Văn mặc nhiên được coi là thứ tiêu chuẩn để đánh giá con người, cả về tri thức và đạo đức. Hồi xưa khen nhau, ai đó được xếp vào hạng “văn hay chữ tốt” không khác gì bây giờ được phong giáo sư tiến sĩ, anh hùng, huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu nhân dân này nọ.
Hồi tôi bắt đầu đi học (thực ra chả muốn học, chỉ muốn chơi hoặc đi đánh dậm, nhưng thày bu cứ ép, bảo “nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi” – người mà không học không biết được lẽ đời, lúc còn trẻ con mà không đi học, rồi khi già làm được trò gì). Bu còn đèo thêm, nó không đi học, sắm cho nó cái cặp tre và cái giỏ để đi nhặt cứt, sau này nhớn lên cũng chỉ ra Phòng đạp xích lô như cậu Đại là cùng. Chả là trong làng có ông Đại, nhà nghèo, mấy anh em không học hành gì, ông có hai anh là ông Bình, ông Vọng đều ra Phòng đạp xích lô, 3 anh em xích lô chuyên nghiệp. Tôi không sợ theo ông Đại, còn muốn ra Phòng tung tẩy là khác, nhưng hãi phải đi nhặt cứt.
Từ cấp 1 tới đại học (hê hê, loại cứng cổ rắn đầu biếng học như tôi mà cũng đại học) thập niên 1960 - 1970, tôi chỉ học văn. Thực ra không học văn cũng chả biết học gì bởi nhà cháu đây rất dốt toán lý hóa sinh ngoại ngữ. Cả đời không làm được bài toán số học khó nào (chỉ cộng tiền là giỏi), toán quỹ tích, hình học không gian, tính hóa trị, toán gien sinh học lại càng không. Chỉ thạo nghề chép lại quay cóp bài của bạn. Có 7 cái hằng đẳng thức đáng nhớ, học suốt 3 tháng không thuộc, không ứng dụng được vào làm toán. Bảng tuần hoàn của Mendeleev dán đầy tường nhà chỉ để trang trí, không biết chất nào ở vị trí nào, số mấy, ký hiệu ra sao. Vậy nhưng có nhẽ ăn ở hiền lành, đập con cá rô để rán cũng ngại nó chết đau đớn, được trời độ nên thoát hết các kỳ thi, hết cấp 1 thì vào cấp 2, hết cấp 2 lên cấp 3, xong cấp 3 vào đại học, tốt nghiệp đại học thì đi làm và nghèo cho tới giờ. Nguyên do, chỉ thạo mỗn môn văn.
Các cụ bảo “một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”, nói thế thôi, chín nghề văn chỉ có từ toi đến toi. Kiếp sau, nếu thày bu lại ép đi học, hoặc trốn hẳn, hoặc sẽ chuyển sang môn toán, quyết không chép bài quay cóp nữa. Cả đời theo đòi học văn, có lẽ điều may mắn duy nhất là được làm trò của các đấng bậc tài giỏi, như thầy Ngô Minh Phất (Trường cấp 2 Thụy Hương), thầy Tòng, cô Diệp, cô Nga (Trường cấp 3 Núi Đối, Kiến Thụy, Hải Phòng), và đặc biệt các thầy cô Đinh Gia Khánh, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Hượu, Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Duy Tân, Đỗ Hồng Chung, Lê Hồng Sâm, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Nguyễn Kim Đính… Học các thầy giỏi, nhưng ra đời chỉ làm kẻ tầm thường và nghèo, đó là lỗi của bản thân chứ không phải của các thầy.
Thế hệ tôi, học văn chủ yếu là mọt sách, tầm chương trích cú, khuôn sáo. Làm văn cứ phải mở bài, thân bài, kết luận; mở bài thì “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước” dù đề ra bất cứ nội dung gì (chẳng hạn phân tích nhân vật Chí Phèo, cũng “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”, hé hé), còn kết luận thì bao giờ cũng hứa “là một đoàn viên, học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, em sẽ đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần…”. Thuộc đủ cả những kinh điển, nào “học, học nữa, học mãi”, “không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản”, “hạnh phúc là đấu tranh”, “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Thơ Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, thơ Tố Hữu, cả thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu… thuộc vanh vách, dù rất dở, kiểu “ngói mới trăm nơi cùng cửa sổ/xây lên không khí những tòa gương”. Ghê tới mức, năm 1978, tôi đi dự thi thuyết trình văn học cách mạng ở Nhà văn hóa Thanh niên (4 Duy Tân, quận 1), thuộc nhiều thơ Hồ Chí Minh và Tố Hữu quá, ban tổ chức vội xua tay mời xuống, đặc cách cho giải nhất, được tặng cuốn từ điển Anh Việt của Bùi Ý và hơn chục cuốn truyện như Sống như anh, Người mẹ cầm súng… do NXB Văn học giải phóng ấn hành. Ông Nguyễn Văn Vy bạn đồng nghiệp cười bảo, đã khổ vì thứ này, giờ ôm thêm vào chắc không ngóc đầu lên được. Y như rằng.
Đi dạy học gần 2 chục năm giời, tôi biết chấm văn là thế nào rồi. Muốn điểm 10 cũng chả khó lắm, cứ ưng thì phết thôi, còn không hạ xuống 7, 8 cũng chả sao. Chấm văn cơ mà, làm quái gì có chuẩn. Ba rem ba riếc chỉ để làm vì thôi. Tôi từng chứng kiến một ông anh, đồng nghiệp Nguyễn Cao Cấp, trong một buổi tối chấm được 150 bài (3 lớp), mà vừa chấm vừa… chơi domino. Thế mới khiếp. Tôi thì cẩn thận hơn, đã từng phết 1 điểm 10 trong suốt đời dạy học của mình, không phải cho người học chuyên văn, chuyên khối C, mà cho một cô học khối B. Tôi đã không nhầm, sau này cô ấy là nhà báo nổi tiếng và cả tai tiếng.
Trong tích cũ có kể lại một ông mù chấm văn khéo lắm. Bài nào do người tử tế viết, ổng ngửi bảo văn này được, thơm thơm. Bài do kẻ nịnh nọt, xấu xa, nham hiểm viết, ổng ngửi qua rồi xua tay thối thối, thối không chịu được. Chấm ngửi nhưng chính xác tuyệt đối, chả sai bao giờ.
Chuyện năm nay có 2 điểm 10 môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT chả có gì lạ. Muốn 2 thì có 2, muốn 100 cũng sẽ có 100, đã bảo là chấm văn cơ mà. Còn muốn biết bài ấy có hay hay không, cứ cho đăng công khai lên mạng, lên báo là biết ngay (tất nhiên phải đăng bản gốc, đừng có qua tay biên tập). Thời chúng tôi, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 hằng năm hoặc kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, những bài hay nhất, điểm cao nhất, được giải… đều được in thành sách. Những tên tuổi Nguyễn An Định, Đặng Tương Như, Nguyễn Văn Thạc, Trần Nho Thìn, Bùi Việt Thắng, Cao Vũ Trân, Đoàn Đức Phương… là thứ kỷ niệm thật đáng nhớ của thời học văn những năm xa ấy.
Nguyễn Thông
Các thầy cô giáo chấm văn nên rút kinh nghiệm chuyện này, nếu có chấm 10 điểm, nhớ bài đó thuộc loại chủ đề quen thuộc, aka Tố Hữu với Bác Hồ . Sau đó hãy đăng bài í lên báo, cho các trí thức nhà mềnh khoe tài nịnh Bác Hồ & Tố Hữu . Chứ chấm điểm 10 cho bài luận về đại gia rùi đăng báo thì lòi hết roài .
Trả lờiXóavăn thì
Trả lờiXóaVăn thì không nên chấm điểm 10, bởi nó rất trừu tượng
Trả lờiXóa