Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Súng nào chẳng là súng, nhưng cần biết phân biệt (kỳ 4)

Những năm đầu chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc, hầu như già trẻ lớn bé quân dân chính đảng ai cũng biết chuyện các cụ lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh dùng súng bộ binh bắn rơi tàu bay Mỹ. Cứ tạm lược bỏ những tô vẽ thêm, những huyền thoại được người ta gắn kết thêm vào để cho rực rỡ thì việc ấy là có thật.

Nói ai cũng biết bởi sau khi sự việc xảy ra, báo chí và đài tiếng nói Việt Nam phát liên tục những bài ca ngợi, đến nỗi đám trẻ con nhỉnh hơn chục tuổi chúng tôi ở tít tận Hải Phòng cũng nắm rõ mồn một. Cụ Hồ gửi thư khen, báo chí ca ngợi, văn nghệ sĩ chụp ảnh, sáng tác bài hát. Cái loa kim vỏ gỗ màu xanh da trời to bằng cục gạch treo trên tường phát liên tục bài “Hát mừng các cụ dân quân” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nghe riết cũng thuộc làu.

Chả là xã Hoằng Trường nằm gần cửa Lạch Trường chảy ra biển. Chỗ này bọn tàu bay Mỹ thường lợi dụng bay tầm thấp để tránh bị phát hiện, tới đất liền mới vọt lên vào thả bom. Các cụ nhà ta thành lập hẳn trung đội lão dân quân (hồi ấy chỉ ngoài 50 đã được lên lão), trang bị súng 12 ly 7 và súng trường K44, CKC trèo lên mỏm núi chờ. Mấy thằng Mỹ khờ chủ quan, mắc mưu các cụ, ngày 14.10.1967 bị các cụ xơi tái một chiếc F4 phản lực hiện đại (còn có tên Con ma), 10 ngày sau bắn góp vào với bộ đội cao xạ hạ thêm chiếc cánh quạt khu trục AD6 nữa. Cả nước sướng, nhất là xứ Thanh. Ông Đỗ Nhuận tổng thư ký Hội Âm nhạc về tận nơi, viết bài hát mừng các cụ dân quân. “Loa vang tin khắp nơi, các cụ vừa hạ rơi máy bay. Những tay súng bộ binh rất tài nhằm trúng tan xác ngay giữa biển trời”. Phải công nhận xứ Thanh mấy năm ấy nhiều bài hát hào hùng khí thế lắm, nào là Nguyễn Bá Ngọc (Mộng Lân), Thanh Hóa anh hùng (Hoàng Đạm), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao)… Có đứa lớp tôi hồi học cấp 2 còn bắt chước bà Thụy Điển, ước sau một đêm ngủ dậy thành người Thanh Hóa.

Nghe kể sau trận đầu quật F4, trung ương tặng các cụ huân chương. Cụ Hồ còn gửi thư khen và huy hiệu thì huân chương chưa là cái đinh gì. Ít lâu sau, người ta chế theo bài hát của ông Đỗ Nhuận, “tin vui bay tóe loe, các cụ vừa hạ rơi máy bay hết xăng”, rằng các cụ đề nghị “huân chương không lấy đâu, các cụ chỉ cần thịt trâu dễ chia”. Hóa ra thời xa xưa ấy, các cụ đã rất thực tế. Suốt một chặng dài ở xứ này, nguyên tắc thưởng phạt bất di bất dịch là phạt bằng tiền, thưởng bằng giấy. Mãi sau này, khi tiền bạc rủng rỉnh mới có thêm tiền kèm theo giấy. Thấy bảo có những vị chả thiết tha với danh hiệu này nọ, nhưng tiền kèm giải thưởng Hồ Chí Minh những 300 triệu đồng, giải thưởng nhà nước 200 triệu, rồi nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cũng có mớ kha khá nên khó mà không ham.

Cũng nghe kể, trong một lần nhà nước tổ chức duyệt binh mừng quốc khánh, hình như năm 1970, các cụ lão dân quân Hoằng Trường được mời tham gia. Phấn khởi quá, các cụ tập luyện hăng say, chỉ có điều mấy ngày trước khi tề tựu về thủ đô, nhiều cụ sợ râu tóc vướng víu nên cạo phăng đi, trông nhẵn nhụi bảnh bao hơn hẳn. Ban tổ chức kêu trời. Cần cụ là cần cái râu cái tóc, chứ trẻ trai như kia thì tìm đâu chả ra người. Thế là phải chữa cháy, cho đeo râu giả, rồi cuộc duyệt binh cũng thành công tốt đẹp. Xứ ta cái gì mà chẳng thành công tốt đẹp, dù chẳng thành công. Tôi có lần đem chuyện này hỏi anh trưởng tràng Đăng Quốc Khánh người gốc Hoằng Hóa, anh cười bảo làm chó gì có chuyện ấy, người ta chỉ đồn thế thôi, nhưng rồi anh lại hơi lăn tăn, biết đâu có vài cụ cạo thật.

Cũng cần nói thêm, xứ Thanh chả phải chỉ có cụ lão dân quân hạ tàu bay Mỹ bằng súng trường. Nữ dân quân cũng khiếp lắm. Nếu trong Quảng bọ (Quảng Bình) có hẳn trung đội nữ pháo binh Ngư Thủy dùng đại bác bắn tàu chiến Mỹ rất kinh thì nữ dân quân xứ Thanh ở những huyện Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn… đều lập chiến công bằng súng trường. Cụ Hồ gửi thư khen tới tấp. Nữ dân quân xứ Thanh vừa đẹp vừa giỏi thành người mẫu của cả nước, có nhẽ chỉ người Châu Yên Sơn La là địch được, “A, dân quân Châu Yên ta với súng trường, nhằm thẳng vào mặt kẻ thù bắn thần sấm phải rơi. Ta quyết giữ lấy cái rẫy cái nương. Nếu quân Mỹ ác tới đây, bắn ngay…”. Thời ấy lưu truyền câu thơ “Chị em du kích tài thay/Bắn tàu bay Mỹ rớt ngay cửa mình”, cửa mình tức là cửa biển Lạch Trường tỉnh Thanh mình. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: