Nghe Lương Ngọc Bính hát “Trên biển quê hương” của nhạc sĩ Đức Minh, mình nhớ ngay bài này ông Uy anh giai mình từng chép trong cuốn sổ bằng bàn tay, tinh dững khúc ca hừng hực khí thế đánh giặc, mở đầu là bài “Đánh đích đáng” của Ngô Sĩ Hiển, rồi "Tiếng hò trên đất Nghệ An", "Tiếng đàn ta lư", "Vui mùa chiến thắng"… Bất chợt mình hát theo nó “hò là hò là khoan, tung lưới ra ngoài khơi, ta bắt con cá nhẩy, ta bắt đàn cá bơi, ơi hò là hò ơi…”, lúc đầu thầm thì nho nhỏ kiểu ăn theo, sau cứ to dần. Rồi mấy đứa khác cũng ăn theo nữa, át cả tiếng cu Bính. Cái Thúy xẩm ngồi cạnh mình, bấm tay một cái đau điếng, bảo chúng mày im đi, để Bính nó hát. Đúng là đàn bà trong đám đông ô hợp vẫn thường tỉnh táo hơn bọn quê xệ như mình. Mình định bảo Thúy, ngoài Phòng cũng có biến thể bài này, không phải là cái biến thể “Cởi truồng ra khơi, bị con cá đuối nó xơi mất bòi” đâu, mà là “Hải Phòng quê ta, hồi xưa vẫn hát câu ca hát rằng, ai đã về đây, chớ quên thuốc lào Tiên Lãng. Hai điếu hai bên, bây giờ còn mỗi điếu thôi. Điếu ở cạnh người, đó là trái tim của tôi…”. Nhưng đang vui nghiêm túc, lại trên đất thiêng Quảng Bình, mình đếch dám hó hé.
Đáng nhẽ không nói chuyện tiền bạc, sợ có ai đó cười mỉm khinh bạc rằng chúng mày lúc nào cũng coi trọng đồng tiền. Nhưng phải thật thà thú nhận rằng rất biết ơn cựu bí thư Bính đã chiêu đãi đoàn một bữa no nê hải sản biển Quảng Bình, thứ đặc sản xưa nay được truyền tụng ngon nhất nước, nhất là mực. Nhớ lúc mới đến, trông xa xa dãy đèn điện dài cả mấy cây số nhấp nháy nhấp nháy, mình ra vẻ thông thạo bảo với thằng Bá Tân chắc bờ phía bên kia sông cũng là phố xá. Bính cười giải thích, không phải bờ, không phải phố, đó là dàn đèn câu mực trên biển, ngoài ấy là biển chứ không phải đất liền. Khi cắn con mực ống thơm phức, ngọt lừ, mềm như... ti, mình chợt nghĩ có khi đám mực ni cũng từ những người đang đánh bắt cặm cụi đằng xa kia không chừng.
Ăn uống chơi bời, ôn nghèo kể khổ chán chê, khuya muộn nhưng chả đứa nào có ý về. Cụ Năng thấy bọn này dây dưa nhùng nhằng quá nên đứng phắt dậy mở bài đít cua đáp từ, cảm ơn Bính, cảm ơn Đồng Hới mặn mà tình nghĩa. Thậm chí suýt nữa thì cụ sảy miệng, nhưng kìm lại được, hì hì. Bính hát xong, bắt tay từng đứa, lại còn dúi cho trưởng đoàn một ngân khoản đáng kể, bảo là chút lòng thơm thảo để các bạn tiếp tục cuộc hành trình. Y cưỡi con ngựa sắt Camry đen dẫn đường đưa cả đám về tận nơi, bắt tay bắt chân lưu luyến mãi. Lúc ấy mình say quá rồi, trông ai cũng nhập nhòe, chả kịp chớp thêm cái ảnh nào, chỉ đủ sức rượu tàn giơ tay vẫy vẫy khi xe Bính khuất dạng. Thế là dịp này không kịp đi thăm ngôi chùa nó từng bỏ tiền túi ra trùng tu, chùa có tên Vĩnh Phúc tự, dân bản địa gọi nôm na là chùa ông Bính.
Quành chuyện lại một chút. Sân bay Đồng Hới. Nhóm Hồng Ngụ Ba Cào đúng 7 giờ 55 chạm đất. Gọi cho Bá Tân vốn đã tiền trạm ém sẵn từ hôm qua, Tân bảo tao với anh Nguyệt đang ở đây rồi, Luxe hotel, 55 Trương Pháp trông ra sông Nhật Lệ, thằng Đại đi tàu lửa cũng sắp tới nơi. Nghe tên thằng quỷ Đại lùn, Nguyễn Sĩ Đại, mình sướng rơn người bởi đã rất lâu không gặp nó. Hồi nhập học trên Sát Thượng Yên Phong Hà Bắc tháng 10.1972, mình với nó đi bộ suốt từ thị trấn Từ Sơn tới làng Sát Thượng, nó đeo ba lô đi trước khoảng trăm mét, mình cõng ba lô theo sau, cứ khoảng cách như thế, nào có hình dung được chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thằng du tử ấy sẽ là bạn đồng môn. Tới lúc gặp chị Thụy nộp giấy tờ, làm thủ tục nhập học, nhận phiếu ăn, mới nhìn nhau cười. Nó được xếp về nhà bà Điểm, mình về nhà anh Thuận, mươi phút sau nhà mình có thêm anh Nguyễn Văn Tiến và thằng Tô Thanh Trung đều dân Nghệ. Anh Thuận chủ nhà nhường cho một chiếc giường, hôm rét quá nằm chung, còn thường thì mình xuống ngủ dưới bếp với thằng cu con anh Thuận cho ấm. Được nửa tháng, kéo nhau lên phà Đông Xuyên qua sông sang bên Hiệp Hòa khám sức khỏe lại, anh Tiến bị mắt kém, chỉ còn 2/10, khoa trả về quê, sau có nghe nói anh bị mù hẳn. Ít người trong lớp K17 ta biết có một anh đồng môn chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng.
Đói quá, phe Sài Gòn rủ nhau đi ăn sáng trước khi trình diện thằng Bá Tân tại đại bản doanh Luxe hotel. Bác cả Hồng bảo đi ăn phở. Mình cẩn thận điện hỏi nó mày đã ăn sáng chưa, không thì đi luôn với chúng tao. Nó nói ăn rồi, vả lại phải ở nhà chờ thằng Đại. Xe tuk tuk điện chạy vòng vòng tìm quán. Thằng lái xe kính cẩn thưa để cháu đưa các bác ra phố Lê Quý Đôn, nơi ấy có nhiều quán ăn, có hàng phở. Tôi đã lâu không ăn phở bởi dạo này dịch bệnh lẫn bị "viêm màng túi" nên ít ra ngoài nhà, không la cà phố xá như trước, liền nhất trí, ừ, ăn phở. Xuân Ba cười, ối giời ôi, chúng mày đéo biết gì, đến đây ai lại tọng phở cho nó phí mồm đi. Đất Quảng bọ, nhất là Đồng Hới, phải ăn cháo canh. Đặc sản xứ này là cháo canh, biết chửa. Mình bảo chị Ngụ, đã cháo lại còn canh. Sau ăn rồi mới biết nó từa tựa hủ tiếu, bánh canh, cũng na ná phở trong Sài Gòn, tức là hổ lốn thập cẩm, chỉ có điều chả có tí nào gọi là cháo. Nhưng ăn được. Mình đang đói, kêu thêm bát nữa, sẻ cho chị Ngụ, bà chị xua tay tao no lắm rồi. Đi chung với bà Ngụ rất thích bởi mình có thể... ăn hiếp được bả. Người duy nhất trong đám đàn bà K17 mình áp bức được là bà Ngụ, chứ đụng vào mấy bà kia thì chỉ từ chết tới bị thương. Nhờ thằng Ba ăn đỡ cho 2 gắp, còn lại mình sực tất, trưa đó bụng lặc lè chỉ trệu trạo nổi mỗn bát cơm, dù thực đơn bữa trưa do mụ Huệ đặt ở Luxe rất ngon. Khổ, tham ăn nào có sung sướng gì. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
thiếu thốn quá cũng khổ
Trả lờiXóa