Tôi hai lần được chứng kiến sự nghiệp phá rừng theo chủ trương của nhà nước. Lần đầu là phong trào đưa dân đồng bằng đi khai hoang tại các tỉnh miền núi những năm đầu thập niên 60 ở miền Bắc, lần 2 là cuộc đưa dân miền Nam, nhất là dân các đô thị, nhất là dân Sài Gòn, nhất là các gia đình “ngụy quân ngụy quyền”, tư sản vừa bị đánh trong những cuộc cải tạo kinh tế đi mở những khu “kinh tế mới”. Những cái tên, khẩu hiệu, phong trào nghe rất hay, rất cách mạng, nhưng chỉ người trong cuộc mới thấm thía. Ở miền Nam, sau này nhiều người, nhiều gia đình cứ nghe nhắc lại cụm từ “kinh tế mới” là rùng mình khiếp đảm.
Đau nhất là những gia đình bị tịch thu hết nhà cửa tài sản trong cuộc đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh năm 1976 và 1978, 1980, hết đường làm ăn, không nơi cư trú, bị cưỡng bức đến sinh sống, sản xuất trên vùng núi Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên, vùng biên viễn. Làm gì có chuyện tự nguyện, hăng hái, hồ hởi, phấn khởi đi kinh tế mới, vui vẻ an cư lạc nghiệp trên vùng kinh tế mới, quê hương mới. Đó chỉ là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền. Sài Gòn những năm trước và sau 1980, chính mắt tôi đã chứng kiến nhan nhản gia đình bỏ vùng kinh tế mới về tạm trú dưới các gầm cầu, hè phố. Không nhà, không hộ khẩu, không có bất cứ quyền lợi gì. Và lựa chọn cuối cùng là vượt biên, dù “đất nước đẹp vô cùng, nhưng buộc phải ra đi”.
Rất lạ ở chỗ, những năm tháng ấy, từ trung ương xuống địa phương, từ ông to nhất tới tay cán bộ quèn, đều chung quan điểm coi rừng là đất hoang. Người Pháp thời trước dù khai thác thuộc địa rất riết róng vẫn ít đụng tới rừng. Chính quyền Việt Nam cộng hòa có những quy định rất nghiêm ngặt về rừng (mặc dù rừng khi ấy là nơi trú ngụ ẩn náu của đối phương, “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”). Một anh cùng thời phổ thông với anh trai tôi, sau học đại học thành kỹ sư lâm nghiệp, có lần cười bảo chỉ sau 1954 và sau 1975 rừng mới bị nhòm ngó, tàn phá không thương tiếc, đừng đổ cho thực dân phong kiến, cho ngụy này ngụy nọ, còn thủ phạm là ai thì chú biết rồi đấy.
Anh kỹ sư còn nói thêm, cuộc di dân Hà Nội vào vùng rừng núi tỉnh Lâm Đồng, lập ra huyện mới Lâm Hà, xét cho cùng là cuộc phá rừng vĩ đại nhất dưới chế độ này. Sự tệ hại của quốc sách phá rừng ấy có nhẽ chỉ đứng sau cuộc tàn sát rừng bởi các dự án thủy điện nhan nhản trên cả nước. Tất nhiên mất cái này thì được thứ khác, nhưng đặt lên bàn cân thấy sự mất mát cực kỳ ghê gớm. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét