Ngày 16.11 tây vừa rồi, nhiều tờ báo, và nhất là các trang mạng xã hội, đưa tin một bác sĩ đã chết do vi rút Vũ Hán, quen gọi với cái tên dịch Covid-19. Người ấy là bác sĩ Lương Lễ Hoàng.
Khi còn bé, tôi có niềm tin ngây thơ đinh ninh rằng đã là bác sĩ thì không bao giờ bị bệnh, và rất khó chết. Cũng muốn sau này mình nhớn lên thành bác sĩ để khỏe, sống lâu hơn mọi người, nhưng học hơi bị dốt, nhất là các môn toán lý hóa sinh, nên cuối cùng chỉ được làm con bệnh cho các bác sĩ chữa.
Suốt bao nhiêu năm với lứa chúng tôi, hình ảnh bác sĩ luôn đẹp đẽ, cao cả, thiêng liêng, bởi họ vừa tài giỏi, vừa có đức hơn các tầng lớp khác. Những Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Trinh Cơ, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Chung, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Đỗ Xuân Hợp, Phạm Biểu Tâm… được coi như những đấng bậc, những idol của xã hội. Nói gì thì nói, người Pháp đã đào tạo cho xứ ta đội ngũ thầy thuốc bác sĩ toàn vẹn tới mức sau này chế độ mới không làm được vậy.
Tôi gặp thầy thuốc Lương Lễ Hoàng (tốt nghiệp đại học y Sài Gòn trước 1975) chỉ mấy lần nhưng ấn tượng về vị bác sĩ này khá đặc biệt. Đó là một người tài giỏi, hiểu rộng biết nhiều, sâu chuyên môn, khéo ăn nói, rất dí dỏm hài hước, đẹp trai, biết nhiều ngoại ngữ… Như cục nam châm, sức hút rất mạnh. Nhớ có lần nghe bác sĩ Hoàng trò chuyện về sức khỏe, thuốc men, cuốn hút và duyên dáng quá, tôi bảo nhỏ anh Chánh Khải nhà báo, đàn bà mà không thích lão này thì cần tự xét lại, xem mình có phải thực đàn bà không, ông ạ.
Nhắc chuyện ấy, là cái lần Saigontourist tổ chức cho đám ký giả kéo nhau dự khai trương công trình mới ở khu du lịch Bình Châu-Hồ Cốc, nơi có suối khoáng nóng nổi tiếng. Ông Đào Hữu Loãn, một nhà quản lý du lịch sừng sỏ, từng nhiều năm ngồi ghế giám đốc khách sạn 5 sao Bến Thành ngay trước trụ sở ủy ban thành phố, khi ấy làm sếp Bình Châu-Hồ Cốc. Ông Loãn tài ba đã cùng cộng sự, nhất là ông Hoàng ông Thọ (hai vị này lần lượt thành trùm Saigontourist) biến một vùng hoang sơ rừng-biển thành khu nghỉ dưỡng bậc nhất miền Nam. Ai chưa đi Bình Châu-Hồ Cốc, nhà cháu thành thật khuyên đến ít nhất một lần cho biết. Tôi có lần đùa khen ông Loãn ông Hoàng: "Loãn biến Bình Châu thành tiên cảnh/Hoàng khơi Hồ Cốc hóa thiên đường", hai ông nghe vậy khoái lắm. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng ngồi bên cạnh gợi ý ông Loãn, ông có thể khắc câu này vào hai trụ cổng chính được đấy. Ông Loãn gật gù phải phải.
Những người đặc biệt như bác sĩ Hoàng và ông Loãn dường như có mối liên tài, hiểu nhau trọng nhau. Các buổi nói chuyện về sức khỏe, suối khoáng, dưỡng sinh, y học với tuổi già, cách luyện tập hằng ngày, v.v.. của bác sĩ Lương Lễ Hoàng luôn thu hút đông đảo khách du lịch tới Bình Châu-Hồ Cốc. Có lần cô Trịnh Thanh Tâm phụ trách văn phòng của khu du lịch tại Sài Gòn bảo rằng nếu thiếu những buổi trò chuyện y học của thầy Hoàng thì Bình Châu-Hồ Cốc sẽ bị khuyết một phần đáng kể. Tôi thấy đúng vậy. Sức hút của tiên cảnh lại được sức lôi cuốn của bác sĩ Hoàng bổ sung thì chỉ có bùng nổ hơn đại bác.
Phải thừa nhận những bác sĩ đã giỏi mà lại có duyên, tài nói năng như bác sĩ Lương Lễ Hoàng rất hiếm. Thời từ giữa thập niên 70 trở về sau, tới cuối thập niên 90, trên các chương trình tivi ở Sài Gòn, ta quen với hình ảnh các thầy thuốc Bùi Xuân Vĩnh, Đỗ Hồng Ngọc, Trương Thìn, Trần Bồng Sơn tư vấn, giải đáp, chỉ dẫn về bệnh tật, thuốc men, rất thuyết phục, dễ hiểu. Sao mà các vị ấy giỏi thế, nhất là bác sĩ Bùi Xuân Vĩnh. Khuôn mặt, cái miệng rộng, lối nói duyên của ông Vĩnh, sau mấy chục năm, tôi nhớ đậm tới tận bây giờ. Kế tiếp các tiền bối ấy, là Lương Lễ Hoàng. Các MC thời nay, chỉ riêng việc nói năng, dẫn chuyện, thua xa các thầy thuốc mà tôi vừa kể.
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen. Ông trời xấu tính, đã mượn bàn tay covid bắt bác sĩ Hoàng đi sớm. Cuộc sống mất thêm một người tài đức, khuyết một sự giỏi giang, vắng một nhân tâm thực. Trong khi ấy, loại vô tích sự (như tôi chẳng hạn), thậm chí hư hỏng, cứ sống nhăn, bạc đầu. Đó chính là sự xộc xệch, chưa hoàn hảo của cái mà chúng ta gọi là thế gian, tạo hóa.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét