Nhảm. Ai lại ngược ngạo thế bao giờ. Chả thích thì thôi chứ làm gì có chuyện chán chuyện sợ. Tết thích bỏ xừ, được ăn được chơi, ngao du, rượu chè, nói phét, lại không phải làm gì. Ăn ngon, tuyền những thứ cả năm chỉ thèm khát hoặc năm thì mười họa mới cho vào mồm. Có dịp sắm quần áo mới mà không bị chê trách. Sẵn tiền, dù ít dù nhiều, đi chơi chẳng ai ngăn cấm. Bạn bè, người thân có dịp gặp nhau… Nhìn chung, vui như tết. Ấy vậy mà…
Mấy người công nhân vệ sinh mà tôi gặp, hỏi dăm ba câu vu vơ tết nhất thế nào, họ lắc đầu quầy quậy, tết tiếc gì, thêm được tí bồi dưỡng, phụ cấp nhưng mệt bỏ cha. Các ông các bà cứ mua sắm cho nhiều, xả thải cho nhiều, chỉ khổ chúng tôi. Sợ tết lắm. Năm nào cũng sợ, chẳng ham hố gì. Nghe họ nói có lý bởi nhìn mấy núi rác cao ngồn ngộn kia mà kinh.
Mấy bà mấy anh bán hàng rong mặt buồn xo. Ngày tết thiên hạ đã no nê phè phỡn, đâu đoái hoài đến họ. Cái cậu mì gõ hằng ngày đậu chiếc xe đẩy lối góc công viên gần nhà tôi bảo quê xa lắm, chả đủ tiền tàu xe, giờ cứ vạ vật đây chờ hết tết để bán lại. Chỉ những công nhân nghèo làm ở mấy cơ sở nhỏ lúc ca đêm ra ăn thôi, nay xưởng nghỉ tết, công nhân tứ tán khắp nơi, làm gì còn ai ăn mà bán. Tết với nhất, không bán được thì đói. Nghe cậu thở dài, tôi biết cậu ta chán tết thực sự.
Bà xã tôi cũng sợ tết. Cả nhà suốt năm lao công quần quật, kiếm được tí tiền định bụng dè sẻn nhưng thấy người ta nghỉ tết mua sắm như điên. Có ai đó bảo là kích cầu. Mình cũng phải lao theo. Thế là gió vào nhà trống. Tại sao cứ phải đốt tiền cho tết nhỉ? Thật khó giả nhời.
Tôi cũng sợ tết. Mình nhớn rồi, có cũng được, không có chả sao. Nhưng ngày tết thấy nó cứ vui vẻ giả tạo thế nào ấy. Gần như ai cũng muốn được nghỉ ngơi, sợ tiếp khách nhưng ai cũng bàn tính sẽ đến thăm người này người nọ. Rõ làm khổ nhau. Sao không nhớ câu “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) nhỉ.
Lại thêm những ngày tết đến đâu cũng cứ văng vẳng mấy bài ca tết, ca xuân, khổ cái lỗ tai; nhìn đâu cũng cứ rặt màu đỏ rừng rực, chói cả mắt. Phàm trên đời, cái gì thái quá đều khó chịu. Ngày tết thì đầy những thứ thái quá. Lại chán lại sợ.
Thêm nỗi, mấy ngày tết cực thiếu thông tin. Đời vẫn trôi cuồn cuộn nhưng báo chí nghỉ tết ngon lành, chỉ còn mấy tờ báo mạng xem ra toàn tin hiếu hỉ, lễ tân nhạt thếch, đọc xong trôi tuồn tuột. Tự dưng lẩn thẩn nghĩ, nếu có cuộc điều tra xã hội học nào đó người ta đọc cái gì nhiều nhất mấy ngày tết, mình dám đoan chắc nhiều người giả nhời rằng đọc… Basàm. Thật tình, những ai giờ quan tâm đến thời cuộc, nhất trong mấy ngày tết, chỉ còn biết trông cậy vào ông Basàm. Ông này mà hứng chí lên nghỉ tết nữa thì bao người khác gì bị đi tù, cấm cung. Cám ơn ông nhé.
Nghĩ vẩn vơ, bao giờ xứ ta mới làm như nước Nhật bỏ quách cái tết ông trăng chỉ để xài một thứ tết dương lịch như đa số nhân loại trên trái đất?
25.1.2012 (tức mùng 3 tết Nhâm Thìn)
Nguyễn Thông
Đúng là ba ngày tết không có ông Ba Sàm chắc buồn chết mất!
Trả lờiXóaNhất trí cao với bác. Anh Ba sàm ơi, cố lên.
Xóa"Nhìn đâu cũng thấy cái màu đỏ lòe loẹt nhức cả mắt..."-màu máu đấy bác ạ!
XóaLần đầu tui tìm được người đồng cảm với tui thế. Cứ như là đã trao đổi, thảo luận trước với nhau ấy. Từ gần chục năm nay, tui chán tết thế. Không hoa, không mua sắm, không dọn nhà, không thăm viếng, không chúc tết và trả lời tin nhắn chúc tết và không ăn tết luôn (ngày thường hai bữa, tết còn một bữa lúc 2h chiều, tôi không thấy đói là bỏ luôn). Bác mong bỏ tết chứ tui bỏ lâu rùi.
Trả lờiXóaKết quả là, qua nhiều năm vợ thấy tui không ăn tết nên cũng không sắm nữa (năm nào cũng thừa nhiều quá), bạn bè thấy không trả lời cũng không gửi tin nhắn rác chúc tết nữa. Bạn bè anh em trên có dưới có đến thăm tui mà tui không "đáp lễ" cũng không đến thăm nữa (ngay cả thằng bạn đồng môn ở ngay đối diện bên kia đường.
Đúng thế, cả tết chỉ Basam rồi lại Nguyễn Quang Vinh...với cả trăm trang web, blog khác. Nhân đây cũng cảm ơn ABS, một người thật đáng nể? Đảng viên cộng sản mà được mấy người như ông thì nước ta tiến lên CNXH mau lắm nhỉ.
Bác Thuan ơi, hay là chúng mình già rồi, khó tính. Nhưng quả thật tết rất đáng sợ, đâu phải chỉ đối với người nghèo.
XóaCó lẽ là cọ xát của "văn minh" và "văn hóa truyền thống". Tôi mò mẫm nghiên cứu nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống, nhưng cũng chính tôi thấy quá nhiều truyền thống cần loại bỏ, hay "gọt rũa" đến mức "chả còn mấy" hi hi!!!
XóaThưa bác ,
Xóa"Nhân dân" cả nước đều hồ hởi vui mừng đón Tết ; 'nhân dân” này là theo cái nhìn của ông Thoại , PCT TP Hải Phòng đó . Thành ra khi cả 'nhân dân' chào đón Tết mà bác 'sợ Tết' thì tôi nghỉ trong đầu bác có vấn đề .
Vì 'nhân dân' rất ngày đêm mong Tết để CÔNG KHAI đón nhận TRÊN MỨC TÌNH CẢM các phong bao - lì xì có giá trị của cấp dưới , của nhửng người nhờ cậy 'nhân dân' việc này việc nọ , v.v...
Bác cứ phát biểu 'sợ Tết' khiến 'nhân dân' nghỉ rằng bác 'chống đối' họ MỘT CÁCH TINH VI ; ko khéo bác bị họ chụp cái mủ phản động cho mà xem . Tôi xin bác !!!
Bác nhầm !Lãnh đạo xứ ta đang muốn mỗi năm tăng thêm vài cái tết nữa để tăng thêm bổng lộc
Trả lờiXóaCác ông ấy thì, thực hiện đúng lời dạy của cụ Hồ: "Một năm là cả 4 mùa xuân", bác ạ
XóaTớ chán nhất là phải treo cờ và nghe chủ tịch nước chúc tết. Lại thêm cái tệ nạn cúng bái tràn lan từ cơ quan đến tổ dân phố
Trả lờiXóaĐúng vậy, mê tín ngày càng nặng, hết thuốc chữa.
XóaRất cảm ơn anh Nguyễn Thông đã nói hộ nhiều điều tôi vẫn nghĩ. Tôi không ăn Tết hơn chục năm nay rồi nhưng cứ tưởng mình sống ở Tây lâu nên "lập dị" thế. Buồn nhất là nghỉ Tết ngày càng dài lê thê và nhiều trò đi theo cái Tết thật lãng phí mà vô nghĩa. Như bắn pháo hoa chẳng hạn. Nhưng mà trời ơi, ở xứ này đụng đâu mà chẳng phải gặp những điều vô lý?
Trả lờiXóaBác Ngọc ơi, câu cuối cmt của bác đủ nói lên tất cả rồi.
XóaThú thực là mình tuy già nhưng đến tết vẫn nôn nao y hồi còn nhỏ. Không khí chộn rộn lúc gần tết làm mình nhớ lại bao kỷ niệm thủa ấu thơ mà lúc bình thường bận lo cơm áo mình ít nghĩ đến. Thường thì ngày 30 tết sau khi mọi việc đã xong mình hay ngồi một mình nghĩ về cuộc đời, và thường là cứ nghĩ đến cuộc đời sao ngắn ngủi, tạm bợ quá. Lại thường hay nghĩ về sự sống cái chết (nên suốt đời chả khi nào thèm tham lam cái gì mình không đáng hưởng). Nghĩ cả đến những bất công của cuộc đời, kẻ ăn không hết người lần không ra. Buồn. Rồi khi đã qua năm mới thì vui vì có dịp gặp cha chú, anh em, con cháu; mà nếu không có tết cả năm chưa chắc đã gặp nhau. Vui nữa là thấy trẻ con hớn hở vì được tiền lì xì, được ăn bánh kẹo thả giàn...Lại nữa, tết còn được binh mười ba lá, mà ngày thường chả dám chơi, vui chứ.
Trả lờiXóaThôi thì cả năm tối tăm mặt mũi, có mấy ngày tết cho nó thay đổi không khí, vất vả thêm nhưng cũng có ít niềm vui. Đời phải thế mới gọi là đời các bác ạ.
Trước nhà cháu cũng nghĩ như bác, nhưng vài năm gần đây thì sợ thật sự. Nó cứ làm mình mệt mỏi thế nào ấy, bác ạ.
XóaTôi thấy Tết có mặt tích cực là công nhân được nghỉ dài ngày, dịp họ về quê thăm nhà và nghỉ ngơi sau một năm kiếm sống cực khổ. Hiện nay giai cấp công nhân là hạng cùng đinh của xã hội chứ tiên phong tiên phiếc gì, là cái bánh vẽ ấy mà.
Trả lờiXóaVề nhà rồi lại ra đi cũng là cả nỗi đoạn trường, bác ạ.
XóaSợ tết hay thích tết là việc của mỗi người,không bỏ được đâu Bác ơi.Có những dân tộc còn ăn tết vào mùa hè nữa đấy.Tết của ta vào đúng Xuân đẹp thế còn gì nữa...
Trả lờiXóaMùa xuân miền Bắc thôi, bác đồng hương huyện ạ, còn ở miền nam, sáng mùng 1 nóng nắng đến mức không muốn bước ra khỏi nhà cơ. Tuy nhiên, điều mình muốn nói là nó rườm rà, hình thức, lãng phí quá, vui thì ít, mệt thì nhiều.
XóaTrong mỗi chúng ta, đều có hai con người. Cũng giống như mọi người, ở khúc nào đó, mình cũng không thích Tết. Nhưng, ở khúc khác, mình thấy Tết rất hay. Tết, Thông Cào được về thăm u này, được gặp lại rất nhiều người thân yêu mà ngày thường đâu dễ gì gặp được này. Và, phải cám ơn, vì có Tết, K 17 mới có điều kiện gặp nhau nhiều hơn. chứ ngày thường, đi đâu, phải xin con cháu nó cấp ... Visa!
Trả lờiXóaTết tớ có về được đâu, tàu xe khó khăn, vé đắt đỏ gấp mấy lần. Mà ai cũng thế, muốn về phải chấp nhận tốn kém hơn nhiều. Đành về thăm u sau tết. Còn K17, ới một tiếng là gặp nhau, cần chi đến tết hả cậu. Nói tóm lại, tớ không thích tết trăm phần trăm, hì hì.
Xóa