Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Nhàn cư vi thiện (kỳ 2)

Trong bài trước, nhân bàn chuyện chữ nghĩa, nhà cháu có đưa ra cái ví dụ “cư vi” của Đài tiếng nói VN. Phải thật thà thế này: dân ta dễ tính. Chuyện rành rành là vậy, có cả văn bản lẫn âm thanh, nhưng vẫn có những bác xuê xoa bảo có nhẽ đài rút tít khác thường để câu khách, v.v.. Nhà cháu chỉ xin ngỏ thêm rằng, nếu đài rút tít kiểu ấy thì đài vừa dốt, vừa tự coi rẻ giá trị của một đài quốc gia.

Mà thôi, không bàn chuyện ấy nữa, còn nhiều việc thiện đáng quan tâm hơn. Không nhàn rỗi bởi còn lo cuộc mưu sinh, nhưng nếu rỗi rãi, nhà cháu chả hơi đâu tỉ mỉ ngồi đếm Trấn Thành đã bao lần khóc lóc, cô diễn viên nọ hoặc anh diễn viên kia đã mấy lần lấy chồng lấy vợ. Sự nhảm và kiểu thông tin nhảm thế, xứ này đã “bội thực” rồi, thêm nữa làm gì.

Cũng chuyện chữ nghĩa, nhưng hệ trọng hơn bởi liên quan đến cả quốc hội, cả bộ máy cai trị. Chắc nhiều người đọc báo nghe đài đã thấy không ít phóng viên trích dẫn điều trong Bộ luật Hình sự về tội của cán bộ sai phạm “khi thi hành công vụ”. Điều 356 Bộ luật Hình sự (năm 2015) ghi rõ “Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Mới nghe, mới coi thì thấy có vẻ bình thường, nhưng với người rành tiếng Việt thì nó rất… mắc cười.

Trong tiếng Việt, từ “trong” và từ “khi”, thời chúng tôi đi học đều được các thầy dạy là trạng từ, loại từ chỉ thời gian, địa điểm, nơi chốn, hoàn cảnh… dùng để kết hợp với những từ khác thành định ngữ. Những cuốn từ điển như “Việt Nam tân tự điển” của nhóm Thanh Nghị, hoặc “Từ điển tiếng Việt” của nhóm Hoàng Phê đều nói rõ “trong” và “khi” dùng để chỉ thời điểm vào lúc nào, khi nào, tuy không cụ thể về giờ giấc nhưng xác định khá rõ. Cũng xin lưu ý, tôi nói 2 từ “trong”, “khi” là trạng từ ở trường hợp gắn với điều luật trên, chứ chúng còn có thể đóng vai trò từ loại khác, như danh từ chẳng hạn.

Ta vẫn hát “Khi anh nhìn em mùa xuân bừng dậy, khi anh nhìn em nắng bỗng tràn đầy”. Nhà thơ Tố Hữu viết “Khi mặt trời xuống núi/Anh em ơi lên đường/Ta băng qua cát bụi/Ta xông ra chiến trường”. Nam Cao viết trong truyện Chí Phèo “Khi người ta đến thì hắn cũng đang giãy đành đạch giữa bao nhiêu là máu tươi”… Đâu có cần phải rườm rà thừa thãi “trong khi anh nhìn em”, “trong khi mặt trời xuống núi”, “trong khi người ta đến”. Những người thạo ngôn ngữ mẹ đẻ chả ai rườm rà vậy, chỉ có người soạn luật và quốc hội thích theo kiểu riêng, bất chấp sự trong sáng của tiếng Việt.

Luật là những quy định pháp lý của quốc gia, vì vậy đòi hỏi phải chặt chẽ, rõ ràng, chính xác về ngôn ngữ. Mọi sự rườm rà đều không phù hợp với luật. Nhẽ ra chỉ cần ghi “Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” là đủ, không cần phải thêm chữ “trong” thành “trong khi”. “Khi” là đã đủ nghĩa rồi, thêm “trong” vào làm gì. Ấy vậy nhưng người soạn luật cứ thích là nhét vào. Mà 500 vị đại biểu quốc hội được coi là tinh hoa về luật cũng cứ gật đầu ừ bừa, không một ai lên tiếng thắc mắc tại sao lại phải “trong khi”. Nếu ai chứng minh được việc dùng “trong khi” tốt hơn, hay hơn, chính xác hơn so với chỉ dùng “khi” trong điều 356 ấy, tôi xin tôn làm thầy.

Mà chẳng phải chỉ chữ thừa vô duyên ấy. Quốc hội từng thông qua Luật Căn cước công dân năm 2014. Tôi xin hỏi các vị “nghị viên”, thế căn cước có cấp cho các loài động vật không, hay chỉ cấp duy nhất cho người (công dân) mà phải lòng thòng thêm từ “công dân” vào? Tại sao không ghi ngắn gọn và chính xác là Luật Căn cước, và dĩ nhiên cái thẻ cấp cho công dân chỉ cần đề Thẻ căn cước. Nếu có loại thẻ căn cước cấp cho con trâu thì mới ghi đầy đủ “Căn cước công dân” để phân biệt thẻ căn cước trâu với thẻ cấp cho người. Quốc hội thông qua luật kiểu gật gù thì đừng nên họp hành gì nữa để đỡ tốn thời gian và tiền bạc của nhân dân. (còn tiếp)

Nguyễn Thông



3 nhận xét:

  1. Nếu để thẻ căn cước thì nó giống Miền Nam thời VNCH. Không đời nào chế độ này nó chấp nhận điều đó dù nó đúng, nó hay

    Trả lờiXóa
  2. Cũng chuyện chữ nghĩa, rõ ràng Nga đang chiến đấu cho mục đích giải phóng U Cà & thống nhất đất nước . Thế mà có người cứ kêu đó là xâm lược

    Xó bếp rõ rành rành lun

    Trả lờiXóa
  3. Chữ Việt bây giờ đặt ra nhiều vấn đề quá nhưng 30.000 TS (nhất là TS ngành nhân văn) không thấy nói năng gì? Bộ GD cũng lặng câm và nói vào khỏng không chắc chẳng có gì thích thú đâu?

    Trả lờiXóa