Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Nhặt dọc đường đi (kỳ 2)

Nhà cháu đã nói rồi, đây là những thứ nhặt nhạnh được trên đường hành trình, về tới nhà rảnh thì nhớ lại, biên ra, chứ không phải vừa đi đường vừa kể chuyện như người ta. Cứ mắt thấy, tai nghe, chính lòng mình cảm nghĩ thế nào thì biên ra như thế thôi.

Hôm qua 8.5, ông thủ tướng Phạm Minh Chính về Cần Thơ, nơi được gọi là Tây Đô, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ để vận động cử tri bầu mình làm đại biểu quốc hội. Thôi thì hủ tục nó vốn vậy, không bầu cũng trúng, chứ chả nhẽ lại trật. Cử tri có hỏi chi đó về giao thông, ông thủ phải thừa nhận rằng việc làm đường cao tốc nối từ TP.HCM xuống đồng bằng sông Cửu Long đúng là quá chậm. Tiện đây, tôi xin nói thêm với ông Chính rằng, không phải là quá chậm, mà là quá quá quá… chậm.

Ông mới làm thủ tướng, nhưng suốt bao nhiêu năm qua ông đã ngồi ở những ngôi vị cao ngất ngưởng trong bộ máy cầm quyền, có nhẽ đã không ít lần tới miền Tây Nam Bộ, không thể không biết cái gọi là “hệ thống đường giao thông”, và nhất là đường cao tốc cho vùng đồng bằng này thực trạng như thế nào. Cũng có thể ông chỉ ngự trên tàu bay, vèo một cái đã tới nơi, hai đầu hành trình chỉ là sân bay rộn rịp, đâu có ngó được đường sá dưới mây nó ra sao. Thỉnh thoảng nghe bọn cấp dưới, đám giao thông, đám lãnh đạo địa phương chúng báo cáo, lại càng chả thấy gì bởi báo cáo nào chả văn vẻ, đẹp đẽ, với câu mở bài “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và chính phủ…”.

Nói thật mất lòng, khó nghe, nhưng tôi phải toạc ra điều, chính cái sự chậm, quá chậm về hệ thống giao thông cũ kỹ, lạc hậu của miền Tây Nam Bộ có “công”, có phần đóng góp của ông, của ông tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, của những người như ông, của đám lục lộ. Nếu ông không khó chịu về lời trung ngôn nghịch nhĩ ấy, thì tôi mạo muội hỏi ông rằng, hôm qua ông về Cần Thơ, ông có đi qua BOT trấn lột Cai Lậy không, nếu qua thì ông nghĩ về nó như thế nào, chứ tôi vừa chui qua nó đó. Là một thằng dân, tôi chỉ muốn đập banh nó đi bởi không khác gì một cái dằm gai khó chịu trên cơ thể vùng Nam Bộ, nơi đang góp gạo nuôi cả nước.

Vừa rồi, khá nhiều tờ báo đăng tin trong tháng 5 này nhà nước sẽ thu phí trở lại BOT Cai Lậy. Sau sự phản ứng quyết liệt của nhân dân, nhất là dân các tỉnh Tây Nam Bộ, nhà nước phải tạm ngưng hoạt động trấn lột, tới nay đã “thất thu tiền mãi lộ” gần 4 năm (từ tháng 8.2017). Suốt nhiệm kỳ, ông nguyên thủ tướng Phúc khôn khéo dùng chước án binh bất động, vừa lấy lòng dân, vừa đỡ phải giải bài toán “kê cân” (gân gà). Nay ông Chính tiếp thu những khoản nợ của người tiền nhiệm, nhẽ ra phải riết róng, quyết liệt, cụ thể, hợp lý hơn, thì lại để đám lau nhau dưới trướng tùy tiện lăng loàn. Chúng cho biết sẽ tiến hành thu cả hai trạm, trên đường tránh và quốc lộ 1. Chúng lý giải phải thu trên quốc lộ 1 với BOT Cai Lậy bởi cần bù đắp chi phí 379 tỉ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra để dặm vá, tu sửa đường. Không thấy chính phủ phản ứng, có ý kiến gì về điều này.

Nhưng dân chúng đặt câu hỏi, vậy dân đóng thuế, nộp đủ các thứ phí, có rất nhiều phí liên quan tới giao thông, vào ngân sách nhà nước để các ông làm gì? Luật Giao thông đường bộ mà quốc hội từng thông qua đã nói rất rõ những chi phí như thế thì ngân sách nhà nước phải chịu, nay sao lại bắt dân nộp. Phí chồng phí, sức dân nào chịu nổi. Nhà đầu tư bỏ tiền làm đường tránh, họ cứ việc xây trạm BOT trên đường tránh và thu phí, chả ai cản, phản đối. Còn nếu họ ứng tiền dặm vá tu sửa quốc lộ 1 thì nhà nước phải có trách nhiệm trích tiền ngân sách mà dân đã còng lưng nộp thuế phí để có ngân sách ấy ra trả. Thói đâu có thói cứ sểnh ra là tìm cách móc túi dân. Cái trạm thu phí BOT Cai Lậy trấn lột đó, chỉ có cách duy nhất đập bỏ, ngoài ra không còn cách nào khác. Ông Chính liệu có biết điều này? Tôi nói thật, ông mà ra lệnh đập bỏ BOT trấn lột Cai Lậy, thì không cần gặp gỡ hứa hẹn cử tri gì sất, bầu trúng cái chắc. Món nợ đọng rất xấu và gai góc BOT Cai Lậy không thể kéo dài. Dân Nam Bộ rất sòng phẳng, họ biết ai người thế nào qua việc làm, chứ không tin vào mấy lời hứa hẹn vui vẻ, đầu môi chót lưỡi. (còn tiếp) 

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Dân đóng thuế để phục vụ nhiều việc chứ đâu phải một việc

    Trả lờiXóa