Chuyện buồn xứ ta cũng như chuyện buồn ở nước Phú Lãng Sa dù sao đã xảy ra rồi, có nghĩ mãi cũng chả vui lên được. Thôi, tôi biên lên đây phần ký ức để hầu bạn đọc lúc đầu óc mọi người còn chếnh choáng sự đời. Sự ghi nhớ dài, sẽ chia thành nhiều kỳ cho ai đọc sẽ cảm thấy đỡ mệt. Chúc cả nhà ngày chủ nhật an lành.
CHUYỆN RƠM RẠ
Nhớ có lần tôi đã viết mấy dòng trên Facebook bảo rằng bây giờ chả mấy đứa lớp trẻ hiểu được “rút rơm” là việc gì, vài bạn đáp rằng anh ơi chú ơi, quê em quê cháu vẫn còn rơm đấy. Nghe vậy tự dưng thấy ấm lòng.
Hồi năm 77 tôi về Tiền Giang, nhìn ra cánh đồng khói đốt rơm nghi ngút, tiếc đứt ruột. Bảo với ông bạn đồng nghiệp dân Nam Bộ, ông ạ, bà con mình lãng phí quá, ai lại đốt hết cả rơm ngoài đồng thế kia. Anh ấy trố mắt nhìn tôi, sau thủng chuyện, cười bảo đốt để lấy tro bón ruộng, vả lại ai hơi đâu lôi của nợ về nhà. Tôi thắc mắc, thế đun bằng gì, lợp nhà bằng gì, trâu ăn bằng gì, anh ấy ôm bụng cười, miền Nam cái gì cũng có đủ, đâu cần đến rơm. Rơm chỉ để bón ruộng thôi.
Miền Bắc những năm 60-70. Cái chi cũng dồn cho tiền tuyến. Hạt lúa củ khoai, thậm chí hột muối cũng “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Có nhẽ chỉ rơm là miền Nam không cần. Tôi chưa thấy hợp tác xã đi huy động rơm chi viện cho miền Nam bao giờ. Chứ lấy cả rơm thì gay to.
Đến năm 1964, cả miền Bắc đã cơ bản gom hết nông dân vào hợp tác xã. Hợp tác lấy hết ruộng đất, trâu bò, tất tần tật, chỉ chừa lại cho sào đất thổ cư có cái nhà trên đó. Làm việc hợp tác, cứ tính theo công điểm mà phát thóc, chia rơm. Thóc gạo hẻo đã đành một nhẽ bởi hột ngon hột lành nộp vào kho lương thực, một phần để nuôi đám thành phố ăn sổ gạo, trẻ con 14 ký/tháng, người lớn 17 ký, phần thì để đưa ra tiền tuyến nuôi bộ đội. Trong khi ấy, nông dân chỉ bình quân 7 - 8 cân thóc/đầu người, chưa bằng một nửa của đứa trẻ thành phố rong chơi. Vô lý vậy mà kéo dài suốt mấy chục năm.
Ngay cả rơm cũng thiếu. Chất đốt chủ yếu là rơm rạ, còn lại thì lá tre, cây thuốc lào, cây đỗ, lá mía, cành củi xì xằng nhặt nhạnh trong vườn. Chỉ nhà cán bộ, công nhân đi thoát ly mới có than đốt lò, nông dân đừng có mơ. Than Hòn Gai - Cẩm Phả đào được hòn nào rót cả xuống tàu trả nợ vũ khí cho Liên Xô, Trung Quốc, ngay dân vùng than cũng không có than đốt. Lợp nhà cũng trông cậy vào rơm. Thức ăn cho trâu cũng trông vào đám rơm ít ỏi ấy. Nói không ngoa, nếu hạt thóc là hạt vàng thì cọng rơm cũng chả khác cọng vàng.
Ngày thu hoạch vụ chiêm hoặc mùa, đường làng phơi kín rơm. Bây giờ tụi trẻ ở miền Bắc ăn hột gạo có sẵn chả biết vụ nào với vụ nào. Vụ chiêm là vụ cấy vào mùa xuân (lúa chiêm xuân), thu hoạch khoảng tháng 5 âm lịch, trùng vào mùa hè. Vụ mùa là vụ cấy vào cuối hè đầu thu, thu hoạch từ tháng 10 âm lịch về sau, trùng vào mùa đông. Lúc sắp hết vụ này nhưng chưa chuyển qua vụ khác gọi là thời giáp hạt (tháng ba ngày tám, tức tháng ba và tháng tám âm lịch), thóc gạo đã hết mà chưa có thóc mới, đói lắm. Đi học bụng đói, bước chân loạng quạng, ruột sôi ùng ục, mắt cứ hoa đi nhìn cái chi cũng mờ mờ, chả nghe thấy thầy giảng gì, chỉ nghĩ đến bát cơm trộn khoai khô bốc khói.
(còn tiếp)
(còn tiếp)
Nguyễn Thông
"chuyện buồn ở nước Phú Lãng Sa"
Trả lờiXóaPhú Lãng Sa không buồn đâu . Các chiến sĩ biệt động thành Paris đã lập nên những chiến công "chấn động địa cầu". Kiểu này chẳng mấy chốc Pháp sẽ được giải phóng khỏi nền dân chủ tư bẩn như miền Nam cho mà xem . Ước muốn của Bác Hồ vĩ đại đã được mở ra tầm thế giới rồi .
"anh ấy ôm bụng cười, miền Nam cái gì cũng có đủ, đâu cần đến rơm. Rơm chỉ để bón ruộng thôi."
Bác Thông yên chí lớn đi . Tới năm 79 ở miền Nam, nhờ ơn Bác & Đảng, rơm cũng trở thành quý như vàng vậy .
"Vô lý vậy mà kéo dài suốt mấy chục năm."
Không vô lý nếu mọi người tin vào nó .