Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Chủ tịch Quận

Chữ Quận viết hoa để ngay từ đầu nói rằng không phải đơn vị hành chính, kiểu như phường xã, quận huyện, mà là tên riêng một người. Anh chủ tịch xã quê tôi đất Phòng, Vũ Duy Quận, bà con thân mến lẫn suồng sã gọi bằng cái tên gắn cả chức danh, chủ tịch Quận.

Mỗi lần có việc đáo cố hương, tôi đều gặp Quận, khi ngoài đường, lúc ủy ban, có bận ngay tại nhà bởi nhà chủ tịch cũng là cửa hàng tạp hóa, tôi đi bộ lên mua chai mắm, chục trứng, hộp bánh, cục xà phòng, bún, bánh cuốn, giò chả, tóm lại không thiếu thứ gì. Đứa cháu tôi cười bảo còn nhiều hàng hơn cả bách hóa tổng hợp ven sông Đa Độ trên phố huyện dạo xưa. Quận không còn trẻ, nhưng chưa phải già. Nhiều dân làng khoe với tôi, cảm nhận đầu tiên về người đứng đầu bộ máy hành chính xã ở đức tính giản dị, dễ gần, năng nổ xốc vác, và ưa nhất là hiểu dân gần dân. Đã lâu nay, trong cái hệ thống chính trị cầm quyền xứ này, cứ nói tới cán bộ, người ta ít có cảm tình bởi sự xa cách khó lấp đầy. Đang làm dân không chức vụ quyền hành thì dễ thương, hễ thành cán bộ y như rằng sinh chuyện sinh hư, quan cách khó chịu. Nhưng chủ tịch Quận là trường hợp hiếm hoi tôi biết không rơi vào cái quy trình hư hỏng ấy.

Xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) quê tôi đất thuần nông. Xã cũng tương đối nhỏ, như rất nhiều xã khác ở những huyện vùng duyên hải này. Chả bù có lần tôi theo mấy ông bạn đồng môn mò vào xứ Thanh, lần hồi leo lên tận mấy huyện miền núi như Quan Hóa, Quan Sơn, Ngọc Lặc, Bá Thước, Vĩnh Lộc, giời ạ chỉ đi hết đường một xã trong huyện đã tiếc tiền xăng hùi hụi. Chả bù xã Thụy Hương tôi, 3 thôn (làng) bé tí, đứng đầu thôn này nhìn rõ nhà cuối làng kia. Cũng chẳng nghề ngỗng như mấy làng nghề bên cạnh, đặc sản thì không, chỉ lấy con trâu đi trước cái cày theo sau để mưu sinh cha truyền con nối đời này qua đời khác. Túm lại là nghèo, bờ tre gốc rạ. Ngay cả chiều chiều chuông chùa Trà ngân nga, tối tối sáo diều anh em anh Minh anh Dinh vi vút thổi đêm trăng, nhưng vẫn không giấu nổi sự nghèo. Ấy là tôi đang nói xã khi tôi còn ở nhà, đã đúng nửa thế kỷ rồi. Bao lần về quê sau đó, cảm giác vẫn như thế, không thay đổi bao nhiêu, nói như nhà thơ Trần Ngọc Thụ quá cố, “trên đồng ông lão đi bừa/là con ông lão ngày xưa đi cày”. Thụy Hương qua bao đời chủ tịch, cái nghèo cứ đeo đẳng không dứt ra được. Đành rằng muốn thay da đổi thịt còn phải phụ thuộc vào thời thế, cơ hội, chính sách, chủ trương nhưng cứ ngậm ngùi nghĩ thương xã mình, làng mình, dân quê mình.

Có lần nghe tôi than thở, mấy đứa em đứa cháu động viên, cũng là dạng AQ tự lừa tí chút cho đỡ nẫu ruột. Chúng bảo, hồi xưa phủ Kiến Thụy hoành tráng nguy nga đóng ở xã mình đấy nhé, vết tích thành phủ giờ vẫn còn, dù trong cuộc cướp chính quyền năm Ất Dậu 1945 cách mạng đã phá gần như sạch sẽ. Xa hơn nữa và cũng lừng lẫy hơn, làng Trà Phương xã Thụy Hương là quê chôn nhau cắt rốn của bà hoàng hậu, sau là thái hậu, sau là thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ đức thái tổ nhà Mạc, Mạc Đăng Dung. Người làng tôi, chả ai mà không thuộc câu nằm lòng truyền từ đời này qua đời khác, như chạy tiếp sức giao cho nhau ngọn đuốc tự hào “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa”. Làng Cổ Trai xã Ngũ Đoan gần đó là quê ngài Mạc Đăng Dung, Trà Phương quê vợ ngài, tức quê chúng tôi, quê chủ tịch Quận. Sau nhà ông Lô họ Vũ xóm Bến còn tòa miếu thờ bà. Chùa Trà thờ bức phù điêu đá tạc bà, vừa được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia. Núi Trà Phương sừng sững nơi đầu xã, không khác chi niềm tự hào, chỉ dấu cho những đứa con xa quê khi trở về đỡ lạc. Chỉ có điều, không bới quá khứ ra mà ăn được, làm giàu được. Cả xã, cả chủ tịch Quận đều hiểu vậy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Ảnh: Đường xã Thụy Hương hiện nay



1 nhận xét:

  1. Quê bác Thông bây giờ khang trang rồi Em thấy đẹp đấy

    Trả lờiXóa