Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

Chuyện dạy văn học văn (kỳ 4)

Cuộc sống luôn vận động và biến đổi, tại sao môn văn trong nhà trường xã hội chủ nghĩa lại ì ra, giống như nửa thế kỷ trước? Không nhất thiết cứ phải thay đổi hết, có những tác phẩm hay vẫn cần giữ lại, những bài thơ Các vị la hán chùa Tây Phương, Tre Việt Nam, truyện ngắn Một lần tới thủ đô, Lặng lẽ Sa Pa... chẳng hạn; nhưng những thứ quá cũ kỹ, nhất thời như Vợ nhặt, Tắt đèn, Thư nhà, Hòn đất, Sống như anh, Bất khuất, Nhật ký trong tù, thơ Tố Hữu, Xuân Diệu... thì nên đưa vào bảo tàng được rồi. Cũng như bài “Lê nin trong hiệu cắt tóc” vậy, chỉ hợp với lứa tuổi sinh ra trước 1975, chứ bắt bọn trẻ bây giờ học, chúng nuốt làm sao trôi.

Chương trình lạc hậu, nội dung cũ kỹ, cách dạy dở, mục đích nhồi nhét, và nhất là thói chính trị hóa văn học, hỏi làm sao môn văn hay được, làm sao thu hút được học trò.
 
Nói tới văn, phải bàn đến cả tiếng Việt. Chưa khi nào nhà trường, trong đó môn văn đóng vai trò quan trọng nhất về tiếng Việt, lại thải ra xã hội, ra đời sống thứ “sản phẩm con người” kém dở tiếng Việt như bây giờ. Nhiều ông to bà lớn không đủ khả năng diễn đạt một ý bình thường, nói năng lủng cà lủng củng, ề à, dây cà dây muống. Rất nhiều văn bản của nhà nước, chính phủ, quốc hội không chuẩn về ngữ pháp tiếng Việt, không biết đặt câu, câu què câu cụt, tối nghĩa, sai trầm trọng. Không ít giáo sư tiến sĩ, học hàm học vị đầy mình, danh kêu như mõ nhưng tiếng Việt chỉ trình độ i tờ, vỡ lòng, tập chép. Còn đám nhà báo nhà văn thì thôi rồi, câu cú sai be bét, dùng từ, đặt câu như kẻ ngủ mê, không hiểu gì về thành phần của câu, đặt cái tít có vài ba chữ cũng thành trò cười cho thiên hạ. Chương trình văn trong nhà trường nặng mùi chính trị và xem nhẹ tất cả chuẩn mực đã tạo ra thứ sản phẩm lỗi ấy.

Thời thuộc Pháp, mà người cộng sản gọi là chế độ thực dân Pháp và lên án nó đủ mọi điều, xứ này từng có một nền giáo dục ưu việt, đỉnh cao. Người Pháp đã đào tạo nên một đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo thuộc hàng đấng bậc, tên tuổi lẫy lừng. Ở góc nhìn rất bình thường, ta có thể nhận thấy dù chỉ một đứa trẻ con học bậc tiểu học, hay nhà bác học, nhà văn, nhà khoa học, không người nào dùng sai tiếng Việt. Chữ viết thì tuyệt đẹp, trăm người như một, dù học ở Cao Bằng Lạng Sơn hay Bạc Liêu Cà Mau (chỉ trừ một trường hợp cá biệt chữ quá xấu, tôi không tiện nói). Ở họ, câu cú đâu ra đấy, từ ngữ chuẩn xác, diễn đạt dễ hiểu, rõ ràng và giàu cảm xúc. Không tin, các ông bà cứ đọc hết những tác phẩm của Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng… mà xem, khó bắt bẻ, nhặt lỗi. Đúng là vang bóng một thời, vàng son như thế có nhẽ không bao giờ trở lại. Còn nguyên nhân là gì, vì sao, do ai, không cần nói bởi hầu như ai cũng biết. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. "Người Pháp đã đào tạo nên một đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo thuộc hàng đấng bậc, tên tuổi lẫy lừng"

    Và tất cả họ đều theo Đảng hít chơn hít chọi lun, để lại đám cặn bã cho Ngụy & các đảng phái phản động khác . Và "đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo thuộc hàng đấng bậc, tên tuổi lẫy lừng" này theo Đảng, lại đào tạo ra “sản phẩm con người” kém dở tiếng Việt như bây giờ .

    Bác Thông biểu tại ai bi giờ, Pháp hay là "đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo thuộc hàng đấng bậc, tên tuổi lẫy lừng" do Pháp tạo ra ?

    Trả lờiXóa