Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Ao ước được như nông dân Thái

BÁ TÂN


Có tên gọi như nhau nhưng nông dân Thái Lan với nông dân Việt Nam không phải mọi thứ đều tương đồng. Trong cùng khu vực nhưng môi trường xã hội và điều kiện lịch sử khác nhau, và nhất là thể chế chính trị khác nhau cho nên nông dân hai nước có những điểm khác biệt.

Điểm giống nhau của nông dân hai nước là ở chỗ: nông dân là “tác giả” trực tiếp tạo ra sản phẩm lúa gạo.

Thái Lan và Việt Nam liên tục nhiều năm hiện diện trong tốp đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Thành tựu ấy trước hết và chủ yếu thuộc về bà con nông dân. Về mặt thụ hưởng lợi ích từ xuất khẩu gạo, nông dân Việt Nam thua xa nông dân Thái Lan. Thế cho nên mới có chuyện nông dân Việt Nam (nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long) đang ngày đêm ao ước được như nông dân Thái.

Đến thời điểm này Việt Nam vọt lên ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Với kết quả như  hiện thời cùng với các hợp đồng đã ký, kết thúc 2012 Việt Nam hoàn toàn có khả năng giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Thái Lan thì ngược lại, từ vị trí số 1 nay tụt xuống vị trí thứ 3 (đứng sau Việt Nam và Ấn Độ). Việt Nam thăng hạng. Thái Lan tụt hạng. Ấy thế mà nông dân Thái Lan lại hưởng lợi gấp bội so với nông dân Việt Nam. Quốc gia thăng hạng xuất khẩu gạo, trong khi nông dân Việt Nam lại ao ước được như nông dân Thái Lan mặc dù quốc gia này bị tụt hạng về xuất khẩu gạo.

Liên tục những tháng vừa qua cũng như thời gian sắp tới, chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách mua thóc của nông dân cao hơn giá thị trường tự do. Trong thời điểm hiện nay, so với mặt bằng giá cả trên thị trường, nông dân Thái Lan bán thóc với mức giá cao hơn gần 50%. Mức giá đó do chính phủ qui định. Các đối tượng mua thóc của dân buộc phải mua theo giá do chính phủ ấn định. Chính phủ Thái Lan không vận động, không kêu gọi mà là ấn định khung giá bắt buộc phải tuân thủ.

Ở ta, chính phủ đưa ra mục tiêu nông dân được hưởng lợi nhuận 30% từ sản xuất lúa. Đó chỉ là định hướng, thực hiện được hay không, làm thế nào đạt mục tiêu ấy lại là ẩn số chưa có lời giải. Mua thóc của dân với giá bao nhiêu, đắt hay rẻ, hoàn toàn do phía doanh nghiệp tự quyết. Nông dân trực tiếp tạo ra sản phẩm nhưng không được quyết định giá bán. Chính phủ đưa ra định hướng chung chung, còn giá thóc là bao nhiêu (vấn đề quyết định hiệu quả của người trồng lúa) thì mặc kệ cho doanh nghiệp tự tung tự tác.

Thường thì giá thóc ở Thái Lan vẫn cao hơn của Việt Nam. Nay chính phủ Thái Lan mua với giá cao hơn gần 50% so với giá thị trường. Giá thóc Việt Nam chỉ tăng nhúc nhích, có lúc đứng yên, thậm chí không ít thời điểm đi xuống. Trong khi giá thóc Thái Lan tăng phi mã. Hiệu quả từ sản xuất lúa gạo của nông dân Thái Lan theo đó tăng ở cấp số nhân so với nông dân Việt Nam. Nếu tất thảy công dân Việt Nam đều là nông dân, ít nhất trong thời điểm này, tin chắc mọi người đều ao ước được như bà con nông dân Thái Lan.

Ruộng đất giống nhau. Hạt thóc chẳng có gì khác nhau. Chủ thể trực tiếp làm ra sản phẩm lúa gạo đều là nông dân. Nhà nước đối xử với nông dân, thông qua chính sách giá mua thóc, khác nhau như là trên trời với dưới vực. Thủ tướng Thái Lan là phụ nữ, mới ngoài 40 tuổi, vốn là một doanh nhân. Trước đó chuyên nghề làm giàu cho cá nhân. Sau khi trở thành người đứng đầu chính phủ, thủ tướng Thái Lan ban bố chính sách đặc biệt làm giàu cho nông dân. Thủ tướng Thái Lan đương nhiên không phải đảng viên cộng sản. Người đứng đầu chính phủ dành sự quan tâm hiếm có với nông dân, đã hứa là làm. Riêng khoản đó mà nói, những người cộng sản phải gọi thủ tướng Thái Lan là đồng chí. Khi tranh cử thủ tướng, bà cam kết, nếu thắng cử, thực hiện chính sách nâng cao giá mua thóc của dân. Cam kết ấy được thủ tướng Thái Lan thực hiện sau khi thắng cử. Ở Thái Lan cũng như nhiều nước trên thế giới, sau khi thắng cử mà không thực hiện lời hứa, cử tri sẽ hợp lực và quyết đấu đến cùng hạ bệ bằng được kẻ thất hứa.

Ở ta, so với mục tiêu của chính phủ, nông dân còn lâu mới có được lợi nhuận 30% từ sản xuất lúa gạo. Lãi là có nhưng thấp lắm. Thậm chí không ít nơi, qua nhiều vụ sản xuất, bà con nông dân phải chịu lỗ vì giá lúa quá bèo. Chính phủ đưa ra định hướng nghe mát ruột người trồng lúa. Không được thực hiện hoặc không chịu tuân theo cũng chẳng làm sao, cười trừ hòa cả làng. Nông dân cứ dài cổ mà kêu. Chán ruộng cũng phải làm. Không bám vào ruộng thì chỉ có mà chết đói.

Xuất khẩu gạo liên tục đứng ở tốp đầu thế giới. Nay đoạt ngôi số 1. Lãnh đạo các cấp xông ra giành phần thành tích, tự coi mình là tác nhân tạo ra thành tựu ấy. Nông dân sản xuất lúa gạo lãi hay lỗ, vì sao phải chịu lỗ. Khi nêu việc đó, có những người có trọng trách làm ngơ, hoặc có lý sự thế nọ thế kia nhưng nói cho qua chuyện mà thôi.

Chính phủ Thái Lan hy sinh cái danh của quốc gia để nâng cao lợi ích cho bà con nông dân. Việt Nam có dám làm như vậy hay không. Dân là gốc. Dân là nước. Hãy nhìn vào cách đối xử với dân (nhất là với bà con nông dân) để nhận ra thực chất chế độ cũng như đội quân “đầy tớ” của dân.
Bá Tân

6 nhận xét:

  1. Một bài viết thư gửi thủ tướng Thái Lan của người nông dân Đồng Tháp Hoàng Kim đăng trên boxitvn.net đọc mà xót xa cho nông dân nước Việt.

    Trả lờiXóa
  2. "Tôi muốn xây dựng hạnh phúc gia đình trong hạnh phúc chung của dân tộc, người sống với người trong tình thương yêu, bình đẳng và tôn trọng với nhau. Trong hạnh phúc đó, những đứa con của vợ chồng tôi, sau này khi khôn lớn sẽ tìm thấy được hạnh phúc đích thực khi chúng có được niềm hãnh diện và hạnh phúc để nói với bất kỳ ai trên thế giới này: tôi hãnh diện được làm người Việt Nam."
    Câu rất hay của Paulo Thành Nguyễn.

    Trả lờiXóa
  3. Lương Lan Hươnglúc 17:29 10 tháng 9, 2012

    Nhói đau ở tận tâm can !

    Trả lờiXóa
  4. Có dạo đọc tin tức ,nghe nói có xã huyện nào đấy ở miền trung bắt nông dân phải mua lúa giống mới do họ bán ,có ruộng lúa đã lên xanh ,họ bắt nhổ (cưỡng chế )và mua giống lúa mới để trồng .Kết quả :chỉ có trấu mà không có hạt gạo bên trong .Tôi vừa xót xa cho nông dân mình mà vừa căm thù bọn cán bộ xã huyện kia ,bọn chúng (ngu xuẩn ) chính là bọn phá hoại kinh tế ,đẩy bà con nông dân đến đói nghèo nợ nần.Vậy mà không thấy ai bị bỏ tù,cách chức gì cả .Dân mình thiệt tội làm sao .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tin của tranthihuong chắc là tin vịt?

      Xóa
  5. Bão Bá Tân lại phét lác rồi

    Trả lờiXóa