Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Thành ngữ mới “Mặt nghệt như mất sổ gạo” (kỳ 4)

Có người thắc mắc “sao lại nghệt?”, “nghệt nghĩa là gì?”… Vâng, từ ấy đã lâu lắm chẳng mấy ai dùng, thậm chí nó bị đì đến nỗi ngay trong một số từ điển tiếng Việt bản in giấy hoặc bản điện tử cũng không có mục từ. Nhà tôi có mấy cuốn từ điển tiếng Việt, tra cuốn rất uy tín của Viện Ngôn ngữ học, do GS Hoàng Phê (một đại thụ về ngôn ngữ) chủ biên, cũng không có. Cuốn “Việt Nam tân tự điển” của Thanh Nghị do nhà sách Khai Trí tái bản năm 1967 cũng không có “nghệt”. Trong Từ điển Hán Việt, phần tra nôm thì có nghệt, trong “Tratu” của từ điển điện tử, phần từ thuần Việt cũng có nghệt. Nói tóm lại, đó là thiếu sót của Viện Ngôn ngữ, nơi tụ hội tinh dững cây đa cây đề, giáo sư tiến sĩ chuyên về tiếng mẹ đẻ. Tôi dám nói “thiếu sót” bởi từ khi còn bé tí, chưa đi học, chưa biết chữ, tôi đã nghe những người xung quanh dùng từ “nghệt” này.
 
Lại nhớ, năm ấy khoảng 1964 chi đó, máy bay Mỹ chưa ném bom ra miền Bắc, có đoàn chèo về làng tôi tuyển diễn viên. Làng Trà quê tôi không phải đất chèo, nhưng có tiềm năng thế mạnh là nhiều con gái đẹp. “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa”, các cụ đã lưu truyền khẳng định vậy rồi. Mà công nhận các cụ nói chả sai tẹo nào. Cả làng tới 99% gia đình nông dân, phần lớn nghèo, làm ruộng vất vả, ăn uống kham khổ, đời sống thiếu thốn, nhưng đàn bà con gái rất đẹp. Các chú bộ đội rất thích được về đóng quân ở làng Trà, từ hồi bộ đội công binh đào hầm xuyên núi Trà theo gợi ý của chuyên gia Trung Quốc (giờ phải lấp bởi không dùng vào việc gì), rồi các tiểu đoàn 81, 82 tên lửa, rồi lữ đoàn đặc công nước 126, các chú mỗi lần về quơ mất bao nhiêu là gái làng, toàn cô xinh.
Lại quay về chuyện đoàn chèo, họ tổ chức tuyển chọn ở đình làng (năm ấy chưa bị phá lấy gỗ, ngói, đá làm chuồng lợn, trại chăn nuôi của hợp tác xã để tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa). Ngôi đình mấy trăm năm, hơn chục cột gỗ lim cả vòng tay ôm cao vút, nền rộng chứa vài trăm người, mà ngồi chật kín. May bữa đó chủ nhật không phải đi học, tôi và đám trẻ con ra chầu hầu từ sớm. Người của đoàn chèo hướng dẫn cách dự tuyển. Các chị gái làng xinh đẹp náo nức thử bước đi dáng đứng, thử giọng. Ai cũng đẹp. Trẻ con như tôi ngồi há hốc mồm coi không chớp mắt. Cuối cùng, đoàn chèo chọn được hai chị vừa hát hay vừa xinh là chị Vớ con ông Tí mù, chị Thượt con bà Tha. Chị Ga con bà Tươm, chị Hểu con ông Hán suýt trúng. Chị Thượt cực xinh, da trắng, tóc dài bén gót, nghe nói lúc đầu tên Thướt (mẹ là Tha) nhưng có nhẽ tên ấy không hay, đổi thành Thượt. Chị Vớ không đẹp bằng nhưng hát cực hay, như diễn viên chuyên nghiệp. Về sau các chị có thành diễn viên không thì tôi không rõ. Coi mải mê tới chiều mới về, bỏ cả quét sân, vớt rau lợn, rút rơm. Bà chị cả tôi cũng đi xem, thấy tôi về muộn cốc lên đầu một cái rõ đau, bảo mày làm sao mà suốt buổi tao thấy ngồi há hốc mồm, mặt nghệt ra như thế.

Nghệt nghĩa là trông như mất hồn, đờ đẫn, đờ ra, ngây ra, giống như bị ma bắt, không còn hồn vía gì nữa. Mặt nghệt trông vừa buồn cười, vừa đáng thương. Những tác động mạnh bên ngoài là nguyên nhân gây nên tình trạng nghệt, như tôi say nghe hát chèo, như ai đó bị mất sổ gạo chẳng hạn.
Không có thời nào mà dân chúng bị trói buộc bởi nhiều loại sổ, tem phiếu như thời xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, sau này tràn vào miền Nam sau khi cuộc nội chiến tương tàn Bắc - Nam chấm dứt năm 1975. Sổ hộ khẩu, sổ xã viên, sổ lương thực (sổ gạo), bìa mua thực phẩm (thịt, cá, đậu phụ, mắm…), tem vải, tem gạo, phiếu mua pin đèn, phiếu mua phụ tùng xe đạp, sổ mua chất đốt (than, củi)… Cuộc đời con người, từng số phận, đều gắn với sổ sách, tem phiếu. Chúng như thứ chứng thư về quyền sống, không có chúng thì sống cũng như chết. Mất sổ hộ khẩu thì có thể tạm lờ đi được nhưng mất sổ gạo chả khác bị treo mồm, cả nhà chết đói. Mua gạo theo giá nhà nước thì còn ráng được, chứ mua gạo chợ tiền nào kham nổi, trong khi mỗi ngày cố sức lắm chỉ kiếm được hơn đồng bạc. Nhiều nhà bị mất sổ gạo khóc như nhà có tang. Đã mất sổ, hầu như phải chờ tới định kỳ cấp mới chứ không được cấp lại. Hình như chính quyền sợ nhân dân gian dối, nhỡ không phải mất mà lại cấp mới, thế là “nó” được cấp bán 2 lần, nó tuồn ra ngoài chợ đen làm loạn thị trường. Lương thực là mặt hàng chiến lược, do nhà nước thống nhất quản lý, một cân gạo cũng không để lọt. 

Hồi tôi học cấp 2, lớp 6, học chung với thằng Bình dân sơ tán. Dân sơ tán mới có sổ gạo. Anh em nó trọ ở nhà ông Thúy xóm bến. Nó láu cá, nghịch ngợm, hay trộm vặt. Chả biết trời quả báo thế nào, nó đi mua gạo trên kho lương thực huyện làm rơi mất sổ. Không dám khai báo với bố mẹ bởi bố nó đang làm công nhân ở ngoài phố biết mà mất sổ thì chết đòn. Hai anh em nó suốt mấy tháng không có gạo, phải đi xin người này người kia từng bơ, ăn khoai lang, khoai tây luộc trừ bữa. Người cứ gầy rộc đi. Về sau, nhờ ông Thúy nói đỡ, hợp tác có bán cho anh em nó hơn thúng thóc, lại mới biết mùi cơm. Mất sổ gạo, khổ không để đâu cho hết. (còn tiếp)

Nguyễn Thông
Kỳ sau (cuối): Nghề hàng xáo. Vựa gạo miền Nam cũng đói… do được “giải phóng”

Ảnh: Xay thóc ở nông thôn (ảnh tư liệu, trên internet)




2 nhận xét:

  1. “Cái mặt ngờ nghệt thế kia bị chúng tranh lấy hết”. Kỷ niệm thời tập tành xếp hàng mua gạo, rau muống “heo”, cá ươn...

    Trả lờiXóa