Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Một đêm họp online đưa ma Tưởng

Sáng nay, 5.8.2021 tây, tức 27 tháng 6 ta Tân Sửu, tức thêm tí nữa, năm thứ 2 dịch Vũ Hán, mới sáng bảnh mắt, đã nhận được cái tin không muốn nhận tí nào, từ bà đồ Trần Kim Anh, rằng Tưởng, Nguyễn Hữu Tưởng, vừa đi rồi. Sang thế giới bên kia. Lúc hơn 7 giờ, tính theo cách xưa nhằm giờ Thìn. Con rồng không chịu náu mãi chốn ao tù chật chội, đã bay đi.

K17 văn khoa có hai Tưởng. Một Ý Yên, Nam Định, một Gia Lâm, Hà Nội. Tưởng Ý Yên có thời bặt tăm, lặn hơi lâu, thậm chí loang tin đồn đã về giời làm cả bọn tiếc thương vô hạn. Tới khi bạn cụ í là nhà thơ Vũ Duy Chu la toáng lên chết đâu mà chết, còn đang hưu khỏe và làm thơ kia kìa, cả bọn mới thở phào. Năm 2016 đám nam thanh nữ tú U70 còn kéo nhau về tận nhà, được vợ chồng ổng đãi một chầu no xôi chán chè, thằng cháu ông Vũ Duy Chu xách sang can rượu quê 10 lít, lúc chiều muộn chia tay nhau rồi còn nhủng nhẳng hẹn về nữa. Hôm nọ vẫn í ới, hết dịch về Ý Yên chơi nhá.

Tưởng Gia Lâm vốn người tổng Trâu Quỳ huyện này. Chả hiểu sao ngày xưa người ta lại đặt tên là Trâu Quỳ. Nhà cháu vẫn có ý, định hôm nào gặp lão ta, vật ngửa ra, đổ rượu vào mồm như một dạng đút lót hối lộ, chỉ hỏi mỗn câu về ý nghĩa tên ấy. Nay thì không kịp rồi. Chỉ biết lúc nhớn lên nghe nói cứ ai đầu óc có vấn đề thì cho đi Trâu Quỳ. Chả là miền Bắc thời ấy có duy nhất bệnh viện tâm thần đặt ngay làng ông Tưởng. Có bệnh, nếu vào Việt Xô, 103, 108, Việt Đức… thì quá vinh hạnh, nhưng vào Trâu Quỳ hoặc Quỳnh Lập (chữa cùi, ở Nghệ An) phải giấu cho bằng được.

K17 văn năm 1972 nhập trường được chia thành 3 khối ngành văn, ngữ, hán nôm. Không có chuyện nhà chức việc như thầy Nhị, thầy Tu phân biệt đối xử chọn người giỏi, người nhỡ, người yếu cho khối này khối kia. Cá mè một lứa, sàn sàn nhau cả. Ngành Hán Nôm có 13 đứa bị túm vào, nhiều đứa la oai oái như cha chết, như bị bắt đi lính khố xanh khố đỏ. Nhưng “tạo hóa gây chi cuộc hí trường”, chả biết đâu mà lần. Trong khi phần lớn đám cử nhân văn, sau đó là ngữ, bị ném vào đời cứ ngáp ngáp nhạt dần không mấy để lại dấu tích, thì tiểu đội khố đỏ khố xanh Hán Nôm hầu hết lẫy lừng, vua biết mặt chúa biết tên. Chúng đã thành danh một cách oai hùng, chắc nịch, nhiều bạn bè đồng khóa, hậu khóa, nhiều đồng sự cùng cơ quan phải lắc đầu lè lưỡi kính nể. Có thể nói rằng, chưa có khóa ngành nào công thành danh toại như Hán Nôm K17. Đúng là khóa 1, khóa 1 đúng nghĩa. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều giỏi giang, thượng hạng.

Trong đám con giai Hán Nôm 1 ấy, nhiều tay rất cá tính, mạnh mẽ, ngang tàng, coi giời bằng vung. Những Đường, Viết, Sạch, Tưởng, Dũng, Quả luôn khiến đám văn-ngữ phải lác mắt bởi chúng như những anh hùng lương sơn bạc. Hình như việc được trang bị kiến thức hán nôm, thông kim bác cổ, làu làu chữ nho, nắm sâu lời lẽ thánh hiền đã góp phần tạo cho “chúng” cái tư thế ấy. Nhiều đứa, trong đó có tôi, sau này nắc nỏm tiếc, giá như buổi đầu Sát Thượng lưu luyến đó, mình “sáng suốt lựa chọn” nhào vào tiểu đội hán nôm thì đâu đến nỗi nhí nhố thế này. Nói vậy thôi, trời chọn cả.

Trong số anh hùng lương sơn bạc, nổi nhất là Dũng (Cao Tự Thanh) và Tưởng (Nguyễn Hữu Tưởng). Không to cao như Quả, Đường, không đẹp giai như Việt, Sạch, không thư sinh như Chính, không…, mà chỉ bé tí, quắt queo nhưng Dũng và Tưởng giống như hai cục nam châm, hút mạnh lắm. Thôi, Dũng để khi khác kể. Nhà cháu đã nhiều lần lẽo đẽo theo cụ Tưởng vượt tường rào sang sân bóng bên ngoại ngữ, coi y và Bá Tân, anh Trần Nam Việt, anh Hà Nam Tiến (K16), Trị đen (khoa Sử)… chơi bóng hay không khác gì Ba Đẻn. Y từng kể hồi còn học trường cấp 3 Gia Lâm, đá trên sân Trâu Quỳ, y chạy cả ngày không biết mệt. Sau này, Dũng còn kể, khi đã làm việc ở viện nơi nội thành rồi, không có chỗ ở, hằng ngày y (Tưởng) vẫn đạp xe hơn hai chục cây số tới cơ quan, đi về cả nửa trăm cây. Cứ thế ròng rã gần chục năm giời, vắt kiệt sức lực của ông đồ thân thể nhỏ thó. Thương vô cùng.

Sự thông minh của đồ Tưởng, cũng như của các đồ Hán Nôm 1, không cần phải bàn cãi, nhưng để “bè lũ” 13 tên nói ra sẽ chính xác hơn. Nhà cháu chỉ biên rằng Tưởng cá tính vậy nhưng hiền. Mấy lần đàn đúm hội hè, y chỉ ngồi cười hiền lành, ngó những đứa như… tôi mồm loa mép dải, phét lác. Lần đi Hòa Bình chơi hội khóa, lúc sắp về, y rủ tôi ra ngõ, bảo mày đi mí tao, tao phải mua cho con mẹ đĩ mấy gói măng Kim Bôi, không có tí gì về, nó tẩn bỏ mẹ.
 
Giờ thì thêm một tên trong tiểu đội 13 chiến binh đã lên đường. Cõi tạm này, Tưởng không chán, nhưng y xung phong đi tiền trạm chuẩn bị chỗ cho bạn bè. Chả biết nơi ấy có đá bóng không.
 
Lại nhớ hồi xưa có được đọc bài cụ Nguyễn Tuân viết về buổi hẹn hò cùng nhau qua sông Cái tiễn đưa Vũ Trọng Phụng, “Một đêm họp đưa ma Phụng”. Đám K17, biết bạn mình đi nhưng lúc dịch dã thế này, chỉ thể họp online đêm nay để tiễn đưa Tưởng sáng mai lên đường. Quê Tưởng cũng bên kia sông Cái. Nhà cháu xin mượn mấy chữ của cụ Nguyễn Tuân để ghi cái hoàn cảnh oái oăm như vậy.

Thôi, chia tay bạn. Gửi theo bạn vài chữ:
 
Gặp nhau trong cơn loạn lạc, khi Sát Thượng, lúc Mễ Trì, lặn ngụp chán chê, lại quay về quê cũ
Chia tay giữa ngày dịch dã, thuở hàn vi, ngày vinh hiển, chen nhau kể lể, rồi tìm tới năm xưa.

Nguyễn Thông
 
Ảnh: Hai chiến tướng từng lừng lẫy trên sân hàng chiếu ngoại ngữ ngày nào, Tưởng (trái), Bá Tân.



1 nhận xét: