Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Tăng trưởng âm

Vốn biết thời nay việc sử dụng ẩu tả tiếng Việt đã như thứ bệnh mạn tính (lưu ý mạn chứ không phải mãn, tức là bệnh càng ngày càng nặng), nhất là ở các nhà báo (phóng viên, biên tập viên), đáng nhẽ kệ họ bởi có nói ra cũng chả chữa được, nhưng không nói thì lại thương tiếng Việt, giữ sự ấm ức trong lòng.

Nếu thỉnh thoảng coi tivi hoặc đọc báo mậu dịch, mọi người sẽ thấy họ (nhà báo) nói và viết rằng “nền kinh tế tăng trưởng âm”. Chả đâu xa, hôm qua tôi nghe trên tivi mậu dịch VTV1 nó ra rả mấy lần về tăng trưởng âm của kinh tế nhiều nước do đại dịch vi rút Vũ Hán (tôi cứ nói toẹt ra là vi rút Vũ Hán chứ không uốn éo nịnh Tàu như tay tổng giám đốc WHO). Còn trên báo thì đầy. Bác nào muốn biết, chỉ cần vào gu gồ (Google) gõ 3 chữ “tăng trưởng âm” thì ra ngay. Tinh báo tiếng Việt quốc doanh mậu dịch.

Tôi chẳng biết họ lôi từ đâu, dịch từ đâu ra cái cụm từ ấy. Chỉ biết là sai toét.

Đã nói tới tăng trưởng thì chỉ nhấn tới sự đi lên, phát triển, đạt được thành tựu, càng về sau càng mạnh hơn trước. “Tăng” nghĩa là thêm, thêm lên. Tăng tiến là thêm vào và hướng về phía trước. “Trưởng” là phát triển, trở nên vững mạnh.

Nền kinh tế (của cá nhân, gia đình, địa phương, quốc gia, khu vực, thế giới) ngày càng khá, càng đi lên thì gọi là đạt tăng trưởng, nền kinh tế tăng trưởng. Tùy nơi tùy lúc, tăng nhiều hay ít, nhanh hay chậm, đều được gọi là tăng trưởng, miễn phải có tăng. Nuôi đàn lợn đàn trâu, chúng ngày càng lớn, béo khỏe; trồng cái cây mỗi ngày một lớn, đều gọi là tăng trưởng. Theo quy ước chung, tăng được ghi nhận bằng dấu cộng, dương; giảm thì gắn cho nó dấu trừ, âm.

Khi đã không những không tăng mà lại càng kém đi thì tăng trưởng cái nỗi gì. Phải gọi là suy thoái, suy giảm, thụt lùi, lao dốc, chứ làm quái gì có thứ “tăng trưởng âm”. Thụt lùi thì cứ nhận mẹ nó là thụt lùi, âm với chả hộ. Xứ này lâu nay cứ hay nói né nói tránh, không dám nhìn thẳng vào sự thật, thích dùng những từ hoa hòe hoa sói để tô vẽ nó quen thói rồi. Đó là hậu quả của thứ bệnh giả dối, từ trên xuống dưới. Quan chức giả dối, lính lác cũng giả dối, báo chí và truyền thông đều giả dối.

Các nhà báo, nếu không nắm vững được tiếng mẹ đẻ, tốt nhất là đào hầm chui xuống đất mà học lại rồi hãy hành nghề, còn không thì nên bỏ nghề. Làm hỏng tiếng Việt, tội ấy không phải nhỏ.

Nguyễn Thông




1 nhận xét: