Ông em họ tôi, coi xong cái ảnh, không như người ta lắc đầu quầy quậy, mà chép miệng, đèo mẹ, đó chính là kết quả của suốt bao nhiêu năm, mấy chục năm, hơn nửa thế kỷ thực hiện đường lối chủ trương phá rừng đấy. Chúng hô hào, ra quân, kêu gọi, huy động nhân lực và máy móc phá rừng không thương tiếc, khi tỉnh ra biết rừng đã bị mất thì lại đổ cho lâm tặc. Lâm tặc chính là chúng chứ ai. Trong biết bao mục đích, chỉ tiêu kế hoạch mà chúng đặt ra, thì phá rừng được hoàn thành sớm nhất…
Nghe lão em nói vậy, tôi chỉ biết chua chát. Lại nhớ mình cũng từng tham gia vào công cuộc cổ vũ phá rừng, diệt màu xanh đất nước.
Chính tôi chứ chả phải ai, hồi học lớp 7 (hệ 10 năm) năm 1969 dự hội diễn văn nghệ trường cấp 2 đã lên sân khấu véo von “Cây đổ dồn vang như tiếng pháo/Tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ/Áo thấm bao mồ hôi nhưng lòng rộn bao niềm vui”, rất say sưa về công cuộc phá rừng. Bài hát này của nhạc sĩ Phạm Tuyên thời những năm 60 đã gián tiếp vung lưỡi rìu chặt hạ biết bao nhiêu rừng, những cánh rừng suốt nhiều năm thực dân Pháp cai trị không hề đụng tới. “Bài ca người thợ rừng” nằm trong nhóm ca khúc để ông Phạm Tuyên được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Có chuyện lạ mà không lạ, bác nhạc sĩ ni, nhẽ ra với công lao cống hiến cho cách mạng về âm nhạc ít ai bằng, nhưng khi xét giải họ chỉ cho giải thưởng nhà nước, còn gọi là giải loại 2, trong khi giải thưởng Hồ Chí Minh (giải loại 1) họ cứ lờ đi, mãi tuốt lẩu lầu lâu về sau họ mới xem xét lại, mới “ban” cho loại 1. Thôi, chuyện này sẽ nói riêng chứ dích dắc lắm.
Lứa tôi còn nhớ một bài hát nữa liên quan tới công cuộc nhà nước phá rừng, là bài “Trên đường ta đi tới” của nhạc sĩ Bửu Huyền. Câu mở đầu: “Anh đi khai phá miền Tây, rừng núi bao la bừng giấc say”. Thời ấy, rừng bị coi là đất hoang, nên “Anh khai đất hoang thành luống cày, mai kia mừng ngô lúa nặng tay”. Đám thiếu nhi chúng tôi léo nhéo chế nhại lời thành “Anh đi câu cá miền tây, câu được con cá to bằng bắp tay”… Cả bài này lẫn bài của ông con cụ Phạm Quỳnh đều do bác Quốc Hương hát, hay có kể. Nhưng càng hay càng chết, tốc độ chặt phá rừng càng nhanh. Công đấy mà tội cũng ngay đấy, trên đời không có gì hoàn mỹ cả.
Các bác Phạm Tuyên, Bửu Huyền mưu sinh thì phải theo thời thôi, chứ chủ trương phá rừng nằm trong máu của cách mạng rồi. Có nhẽ ít người quên “Bài ca vỡ đất” của thi sĩ cách mạng Hoàng Trung Thông, ca ngợi phá rừng từ năm 1948, được tôn vinh đưa vào sách giáo khoa: “Ðồng xanh ta thiếu đất cày/Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng/Tháng ngày ta góp sức chung/Vun từng luống đất, cuốc từng gốc cây”..., rừng nào mà chịu nổi.
Dạo nửa đầu thập niên 1960, chính phủ miền Bắc hô hào người dân các tỉnh đồng bằng lên miền núi khai hoang (từ “khai hoang”, “vỡ đất” được dùng trong những văn bản chính thức của chính phủ, nhà nước). Đại loại là dụ bà con ly hương, bỏ nhà bỏ cửa lên các tỉnh miền núi, nhất là Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La để… phá rừng, với danh nghĩa vỡ đất, khai hoang phục hóa, mở mang ruộng đất. Rừng là đối tượng đầu tiên bị đội quân do nhà nước dụ khị nhắm tới. Cứ phá, chặt thoải mái, cây cối màu xanh chả là gì, bởi chúng ta đang cần đất để trồng lúa ngô khoai sắn đỗ. Gia đình bà chị họ tôi cũng nằm trong đội khai hoang khi ấy, chính tôi từng lon ton đi tiễn. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ảnh: Rừng ngã ba biên giới Việt - Lào - Cam (nguồn: Google)
Đây là lúc chủ nhà nên mở lại mục Nhạc Đỏ . Hổng có lúc nào bằng lúc này, bác ui .
Trả lờiXóa