Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

Chuyện cúp điện

Năm 2023, đầu tháng 6 tây, mùa hè, El Nino nặng, quốc hội đang bận họp trong phòng lạnh. Cán bộ quanh năm suốt tháng chỉ thấy họp họp. Chẳng biết họ làm việc ích nước lợi dân vào lúc nào. Ngôi nhà do Đức thiết kế trông như cục xi măng, có người còn bảo giống cái trại lính. Nghị viên xúng xính com lê ca vát. Bên ngoài trại Diên Hồng, dân Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… la oai oái vụ cúp điện. Bà bạn tôi ở Hà nhì (thị xã Hà Đông vùng Hà Tây cũ, nay thuộc thủ đô) nhắn hỏi như quát, này Cào, trong mày có cúp điện không. Tôi cười, giờ thì chưa, tạm thời duy trì một nước hai chế độ (điện), nhưng ít ngày nữa thì không biết thế nào. Ngoài mày còn có điện mua của Tàu chứ trong ni đường dây 500 ki lô vôn nó mà đình công bởi ngoải hết điện, không còn gì truyền lên nữa thì tao khác gì mày. Mụ càu nhàu làm đéo gì có điện tàu, tao đang đánh vật với biến đổi khí hậu đây này, nghe chừng có vẻ bức xúc nóng giận lắm.

Hồi chiều, nhà cháu mở cái máy tính lọ mọ gõ vài chữ giới thiệu cuốn sách giùm bạn đồng nghiệp cũ. Nẩy mấy ý, phải khẩn trương lạch cạch kẻo quên. Mình thuộc diện tay mơ, cứ hai ngón mổ cò, hì hục một lúc cũng được hơn trang A4. Mải làm, quên mất thao tác mà bất kỳ ai sử dụng máy vi tính cũng phải nhớ, là lưu lại (save), hoặc máy phải được cài đặt tự động để chốc nhát nó lưu một lần. Đang hứng chí, điện tắt cái phụp. Máy cũ, không trang bị bộ lưu điện. Xong toi. Một cái kết đáng buồn. Như rất nhiều kết đáng buồn hằng ngày ở xứ này. Đến chiều tối có điện lại, hồi hộp mở máy xem có còn dính tí chữ nào không. Chỉ thấy màn hình trắng xóa.

Thôi thì đành chịu, cũng may chỉ vừa mới từ chiều đến giờ, bộ nhớ chưa kịp tàn phai, gạch vội ra vài đầu dòng, ngày mai thêm phần thịt da cho nó. Nhân vụ “tai nạn”, sực nhớ chuyện cúp điện ngày xưa, bèn biên ra đây.

Gọi là “ngày xưa” nhưng thực ra cũng chưa lâu, hồi đương sự Cào còn ở nhà với thày bu những năm trước-sau năm 1970, rồi đận học ở kinh đô đại học Mễ Trì tới năm 1976, nhiều nhất khi đã ở Sài Gòn năm 1977 trở về sau. Lẩn mẩn nhẩm lại mỗi chặng đường đời đầy u tối (nghĩa đen), chặng nào cũng dính món đặc sản cúp điện, muốn quên mà chả được.

Sơ vài chữ về điện ở miền Bắc. Được thừa hưởng tàn dư của thực dân Pháp, suốt vài thập niên 50 - 70, miền Bắc dùng mấy cái nhà máy điện bọn thực dân đế quốc xây, bàn giao đầy đủ khi chính quyền mới tiếp quản, gồm Yên Phụ (Hà Nội), Hải Phòng, Hòn Gai, Vinh, chủ yếu dùng cho công nghiệp, ngoài ra để thắp sáng phố phường, cho dân thành thị sinh hoạt. Nông dân, chiếm 80% dân số, không được dùng điện suốt hơn chục năm sau ngày “hòa bình lập lại”. Văn nghệ thơ ca thì véo von, nào là “Núi rừng có điện thay sao/Nông thôn có máy làm trâu thay người” (Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có đảng, viết năm 1960), nào là “Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân/Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/Tăm tối cần lao nay lại hóa anh hùng” (Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước, 1960). Chỉ toàn tưởng tượng, nói phét, lừa mị, ngược với thực tế. Nông thôn miền Bắc, mấy chục năm chìm trong tăm tối, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đừng tin bọn văn nghệ văn chương.

Nói đâu xa, xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) quê tôi, dù chỉ cách huyện lỵ chưa đầy 3 cây số nhưng mãi tới năm 1969 mới bắt đầu có điện. Một trong những cây cột điện nằm ngay góc vườn nhà tôi, cạnh chiếc hố cá nhân anh trai tôi đào, cũng cuối năm ấy lão phải đi lính, nên tôi còn nhớ rõ. Mỗi nhà chỉ được thắp 2 bóng đèn, một cho nhà trên, một cho nhà dưới hoặc hè. Không phải ngày nào cũng có, mà có cũng chỉ tầm từ 6 giờ chiều tới 10 giờ tối, đúng giờ cắt cái phụp. Hưởng thành quả chủ nghĩa xã hội điện khí hóa có tí ti thế thôi mà sướng ngất ngây.
 
Tôi vẫn còn y nguyên cái cảm giác tết năm 1973, năm thứ nhất, được về nghỉ tết. Sau hơn nửa ngày chen lấn xếp hàng ở bến xe Nứa ven sông Hồng, tôi mua được cái vé về Phòng trên chiếc xe khách cọc cạch. Tới bến xe Quần Ngựa đã 5 giờ chiều. Trời phật độ, hay ông bà phù hộ, tôi là người khách cuối cùng trên chiếc xe còn cọc cạch hơn về huyện Kiến Thụy, sau mới biết anh Tuyến anh họ người cùng làng tài xế. Dền dứ chưa chạy ngay, ngồi nhét như thịt hộp, may mà trời rét nên cứ ngồi mãi cũng chả sao, hơi người tỏa ra thật dễ chịu. Mãi gần 9 giờ mới dừng bánh bến huyện ven sông Đa Độ. Tôi đi bộ về, đói bởi suốt từ sáng nhai mỗn chiếc bánh mì 2 lạng rưỡi, rét bởi chiếc áo sợi Cự Doanh quá mỏng, lê bước gần 3 cây số, tới đầu núi Trà nhìn phía nhà mình có thấp thoáng ánh sáng đèn điện, lòng rưng rưng khó tả. Quê nhà tôi ơi. 

Hồi học thầy Bùi Văn Chép về triết học Mác - Lênin, thầy nhấn đi nhấn lại rằng “chủ nghĩa cộng sản là chính quyền xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”, thầy nói ông Lênin bảo vậy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. “chủ nghĩa cộng sản là chính quyền xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”

    Nước mình chính quyền xô viết cũng không tồn tại, còn điện thì chập chờn . Có vẻ còn lâu lém, nước mình mới lò mò tới chủ nghĩa Cộng Sản, với điều kiện nước mình còn biết Cộng Sản là gì . i freakin doubt it

    Trả lờiXóa
  2. O My, bon con nit bi nhoi so. Chung duoc hoc la + San tot nhung vi con nguoi Xau nen dat nuoc moi ngheo hen. Con chu nghia Tu Ban la nguoi boc lot nguoi. The ky 21 roi ma co khoi nguoi con tin Marxit Leninnit. Que me toi o xa Kien An huyen Dong Khe. Co gan voi huyen Kien Thuy khong thua Bac Thong...

    Trả lờiXóa