Nhân chuyện Bộ Văn thể du đang lấy ý kiến công chúng về việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước đợt sắp tới, chợt lăn tăn nghĩ ngợi.
Ai chả biết, đây là thứ giải thưởng của chế độ, của nhà cầm quyền, chứ không phải của quốc gia. Mọi triều đình hết hưng rồi phế, không có gì là muôn năm mãi mãi. Giải thưởng cũng vậy, khi nó đã sinh ra từ đường lối chính trị, từ học thuyết cai trị thì nó có tuổi thọ cùng bà đỡ của nó. Thứ giải thưởng ấy, chế độ còn thì nó còn, chế độ tiêu vong nó cũng tự mất.
Bây giờ ở nước Nga hoặc các nước thuộc Liên Xô trước kia, chẳng ai nhắc tới giải thưởng Lenin, giải thưởng Stalin, thậm chí còn phải giấu đi bởi nhỡ trưng ra lại rước vạ “không phải đầu cũng phải tai”. Ông bạn Trần Quốc Quân của tôi, một tay lang bạt kỳ hồ, từng du học sinh, rồi nghiên cứu sinh, vào năm Liên Xô tan rã thì bị “mất phương hướng” đã ở lại quê hương cách mạng tháng 10, sau đó theo dòng tha hương lưu lạc sang Ba Lan, trụ được ở xứ “mùa tuyết tan” đến nay, kể lại chuyện hậu xô viết thực cay đắng. Chả là sau khi liên bang xô viết tan như bong bóng xà phòng, thì tất cả đảo lộn, nhất là đời sống tinh thần. Y (Quân) có máu kinh doanh, lại từ Ba Lan sang Nga, mua được cả mớ huân huy chương, danh hiệu, giải thưởng, những mề đay một thời quý giá tột đỉnh, vô giá, giờ chỉ còn giá trị ngang mấy chục ổ bánh mì. Có cả danh hiệu anh hùng Liên Xô, huân chương Lenin, bày trong đống láo nháo lạc xoong đồng nát trên vỉa hè. Chủ nhân biết chúng đã hết thời, cho tham gia kinh tế thị trường, chí ít cũng đổi về vài ký thịt, mấy lít sữa để mà sống. Không thể ngồi đó gặm huân chương, gặm giải thưởng, nhấm nháp quá khứ xô viết mà qua cơn bể dâu được. Lenin, Stalin còn chả tự cứu được mình, huống hồ mấy thứ danh nhất thời mang tên họ.
Giải thưởng cao nhất, có ý nghĩa nhất là thứ đọng lại trong lòng người, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không phải mấy tấm giấy, ngôi sao kim loại phù du. Bây giờ, về sau, và biết đâu còn xa nữa, người ta vẫn nhắc tới Nguyễn Trãi, Nguyễn Du dù các vị ấy không có giải thưởng gì của chế độ, thậm chí còn bị tru di tam tộc, bị hắt hủi, tới mức phải than thở “bất tri tam bách dư niên hậu/thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (không biết hơn ba trăm năm sau/người đời có còn ai khóc Tố Như này). Nói cho cùng, mấy cái thứ giải thưởng thời nay, tuyên phong người nhận thì ít, mà để củng cố danh tiếng chế độ thì nhiều. Chả vinh hạnh gì. Hơn chục năm gần đây, người ta với đầu óc con buôn, nghĩ ra kế kèm theo tiền thưởng, cho nên nhiều kẻ háo danh thèm tiền càng say vào cuộc chạy đua mua giải. Số người tử tế thờ ơ với cuộc mua danh ba vạn gần như rất ít.
Nói đến giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước, lại nhớ vụ xét giải cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Công lao, đóng góp, sự tận tâm của ông Phạm với đảng, nhà nước, chế độ, với chủ nghĩa Mác - Lenin, với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản suốt hơn nửa thế kỷ có nhẽ không cần phải bàn. Nhiều người, nhất là giới nhạc sĩ, so với ông Phạm còn thua xa. Nhưng khi xét giải, qua mấy đợt kể từ đợt đầu, người ta loại ông khỏi giải lớn, chỉ ban cho cái giải nhỏ (nhà nước). Ông là người nhẫn nhịn, biết điều nên im lặng chấp nhận. Sau này dư luận nói rát quá, thiên hạ chê trách quá, mấy ông bà bề trên phải coi lại. Và buồn cười nhất, những bài hát có giá trị (với chế độ) nhất của Phạm Tuyên, trong đó có bài “Như có bác trong ngày vui đại thắng” trước kia chỉ được giải thưởng nhà nước, thì nay người ta đôn lên, châm chước cho được giải thưởng Hồ Chí Minh. Cùng là xét, thẩm định kỹ càng, công tâm, khách quan, chính xác, chỉ có điều nay thế này, mai thế khác. Chút an ủi là dù được gợi ý làm đơn xin xỏ nhưng ông nhạc sĩ “đảng đã cho ta một mùa xuân” dứt khoát nói không. Tới lúc ấy thì hiểu nhau quá rồi, cóc cần, giải mới chả giếc.
Chuyện giải thưởng ở nước này nếu viết ra chắc phải vài trăm trang, thôi, để vào chuyện cụ thể hơn. Theo thông báo của Bộ Văn thể du, đợt này trong lĩnh vực văn học có 9 tác giả được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, gồm: Hoàng Trung Thông nhà thơ, Bùi Hiển nhà văn, Mai Quốc Liên phê bình; Thanh Thảo nhà thơ, Kim Lân nhà văn, Phong Lê phê bình, Trần Nhuận Minh nhà thơ, Ca Văn Thỉnh nhà văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm nhà thơ; 50 tác giả được đề nghị xét tặng giải thưởng nhà nước, trong đó có Phan Trọng Thưởng, Hoàng Trần Cương, Phạm Đình Ân, Trần Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Duy Thông, Trần Quang Huy, Nguyễn Phan Hách, Huy Trụ…
Là người sống trong thời đại mà các ông ấy đã sáng tác phục vụ chế độ cách mạng, biết tên tuổi, đóng góp của các ông ấy như thế nào, chúng tôi chả lạ gì. Bây giờ bề trên mới ngồi lại với nhau vớt vát cho Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông, Kim Lân, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo là quá muộn. Xét theo quan điểm chính thống, mấy vị ấy còn hơn nhiều ông bà đã được nhận giải Hồ Chí Minh (cũng như hồi xét Phạm Tuyên vậy). Giờ cho thì cho, không cho thì thôi, còn xét xiếc, lấy ý kiến gì nữa. Những vị còn lại trong danh sách, không đáng được bởi nhàn nhạt, thường thường, cho vào chỉ loãng giải.
Nhà văn lừng lẫy Nguyễn Huy Thiệp đã mất rồi, vừa đi xong, giờ giải với ông chả có ý nghĩa gì nữa, chỉ còn giá trị tiền thưởng cho con cháu ông. Con người và văn chương ông Thiệp không cần thứ giải văn bằng, bởi cái giải lớn nhất mà ông đã đạt được là khi người ta hỏi nhau, ông bà có biết Nguyễn Huy Thiệp là ai không, sẽ ngay lập tức nhận được câu trả lời không biết ông Thiệp thì còn biết ai ở xứ này. Nhà nước không chấm Nguyễn Huy Thiệp vào giải Hồ Chí Minh, chỉ nhà nước thiệt chứ ông ấy không mất mát gì.
Nguyễn Thông
Trao các giải thưởng là để khuyến khích những người đóng góp công sức cho đất nước là đúng rồi
Trả lờiXóa