Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Quả vải và Bộ Công Thương

Sáng 23.5, đi “làm nghĩa vụ công dân” ngày hội non sông xong, tôi ghé siêu thị. Đi chợ quan trọng hơn đi bầu. Bầu ai gạch ai cũng được, chả ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới, nhưng về mà không có rau củ thì chết đòn.

Ghé mắt dòm quầy trái cây thấy những túi vải, đề là vải Bắc Giang. Có nhẽ vải đầu mùa nên trông nhợt nhạt, gầy guộc, kém bắt mắt. Nhưng khiếp nhất là giá. 50 nghìn một ký loại xâu xấu, 55 nghìn với loại vỏ đỏ hơn. Chỉ thứ vải đồi Bắc Giang chứ không phải vải thiều gốc vùng Thanh Hà, bởi nếu thiều thì người ta sẽ ghi hẳn hoi cả chữ “thiều”, chả dại gì bỏ qua thương hiệu đặc sản ấy, cũng như trong Nam món xoài cát mà thêm chữ “Hòa Lộc” vào sẽ thành đẳng cấp ngay.

Những 50 nghìn/ký vải. Quá kinh. Đừng bảo giá thế là rẻ rồi, trái vải xuất sang Nhật còn hơn 300 nghìn, sang Úc gần 200 nghìn, kêu cái gì. Đừng so túi tiền, thu nhập của người Nhật người Úc với người An Nam.

Mấy hôm nay, báo chí, tivi phản ánh các vị cầm quyền tỉnh Bắc Giang, nơi có vùng vải chuyên canh Lục Ngạn, lo lắng về việc tiêu thụ vải. Dịch dã thế này, bị cách ly, bị phong tỏa, thương lái Trung Quốc không sang, v.v.. làm sao mà bán. Rồi tái diễn như cảnh ế su hào bắp cải cà chua khoai tây Hải Dương thì gay go.
 
Vẫn biết làm ăn, sản xuất, kinh doanh có những ràng buộc nhất định, có phần ẩn khuất mà người ngoài nhìn vào không tỏ được. Cũng dễ thông cảm với người trồng vải khi họ mừng rỡ trước thông tin hơn 200 thương lái Trung Quốc được phép tới Bắc Giang mua vải. Lâu nay, Tàu là thị trường quan trọng của nông phẩm xứ ta, chính ngạch hay tiểu ngạch mà có vấn đề thì dân trồng trọt lẫn thu mua chỉ có khóc.

Nhưng thật lạ, hình như người trồng vải lẫn những nhà quản lý xứ này chỉ chăm chú ngó thị trường xuất khẩu mà quên hẳn việc tiêu thụ nội địa. Chả nhẽ thương nhân Tàu mua giá cao hơn so với bán trong nước. Chả nhẽ chỉ người nước ngoài mới đáng được ăn vải, còn người Việt ở miền Trung, miền Nam chỉ được vải ngó (như phở ngó với người nghèo hồi xưa). Sao các ngành các cấp không tổ chức thu mua, vận chuyển một cách bài bản, quy mô, bán cho những vùng trong nước không có quả vải. Cứ tính đủ chi phí, có nhẽ cũng chỉ ngang giá bán cho người Tàu mua bằng tiền Việt. Nếu định thu ngoại tệ bằng quả vải, liệu đáng được bao nhiêu, mà để người trong nước chịu bị cấm vận hoặc phải mua với giá quá cao.

Người trồng vải kêu thì cứ kêu, mấy ông bà lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lo thì cứ lo, nhưng Bộ Công Thương vẫn kệ, chả quan tâm. Với bộ, vải đắt, ai có tiền mua mà ăn. Vải ế, đứa trồng chịu chứ Bộ Công Thương đâu có hề hấn gì. Còn dân miền Trung miền Nam định ăn vải đúng giá hở, khuya nhá, không ai hơi đâu hầu các vị.

Hình như trong đầu óc mấy ông Bộ Công Thương vẫn còn nguyên vĩ tuyến 17, hoặc họ chỉ nghĩ việc đưa hàng từ trong Nam ra Bắc chứ không ngược lại.

Nguyễn Thông
 
Ảnh: Vải Lục Ngạn mùa thu hoạch năm 2020 (ảnh internet)



1 nhận xét:

  1. Bộ Công thương cũng có can thiệp để giải cứu vải ở miền Bắc đó

    Trả lờiXóa