Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

Chuyện dạy văn học văn (kỳ 5)

Vẫn chuyện dạy văn học văn của ròng rã mấy chục năm, từ thập niên 50 đến thập niên 90 thế kỷ trước.
 
Như nhà cháu đã kể, môn văn trong nhà trường xã hội chủ nghĩa chả khác gì môn chính trị. Giá trị văn học bị xem nhẹ, thậm chí tước bỏ, để thay vào đó những nội dung, chủ đề, đề tài mang màu sắc chính trị, phục vụ chính trị. Ai đời, tác phẩm văn chương được đưa vào sách giáo khoa lại là thứ chả văn chương chút nào, kiểu như “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, “Đau khổ chi bằng mất tự do/Đến buồn đi ỉa cũng không cho”, “Em ơi ra mà xem kìa mây bay/Lớp lớp trên nền trời đuổi giặc/Tốp đi đầu in hình quân xâm lược…/Chiến tranh nhân dân là vô địch/Sẽ đi vào quần chúng học thuyết ta”, “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/Mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô”, “Ngói mới trăm nơi cùng cửa sổ/Xây lên không khí những tòa gương”, v.v..
 
Ta cứ thử so những câu chễm chệ trong sách giáo khoa ấy, với một câu bất chợt chẳng hạn “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/Sư cụ nằm chung với khói mây” (Nguyễn Khuyến), hoặc “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Tú Xương) thì thấy khác nhau một trời một vực.

Dạy cái gì, ra đề thế ấy. Bị nhồi nhét món “vỏ văn ruột chính trị” suốt mười mấy năm phổ thông và đại học nên tôi biết rõ kiểu cách ra đề của nhà trường xã hội chủ nghĩa. Quanh đi quẩn lại vẫn chuyện bắt học trò bình luận, bình giảng, phân tích, giải thích, chứng minh mấy câu: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, “Hạnh phúc là đấu tranh”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Không có con người mới thì không có chủ nghĩa xã hội”…, gần như chả bao giờ người ta ra cái đề thuần văn chương và nhân văn kiểu “vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua hình tượng Thúy Kiều”.
 
Đọc những đề bài kiểm tra, thi, thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi ở miền Bắc những năm chưa xa, có cảm giác đó là đề thi của trường đảng, trường chính trị, trường Nguyễn Ái Quốc, chứ không phải cho nhà trường phổ thông. Trường học và môn văn ở miền Bắc đã biến lũ học trò thành đảng viên khi chúng bắt mũi chưa sạch. Nhưng như thế thì người ta mới tạo ra được “lớp cha trước, lớp con sau/đã thành đồng chí chung câu quân hành” để kéo nhau vào “giải phóng” miền Nam.

Văn chính trị là thứ dễ chấm nhất bởi nó chỉ cần đúng đường lối, hợp tư tưởng của đảng, nhà nước, không đặt nặng những yếu tố cảm xúc, nghệ thuật, cách khai thác tìm tòi, sự độc đáo… của người viết. Trong tích cũ có kể lại một ông mù chấm văn khéo lắm. Bài nào do người tử tế viết, ổng ngửi bảo văn này được, thơm thơm. Bài do kẻ nịnh nọt, xấu xa, nham hiểm viết, ổng ngửi qua rồi xua tay thối thối, thối không chịu được. Chấm ngửi nhưng chính xác tuyệt đối, chả sai bao giờ.

Chuyện thi cử môn văn ở xứ này đầy điều lạ. Học tủ, học vẹt, tầm chương trích cú, tư duy robot nên không khó hiểu khi chỉ 3 tiếng đồng hồ mà viết gần 22 trang hoặc 16 - 17 trang. Các cụ xưa từng đúc kết “dài, dãi, dại”. Rồi người ta khen tụng bài thi này điểm 10, bài thi kia nếu có điểm 11 cũng xứng đáng. Thực ra, người ta cố tình không hiểu, muốn 2 thì có 2, muốn 100 cũng sẽ có 100, đã bảo là chấm văn cơ mà. Còn để biết bài ấy có hay hay không, cứ cho đăng công khai lên mạng lên báo thì biết ngay (tất nhiên phải đăng bản gốc, đừng có qua tay biên tập).
 
Thời chúng tôi, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 (tốt nghiệp phổ thông) hằng năm, hoặc kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, những bài hay nhất, điểm cao nhất, được giải… đều được công bố lập tức, in thành sách. Những tên tuổi Nguyễn An Định, Đỗ Tương Như, Nguyễn Văn Thạc, Trần Nho Thìn, Bùi Việt Thắng, Cao Vũ Trân, Đoàn Đức Phương… là thứ kỷ niệm thật đáng nhớ của thời học văn những năm xa ấy. Dĩ nhiên, hay của thời văn định hướng thôi, chứ theo “chuẩn” bây giờ chưa chắc đã hay. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét