta còn gọi nó là bệnh rỗ. Loại đậu mùa thông thường (bởi còn có đậu mùa ác tính) không gây chết người nhưng khiến “nạn nhân” tủi thân, mặc cảm về diện mạo, hình thức. Đàn ông bị rỗ đã đi một nhẽ, đàn bà mà bị còn tủi gấp mấy lần. Làng Trà quê tôi thời tôi còn ở nhà có anh Mùi con bà Múi ông Mài, có chú Thiệu con cụ Kèo, cả thằng Phúc chú tiểu chùa Trà học cùng lớp tôi… bị rỗ chằng chịt, chả biết mắc từ hồi nào. Vậy nhưng tôi chỉ thấy họ cứ coi như không, kệ, ai đẹp mặc ai. Chú Thiệu rất tay chơi, áo su mi bỏ trong quần, diện dép nhựa Tiền Phong trắng, đi bát phố huyện như đi chợ, con gái các nơi theo hàng đàn. Anh Mùi cũng phớt tất, đến tuổi nghĩa vụ thì vào bộ đội, đánh nam dẹp bắc tung hoành, sau phục viên về quê làm trưởng công an xã, chuyên bắt những đám đánh bạc, tổ tôm, số đề. Năm xửa xưa, cỡ gần chục niên rồi, tôi về quê, gặp anh, mời bác vào nhà uống nước. Hỏi, bác Mùi còn khỏe nhỉ, còn đi bắt bạc không? Bác Mùi cười, dạo ấy được giao nhiệm vụ thì phải thế thôi, không hăng cũng không được, nhưng nghĩ lại, thấy mình cũng quá đáng. Ở quê buồn bỏ mẹ, đánh bạc là thứ giải sầu, giờ tao cũng thỉnh thoảng làm vài ván, lại có thằng khác như mình ngày xưa nó đi rình bắt mình. Nói xong cười khơ khớ, rất vô tư.

Dạo tôi dạy học, lớp có một chị lớn tuổi cán bộ đi học, cao niên hơn cả thầy, chị bị rỗ. Có nhẽ căn bệnh đậu mùa thời chị còn bé hành chị dữ lắm nên rỗ rất nặng. Tôi có lần bảo với ông bạn đồng nghiệp, bà này mà không dính đậu mùa thì đàn ông cứ xiêu điêu. Chị trang điểm rất khéo, hầu như ít ai thấy rỗ. Về đường ăn nói, tháo vát, làm ăn, giỏi giang, nuôi dạy con… thì thôi rồi, ít ai bằng. Những năm đầu thập niên 80, chính chị hướng dẫn cho mấy thầy cô giáo cách nuôi gà công nghiệp, cung cấp con giống, cám số 1 số 2, chỉ cho đầu ra đầu vào, “cứu” không biết bao nhiêu thầy cô đang sống dở chết dở. Chị rất khéo ăn khéo nói, về sau nghỉ dạy, thành chuyên gia tâm lý nổi tiếng, xuất hiện thường xuyên trên tivi, hàn gắn cho bao nhiêu đôi trẻ và gia đình bên bờ vực đổ vỡ. Phải công nhận người như chị H. (tên chị ấy) rất hiếm, rỗ đối với chị ấy chả là cái đinh gì, chỉ là rỗ hoa.

Lại nhớ hồi học lớp 2 hoặc lớp 3, một hôm thầy Lương bắt cả đám rồng rắn kéo nhau sang trạm xá đặt trong căn nhà cổ cạnh 2 cây trẩu cổ thụ bên bờ đầm để chích ngừa đậu mùa, còn gọi là chủng đậu. Thím Hoạch y tá nắm bắp tay từng đứa, lấy chiếc ngòi bút đã mài nhọn sắc đầu ngòi chấm vào vắc xin rạch cho một phát, thế là xong. Kể cũng lạ, chỉ mỗn cái ngòi bút ấy mà rạch mấy chục đứa, thế mà không bị lây nhiễm gì, chứ bây giờ mà làm kiểu đó có khi chết hàng loạt. Những ông bà nào bây giờ ở độ tuổi ngoài 60 giở lên, vạch tay áo ra đều thấy cái vết sẹo nhỏ chỗ gần vai, đó là chứng tích của một thời phòng dịch.

Loại bệnh tiếp theo là tiêu chảy. Nông thôn miền Bắc thiếu thốn, nghèo nàn, ăn uống tầm bậy tầm bạ, mất vệ sinh nên tiêu chảy có đất hành sự. Người nhớn vẫn đùa nhau “Việt Nam dân tộc cần cù/Thịt rơi xuống đất thổi phù ăn ngay”, chả bỏ đi miếng nào. Cứ ăn đã, còn bệnh hoặc thậm chí chết, tính sau. Sách giáo khoa, rồi thày bu, rồi thầy cô giáo lúc nào cũng nhắc bọn trẻ con không ăn quả xanh, không ăn khoai sống, không uống nước lã, rửa tay trước khi ăn, v.v.. nhưng càng nhắc thì đám ôn con càng làm ngược lại. Không thế không phải trẻ con. Tôi đi đánh dậm về, việc đầu tiên là chạy ra bể nước mưa ực ngay một gáo dừa đầy, có hôm còn uống luôn cả con loăng quăng, thế mà chả sao. Ăn bốc khi tay đang dính đầy đất là chuyện thường. Đi đập nương ở cánh Bến, vớ được củ khoai lang sót, rửa qua loa nước ruộng, chùi vài nhát vào quần rồi nhai rau ráu. Thày dặn mặc thày, bu nhắc mặc bu. Còn nhớ sách tập đọc lớp 1 có bài rất dễ thương về giữ vệ sinh để khỏi bị ỉa chảy: “Mẹ đi chợ về mua cho anh em Tý hai cái bắp ngô luộc. Em định ăn ngay. Tý thấy vậy ngăn lại, bảo chúng ta đi rửa tay rồi hãy ăn, nếu không vi trùng theo đồ ăn vào mồm sinh ra nhiều bệnh tật”. Lứa tuổi 5X chúng tôi, Tý là một dạng idol thời đại, nói như các nhà văn, là con người điển hình, tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, dù chả ai biết mặt mũi nó thế nào.

Dịch tả sợ lắm, lây theo nguồn nước nên lan tỏa rất nhanh. Hồi ấy có khi cả làng bị tiêu chảy, người cứ rộc đi, mặt hốc hác, mắt sâu hoắm, mỗi ngày Tào Tháo đuổi chạy dăm bảy lần. Nhà vệ sinh khi xưa nào có được tiện lợi và sạch sẽ như bây giờ. Mấy đứa nhỏ dính tiêu chảy cứ vụt ra góc vườn làm đánh xoẹt rồi đứng lên kéo quần về. Giờ nghĩ lại rùng mình, sao mà khổ thế. Lạ là không thấy ai chết bởi Tào Tháo đuổi. Hình như ở bẩn sống lâu, sức đề kháng mạnh. Ông trời chắc ân hận đã để kiếp nhà nông khổ nên cũng sửa sai, cho họ một số vũ khí chống chọi với đời. Nhớ có lần, tôi đọc cái truyện gì đó của Nguyễn Công Hoan, buổi tối bụng đói ngồi chơi nói nhăng nói cuội cho quên đói, tôi buột mồm nói cái câu của anh đĩ hoặc bố cu gì đó trong truyện: “Đêm nay quan ôn về bắt làng ta”. Tôi vừa văng xong, bà Khoắn chị cả tôi giãy nảy lên, bảo phỉ phui cái miệng, phỉ phui cái miệng, ai bảo nói thế, có biết quan ôn là gì không. Tôi lắc đầu, bà chị liền giải thích quan ôn là bệnh ỉa chảy đấy ông ạ, ông muốn cả làng bị Tào Tháo đuổi hở, cả làng này chết hở. Mình hồi bé chả làm được điều gì khôn, còn những cái ngu thì nhớ mãi.

Tuy nhiên, có một thứ dịch bệnh đám trẻ con thôn quê rất thích. Là gà rù. Nhà quê, nuôi được đàn gà, cứ nhớn con nào là thày bu xách đi chợ bán lấy tiền mua thóc. Cấm dám tự động thịt con gà mạnh khỏe, ngay cả khi nhà có khách. Năm thì mười họa tết giỗ mới ngả con gà. Cứ vào mùa lạnh, đổ nhiều sương muối, gà hay bị rù. Nó chẳng ăn uống gì, không đi bới móc, đứng củ rủ cù rù ủ rũ góc vườn. Không kịp để ý là chúng chết lăn quay tự bao giờ, chỉ còn cách đem chôn. Bọn trẻ con thèm thịt thường nhanh nhảu, thày ơi, bu ơi, có con gà rù. Thày liền bảo bắt nó cắt tiết kẻo nó chết thì phí. Thế là vội làm cho mau. Con gà rù, cắt cổ tới chết vẫn không ra giọt máu, chả biết máu nó biến đi đâu hết. Thịt gà xám xịt. Nhưng có miếng ăn, còn hơn thòm thèm suốt năm. Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội bao nhiêu năm ấy, tới giờ đọng lại trong tôi vẫn còn thứ ký ức khó quên: chỉ dám ăn gà rù.

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. "Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội bao nhiêu năm ấy, tới giờ đọng lại trong tôi vẫn còn thứ ký ức khó quên: chỉ dám ăn gà rù."
    Chuyện anh Thông kể như một cuộn phim quay lùi lại, ai cũng thấy mình trong đó (U60 trở lên). Đọc xong thấy ướt hai khóe mắt.

    Trả lờiXóa
  2. dịch bệnh là rất nguy hiểm nên không thể chủ quan

    Trả lờiXóa