GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ
Câu chuyện cưỡng chế bằng sức mạnh để thu hồi đất khai hoang ven biển trước thời hạn giao đất vừa qua ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một giọt nước làm tràn ly. Giọt nước này đang xẩy ra ở nhiều nơi, nhưng ở đây thể hiện nhiều điều làm mọi người ở các cương vị khác nhau phải suy nghĩ, bắt đầu từ các Đại biểu Quốc hội sẽ xem xét để thông qua Luật Đất đai mới trước năm 2013, tới các quan chức địa phương đang thực thi và kiểm tra việc thực thi pháp luật đất đai, tới người nông dân bình thường đang lo lắng về đời sống chật vật hàng ngày nhờ vào đất đai. Trong sự việc ở Tiên Lãng, một quyết định sai của UBND huyện về thu hồi đất trước thời hạn do pháp luật quy định là điểm bản lề dẫn tới những sai phạm khác. Không có quyết định này thì không có cưỡng chế và không sự phản kháng của dân trong vô vọng...
Người nông dân thường chịu đựng trước những oan trái của mình. Nhưng những con người thuần khiết nhất, sức chịu đựng giỏi nhất cũng có giới hạn. Chỉ cần một giọt nước, giọt nước cuối cùng cũng làm nước tràn khỏi ly nước, đó chính là giới hạn dẫn đến phản kháng. Việc cưỡng chế thu hồi đất luôn đóng vai trò giọt nước tràn ly. Những người chịu đựng cao thì tính tới việc hủy hoại thân mình để biểu lộ sự oan khuất. Những người quyết liệt hơn thì động viên những người cùng cảnh ngộ để cùng nhau khiếu kiện đến cùng cho đỡ đơn độc. Những người vô vọng thì thể hiện bằng những cách tiêu cực nhất trong vô vọng... Cách nhìn nhận vấn đề lúc này phải thật khách quan, công bằng và thẳng thắn, có lý và có tình. Việc xử lý cụ thể là việc nhỏ những giải quyết những vấn đề cốt lõi về đất đai, về chính quyền nhân dân mới là việc lớn.
Cái sai của quá trình giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất so với các quy định của pháp luật
1. Từ đầu tháng 10/1993 cho tới 2005, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành nhiều Quyết định giao đất hoang hóa ven biển tại xã Vinh Quang cho nhiều hộ gia đình thuộc các xã kề cận để cải tạo nuôi trồng thủy sản. Thời hạn sử dụng đất được giao rất khác nhau và diện tích được giao cũng rất khác nhau, vài năm cũng có, tới 14 hay 15 năm cũng có và tới 20 năm cũng có. Diện tích đất được giao cũng rất khác nhau, từ vài ha tới vài chục ha cho mỗi cá nhân.
Theo quy định của pháp luật lúc đó, cơ chế giao đất bãi bồi ven biển căn cứ vào:
(1) Điều 50 của Luật Đất đai 1993 "Việc quản lý, sử dụng đất mới bồi ven biển do Chính phủ quy định";
(2) Quyết định số 773-TTg ngày 21/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình khai thác, sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng, trong đó Điều 13 quy định hạn mức giao đất là từ 2 đến 10 hécta;
(3) Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 về việc ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, trong đó thời hạn sử dụng đất là 20 năm (nếu đất được giao từ ngày 15/10/1993 trở về trước thì thời hạn được tính thống nhất từ ngày 15/10/1993, nếu đất được giao sau ngày 15/10/1993 thì tính từ ngày giao).
Như vậy các Quy định giao đất của Tiên Lãng có biểu hiện tùy tiện về cả thời hạn lẫn hạn mức diện tích. Theo đúng pháp luật thì thời hạn là 20 năm và hạn mức cho hộ gia đình là từ 2 tới 10 ha. Vậy thì việc thực thi pháp luật căn cứ vào pháp luật của Nhà nước hay căn cứ vào Quyết định của huyện. Ai cũng biết rằng phải căn cứ vào pháp luật của Nhà nước.
Ngôi nhà 2 tầng bị phá hủy |
Vì việc thu hồi đất xẩy ra sau ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành (01/07/2004) nên phải căn cứ vào Luật Đất đai 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai. Khoản 1 Điều 34 của Nghị định 181 quy định rằng khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), trừ các trường hợp: (1) Nhà nước có quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; (2) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; (3) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; (4) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; (5) Đất không được sử dụng liên tục trong thời hạn quy định (12 tháng đối với đất trồng cây hàng năm, 18 tháng đối với đất trồng cây lâu năm, 24 tháng đối với đất trồng rừng). Lưu ý rằng, quy định tại Khoản 1 Điều 34 không trừ trường hợp hết thời hạn quy định tại Khoản 10 Điều 38 của Luật Đất đai mà UBND huyện Tiên Lãng lấy làm căn cứ để ban hành Quyết định thu hồi đất. Như vậy quyết định thu hồi đất căn cứ vào Khoản 10 Điều 38 của Luật Đất đai là hoàn toàn trái pháp luật.
3. Các hộ gia đình bị thu hồi đất bắt đầu thực hiện khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính, Tòa án Huyên Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm và tuyên UBND huyện thắng kiện. Các hộ gia đình lại khởi kiện lên tòa án thành phố Hải Phòng để được xét xử phúc thẩm. Tòa án thành phố yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng và các hộ gia đình hòa giải, hai bên đã hòa giải theo Biên bản với nội dung là các hộ gia đình rút đơn kiện và UBND huyện sẽ làm thủ tục theo quy định của pháp luật nếu các hộ có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất đai. Trên thực tế, UBND huyện không thực hiện theo Biên bản này mà tiếp tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất bằng lực lượng vũ trang đã diễn ra và sự chống đối của người dân cũng đã diễn ra.
Điều quan trọng cần rút ra ở đây là nếu không có các Quyết định sai pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất thì cuộc sống của người nông dân ở đó vẫn bình lặng, lực lượng vũ trang của huyện cũng đỡ vất vả. Việc thu hồi đất sản xuất giao cho hộ gia đình nông dân trước thời hạn 20 năm là một cái sai "tầy đình".
Vấn đề quyết định thế nào đối với thời hạn sử dụng đất sản xuất nông nghiệp khi hết thời hạn 20 năm đã được xem xét tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (năm 2002), chưa quyết định được và để lại để giải quyết trước thời điểm thời hạn sớm nhất kết thúc là 15/10/2013. Nội dung quan trọng này cũng sẽ được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa này quyết định vào thời gian tới và cũng là nội dung quan trọng của Luật Đất đai mới sẽ được Quốc hội thông qua trước năm 2013. Vấn đề lớn như vậy mà huyện Tiên Lãng coi như chuyện "vặt", làm sai hết. Tôi có cảm giác như huyện Tiên Lãng không biết địa phận của mình đang nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
Nói gì từ những sự việc áp dụng sai pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng
1. Việc áp dụng sai pháp luật đất đai không phải chỉ ở UBND huyện mà ở cả Tòa án nhân dân huyện. Hơn nữa, những luận cứ đưa ra trong áp dụng pháp luật theo kiểu "không trung thực", kể cả luận cứ của Tòa án nhân dân huyện trong xét xử sơ thẩm. Ở đây cho thấy, khó có thể đạt được tính độc lập của Tòa án cấp huyện khi xử các vụ kiện hành chính đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của UBND cấp huyện. Tòa án thành phố cũng giải quyết nửa vời bằng cách cho thương thảo lại. Đáng nhẽ, khi thu lý vụ án thì Tòa án thành phố phải hiểu ngay những sai trái của chính quyền đang diễn ra, sai không chỉ pháp luật mà còn quyết định trước cả những vấn đề mà Trung ương Đảng chưa quyết định.
2. Nhiều cơ quan hành chính ở địa phương có quan niệm rất sai về cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Đã có rất nhiều ý kiến phản ảnh rằng các cán bộ thừa hành ở cấp huyện hay nói "Nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu". Đây là một cách nói rất sai, làm mất uy tín của Nhà nước ta. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng theo quy định của luật pháp, chỉ được thực hiện trong những trường hợp nhất định và khi thực hiện phải tuân thủ trình tự, thủ tục rất rõ ràng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ được áp dụng thẩm quyền theo quy định của luật pháp, không thể "dọa dân" bằng quyền lực thu hồi đất "vô biên" như vậy.
Hải Phòng cũng thừa nhận đã “cưỡng chế quá tay” vụ thu hồi đầm của Đoàn Văn Vươn. |
4. Việc sử dụng lực lượng vũ trang để cưỡng chế thu hồi đất là một biện pháp không hay, các địa phương không nên áp dụng. Việc áp dụng cơ chế thu hồi đất luôn luôn là mối quan hệ giữa chính quyền của nhân dân và nhân dân. Nguyên tắc thuyết phục và đồng thuận, tận dụng sự tham gia của cộng đồng cần được đặt lên hàng đầu. Lực lượng vũ trang có nhiều việc hệ trọng phải tập trung vào làm.
5. Hệ thống kiểm tra của cơ quan hành chính đối với các cơ quan trực thuộc ở ta còn rất kém. Hệ thống giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Ủy ban nhân dân ở ta cũng rất yếu. Mọi việc diễn ra ở Tiên Lãng cho thấy rõ điều này. Một việc sai phạm pháp luật về đất đai đến như vậy, ý kiến oan trái của cả một tập thể nông dân nhiều đến như vậy mà không thấy xuất một hình bóng nào của công tác kiểm tra và giám sát.
6. Chính quyền phải giữ chữ "tín" với dân, không thể thỏa thuận với dân một đằng rồi lại làm một nẻo. Vật chất có thể mua được nhưng lòng dân không bao giờ mua được. Dân tin khi những người thay mặt cho chính quyền giữ đúng chữ "tín" trước với dân. Hãy cho dân trước rồi mới lấy đi của dân.
7. Vấn đề đất đai cho nông dân không hề đơn giản. Trong chế độ thực dân, phong kiến, người nông dân trực tiếp sản xuất không có ruộng, phải làm thuê, cuốc mướn, cấy rẽ. Người nông dân đã bị phong kiến, đế quốc bần cùng hóa để phải rời bỏ ruộng vườn. Hầu hết nông dân đã lên đường làm cách mạng vì một mục tiêu rất giản dị: có ruộng để cầy. Người nông dân Việt Nam ít được học nhưng sống luôn có đạo lý, biết hy sinh và cũng biết phẫn nộ.
8. Động viên tốt, người nông dân đã từng nhịn ăn để nuôi các chiến sỹ cách mạng, đã từng đem giường ngủ ra lát đường cho xe ra tiền tuyến, đã từng hiến đất để làm trường học, mở bệnh viện, v.v. Họ hy sinh cả vật chất và tinh thần rất vui vẻ. Những người nông dân đa số là chịu đựng mặc dù biết rằng oan trái. Việc người nông dân oan trái trong mất ruộng đất đang xẩy ra ở nhiều nơi. Đừng coi câu chuyện này đơn giản, xem xét một chiều, vô cảm.
9. Việc động viên các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia khai hoang, phục hóa, lấn biển là một chính sách lớn của Nhà nước. Cần có nhiều ưu đãi đối với những ai làm tốt việc này. Cái ưu đãi lớn nhất đối với người nông dân là hãy để cho họ ổn định làm ăn khi họ đang sử dụng đất có hiệu quả. Nếu Nhà nước cần đất hãy tính đến chuyện lấy đất ở những nơi đang sử dụng không hiệu quả. Khai khẩn, thuần dưỡng đất hoang hóa là công việc rất nặng nhọc. Trên từng thước đất có mồ hôi, nước mắt và có cả máu của người nông dân nữa. Chúng ta đừng dửng dưng với việc này mà phải hiểu hơn nữa người nông dân mới hy vọng làm cho tam nông tốt lên được.
Vài lời kết
Có thể coi sự việc vừa qua ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về cả pháp luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Một người nông dân tốt, thuần chất, ham lao động mà phải bảo vệ quyền lợi đất đai của mình bằng vũ khí tự tạo thì quả là cùng cực. Con người ai cũng tin vào công lý và tin vào công lý đó được pháp luật bảo vệ. Những người nông dân khai phá đất nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng chắc chắn cũng tin như vậy. Rồi tới tòa án, nơi rất công bằng, mà những chân lý giản dị như họ tự hiểu cũng vẫn không nhìn thấy. Họ phải tự quyết liệt một mình trong vô vọng...
Theo Vietnamnet 15.1.2012, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-01-13-su-kien-tien-lang-va-giot-nuoc-tran-ly-
"Rồi tới tòa án,nơi rất công bằng..."!Vietnamnet chỉ nói đúng về vụ trung tá CA tên Ninh đánh chết ông Tùng tại Hà nội mà chỉ ngồi tù có 4 năm vậy!
Trả lờiXóa