Không bàn tới chuyện họ tạo ra những idol đỉnh, siêu hạng, thật giả thực hư lẫn lộn chẳng biết đường nào lần, chỉ nhắc lại thứ idol tầm tầm mà bộ máy tuyên giáo, tuyên truyền, văn chương nghệ thuật cách mạng đã xây dựng. Có những hình tượng được họ tung hô ca ngợi đến giời, nhưng bình tĩnh nghĩ lại sẽ thấy cực kỳ khủng khiếp, vô nhân, mất hẳn tính người. Đó là hậu quả của việc chỉ chăm chăm xúi con người ta vào lý tưởng, chính trị, học thuyết mà quên hẳn đạo đức con người.
Lần giở xa một chút. Nước ta từng chịu cả nghìn năm bắc thuộc. Lối sống và cách nghĩ Tàu đã ảnh hưởng cực kỳ đậm lên con người Việt, cả phần tốt cũng như xấu. Dù đã có sự tiếp thu chọn lọc nhưng cái xấu rất nhiều, ám vào xã hội, truyền đời này đời khác. Những kiểu người “hy sinh” cả bản thân, cả người ruột thịt để phụng sự vua chúa không hiếm, được nhà cai trị đề cao, coi là tấm gương học tập và làm theo. Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình cho công tử Trùng Nhĩ (sau làm vua là Tấn Văn công) ăn đỡ đói, Ngô Khởi giết vợ nhằm tỏ lòng trung với vua Lỗ, Dịch Nha thịt cả con đẻ nấu dâng vua Tề xơi cho lạ miệng…, tinh những kiểu idol quái đản. Đám vua chúa lợi dụng thứ “người tốt việc tốt” ấy cốt tạo ra đội ngũ xả thân cho mình chứ thực ra cũng chẳng ưa gì. Chính Tấn Văn công khi lên ngôi đã cố ý “quên” Giới Tử Thôi, nói với kẻ thân tín rằng một người đã không tiếc cái thân thể mình thì nhà vua đối với nó cũng chẳng là gì. Quản Trọng từng khuyên Tề Hoàn công “tính con người ta, không gì yêu bằng yêu con, con mà còn nỡ giết thì nghĩ gì đến vua đến ai; người thân không ai bằng cha mẹ, đã bất hiếu với cha mẹ thì còn thương được người nào”…
Thôi thì cứ cho là bọn phong kiến xấu xa tệ hại, chứ đâu nghĩ cộng sản sau khi đánh đổ phong kiến lại dẵm ngay vào vũng thối tha ấy, thậm chí “nâng lên tầm cao mới”. Thời chúng tôi đi học, thế hệ tuổi học trò những thập niên 60 - 70, đứa nào chẳng biết những tấm gương rất… kinh. Trong thực tế có hay không, chả mấy ai rõ, nhưng đầy rẫy trong văn chương nghệ thuật. Hình tượng được ca ngợi, đề cao như sự hy sinh quên mình, mới lướt qua dễ gây xúc động, nhưng ngẫm kỹ thật đáng sợ. Bất nhân vô cùng. Ác vô cùng. Chả còn chút tính người, tình người.
Thử điểm lại một số idol ác trong văn nghệ. Ai đã đọc cuốn sách viết về trung đoàn thủ đô rút khỏi Hà Nội năm 1946, “đêm, cái đêm rút qua gầm cầu”, “ra đi ngút trời khói lửa, cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” chắc khó quên cái chi tiết này. Tác giả kể về một người mẹ bế con cùng rút với bộ đội, khi tới bãi Phúc Xá chuẩn bị vượt sông Hồng thì gặp địch đi tuần. Có nguy cơ lộ, đứa bé bỗng dưng khóc, người mẹ liền bịt chặt mũi miệng nó, hy sinh con để giữ bí mật. Đội quân rút ra ngoài an toàn, còn đứa bé chết. Người ta coi bà mẹ ấy là tấm gương. Chị tôi đọc xong khóc rưng rức. Ông anh tôi học cấp 3, thở dài, bảo thật ghê sợ.
Một cuốn khác, “Phá vây” của Phù Thăng. Những người lính từ vùng tạm chiếm, anh dũng phá vây ra vùng tự do. Có hai anh em nhà kia là Nghĩa và Hiếu, yêu thương nhau lắm. Nhưng Hiếu yếu đuối, lại đang yêu, người yêu vẫn ở lại, bèn vượt sông quay về. Nghĩa thương em rồi giận em, sợ em phản bội, sợ đồng chí chê cười, liền lấy súng rê rê ngắm bắn em. Dù tác giả để cho một người khác là Kiên giành súng, bắn Hiếu chết chìm chới với giữa dòng, nhưng cứ nghĩ tới Nghĩa lại kinh, dù rằng chiến tranh bản chất là tàn bạo.
Cuốn nữa, “Hòn đất” của Anh Đức. Bà Cà Xợi thương yêu thằng con trai hơn mọi bà mẹ trên đời, nhưng thấy con gây tội ác với dân, liền lừa lúc con ngủ, nhặt con dao dừa chặt đầu con (thằng Xăm). Nhà văn cách mạng Anh Đức đã xây dựng hình tượng bà mẹ anh hùng như thế. Sau nghe nói có một ông trùm đọc được, bắt đổi thành dân quân do bà báo tin, tới chặt đầu con bà.
Những hình tượng cách mạng điển hình ác do tuyên huấn tuyên giáo tạo dựng thời chiến tranh không phải hiếm. Không còn chi máu mủ ruột rà, chả chút tình thân, mất hết tình người, sự lương thiện bị triệt tiêu, chỉ còn cách mạng, cách mạng, cách mạng. Một thể chế, một xã hội đề cao con người ác, khen ngợi hành vi nhẫn tâm của kẻ ruột thịt đối với người ruột thịt, nghĩ cho cùng đã tạo mảnh đất gieo mầm cái ác. Điều đó thấy rõ ngay, trong cải cách ruộng đất, kẻ nắm quyền đã tôn vinh những đứa con đấu tố cha mẹ, cháu chắt đấu hại ông bà, gây ra bao nhiêu tấn bi kịch gia đình thê thảm. Không có xã hội nào u ám, đen tối, độc ác như vậy, kể cả thực dân phong kiến. Giá trị đạo đức bị đảo lộn tới mức không thể tin là nó đã tồn tại, đã xảy ra.
Cho nên, cũng không lấy làm lạ khi có những người, nhiều người, thậm chí có học, đã tung hô nồng nhiệt đứa con - “bác sĩ Khoa” lạnh lùng ra tay hạ thủ mẹ đẻ, rút ống thở cho mẹ chết, dù rằng lý do để cứu người khác. Ngay cả phương Tây văn minh, không thiếu gì trường hợp muốn được chết nhân đạo, chết êm ái, nhưng quốc hội cũng chả dám duyệt thành luật, không cho phép, không ban hành luật. Vậy nhưng, ở xứ ta, “giết mẹ” lại được đề cao, được “cúi đầu mang nợ”. Thật may, nếu không có cộng đồng mạng phản ứng dữ dội, không biết vụ việc sẽ bị đẩy đi đến đâu, idol ác được ca ngợi đến đâu. Thế mà người ta (nhà chức việc và không ít người thường xuyên lên giọng rao giảng đạo đức) lại quay ngoắt đổ cho mạng xã hội, cho nạn tin giả. Thứ mà họ quên, cố tình quên, chính là cái gốc gây ra những cuộc hí trường dở khóc dở cười.
Nhưng gì thì gì, vụ "rút ống thở" đã thêm nhát xẻng đào cái huyệt chôn những thứ idol quái đản thời nay. Và chôn cả niềm tin khờ khạo mù quáng nữa. Chúng bị sụp đổ vô phương cứu chữa.
Nguyễn Thông
vụ "rút ống thở" đã thêm nhát xẻng đào cái huyệt chôn những thứ idol quái đản thời nay. Và chôn cả niềm tin khờ khạo mù quáng nữa. Chúng bị sụp đổ vô phương cứu chữa.
Trả lờiXóaVấn đề đạo đức luôn được quan tâm; chúng ta nhìn nhận mọi vấn đề phải toàn diện; nếu không sẽ lệch chuẩn
Trả lờiXóa