Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Những bài hát của một thời (25): Sông Hàn vang tiếng hát

Không bao lâu sau khi Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng (29.3.1975), trên sóng phát thanh đài Tiếng nói Việt Nam đã vang lên bài hát thật hay về thành phố bên sông Hàn, với tên giản dị Sông Hàn vang tiếng hát, của nhạc sĩ Huy Du, bản ca hay nhất là bản do ca sĩ Kiều Hưng thể hiện. Trên mục này, mình đã giới thiệu khá kỹ về cả Huy Du lẫn Kiều Hưng nên không nói lại nữa.

Trong nhiều tài liệu, mình thường chỉ thấy giới thiệu bài ca là của nhạc sĩ Huy Du, nhưng theo mình biết, thì hồi sau giải phóng có nghe đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu là nhạc Huy Du, lời thơ Bùi Minh Quốc, nhưng lâu rồi, chả biết phải vậy không.

Đầu những năm 60 thời chống Mỹ, miền Nam được coi là tiền tuyến, còn miền Bắc là hậu phương lớn. Để tiền tuyến hậu phương gắn bó, cứ mỗi tỉnh thành ở miền Bắc lại kết nghĩa với một tỉnh thành ở miền nam, ví dụ Hà Nội với Sài Gòn, Nghệ An với Quảng Ngãi (sách tập đọc lớp 2 có bài Vườn cây An-Ngãi), Kiến An với Gò Công... Thành phố Hải Phòng quê mình bây giờ (thực ra mình thuộc Kiến An) được kết hôn với thành phố Đà Nẵng. Từ bấy thành phố sông Hàn trở thành một phần không thể thiếu của Hải Phòng. Một con đường rất đẹp từ ngã năm vào trung tâm được đặt tên là Đà Nẵng (mụ Minh Huệ lớp mình hồi theo bố nó công tác ở HP đã cư ngụ nơi đó), còn Đà Nẵng sau giải phóng cũng có ngay đường phố Hải Phòng, mình nhớ không nhầm thì nó chạy sát ga xe lửa.

Tháng 3.1975 chộn rộn hết sức. Chả học hành gì, chỉ ngóng chờ tin chiến thắng. Nghe mấy người thạo tin bảo rằng tổng thống Thiệu điều viên tướng tài ba Ngô Quang Trưởng tử thủ Đà Nẵng, cũng thấy ghê ghê. Vậy mà chiều tối 29.3 đài rộn rã loan tin Đà Nẵng đã được giải phóng, thật không tưởng tượng nổi. Mấy tay gốc Nam lớp mình như Nguyễn Đăng Thành, Hoàng Thanh Chương, cả thằng Hán Nôm Cao Văn Dũng nữa đã lên kế hoạch về Nam ngay sau thời khắc lịch sử này, mặc dù còn những năm rưỡi nữa mới tốt nghiệp.

Dù mình ít có dịp ghé Đà Nẵng nhưng thành phố ấy đối với mình hết sức thân quen. Anh trai ruột mình đã đóng đô ở Đà Nẵng suốt hơn 30 năm nay, giờ hưu rồi vẫn cùng vợ con cháu kết với đất này. Nơi ấy mình có vợ chồng bạn đồng môn khóa 17 văn khoa là Hoàng Sĩ Chiến- Bùi Thị  Lập cư ngụ; có nhiều đồng nghiệp cùng cơ quan bây giờ như bọ Thế Thịnh, anh Đức Hùng, anh Điện Thắng, em Diệu Hiền... Đã từ lâu, Đà Nẵng chưa bao giờ xa lạ.

Xin tặng lại Đà Nẵng bài hát thân thương này. Đoạn mở đầu, ngắn thôi, chất lượng âm thanh không được tốt lắm.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

23.3.2012
Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Mong gặp Nguyễn Thông ở Đà Nẵng.Mình đã ra Hải Phòng.Mình trước đây dạy ở Trường THPT Thái Phiên Dà Nẵng,khi ra Hải Phòng có đến thăm trường THPT Thái Phiên tọa lạc trên đường Đà Nẵng của thành phố Hải Phòng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, bác từng dạy Thái Phiên ư. Hai trường Thái Phiên là nổi tiếng lắm đấy. Em có dịp ra là sẽ xin hầu chuyện bác ngay.

      Xóa
  2. Bác Thông vẫn còn yêu những bài hát như thế này sao ? Em tưởng ...

    Bài này đúng là nhạc Huy Du, phổ thơ chú Bùi Minh Quốc. Có lẽ sau này người ta không nhắc đến tác giả phần lời vì chú Bùi Minh Quốc về sau có tư tưởng đối lập hơi cực đoan, một cách ứng xử rất dở thường thấy của các quan văn hóa tư tưởng.

    Em đã xúc động đến rớm lệ khi nghe lại bài hát này bác ạ, ca khúc em rất yêu và theo em là hay nhất về Đà Nẵng.

    Rất vui khi biết bác cùng yêu ca khúc này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hòa Bình ơi, những bài hát như thế này đã gắn bó với thế hệ anh như máu thịt, mang theo suốt đời. Anh không cực đoan như một số người đâu, phải biết tôn trọng những giá trị lịch sử chứ. Cám ơn em đã nghe và chia sẻ. Thông.

      Xóa