Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Mất bò mới lo làm chuồng

    Dân ta có câu “Mất bò mới lo làm chuồng”, ngẫm ra cũng đúng với vụ tai nạn xe tải tránh rạp đám cưới dựng trên đường, gây ra tai nạn giao thông chết người (ở Q.Tân Phú, TP.HCM tối 21.11). Nhà chức việc địa phương, nơi xảy ra tai nạn, hứa rằng “Sau vụ việc này, UBND quận sẽ rút kinh nghiệm, nghiêm cấm hành vi lấn chiếm lòng lề đường dựng rạp để tổ chức tiệc tùng. Nếu các phường để xảy ra vi phạm, quận sẽ xử lý kỷ luật người đứng đầu”.

    Theo lẽ thường tình, tất cả mọi vụ việc công khai vi phạm pháp luật xảy ra ở địa phương nào thì bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là những người lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm. Vẫn biết là vậy nhưng dường như không ít vi phạm diễn ra hằng ngày, thường xuyên, giữa ban ngày ban mặt, ai cũng thấy cũng biết, lại được cái kính chiếu yêu của chính quyền bỏ qua. Rất nhiều dạng vi phạm, có khi lúc ban đầu chỉ cỡ tiểu yêu, dẹp ngay xong liền, tuy nhiên do được dung túng, bỏ qua, do sự thờ ơ vô trách nhiệm, thậm chí đồng lõa của nhà quản lý và lực lượng chức năng, dần dần chúng biến thành yêu quái, chỉ khi chúng gây ra tai họa thì cả cộng đồng mới vội giật mình.

    Nhiều khách du lịch phương Tây đến Việt Nam thường than thở về tình trạng pháp luật bị thả lỏng khiến họ ban đầu có đôi chút lạ lẫm, tò mò, sau thì cảm thấy bất an, khó chịu. Quen sống ở nơi mọi thứ đâu ra đấy, việc to điều nhỏ đều được ràng buộc, điều chỉnh bởi quy định pháp luật, họ lạ, khó chịu là phải. Rõ ràng có biển báo đường cấm xe, đường một chiều, thế mà xe cộ cứ nghênh ngang. Đi dạo trong thành phố, chả biết lối nào mà lần bởi vỉa hè dường như bị chiếm tất tật để bày hàng, giữ xe. Nơi có thông báo cấm đổ rác, cấm tiểu tiện lại thường là nơi nhiều rác rưởi, ô uế nhất. Lúc nào cũng nghe tuyên truyền đường thông hè thoáng nhưng lúc nào cũng thấy hàng quán tràn lan, rạp đám cưới đám ma lấn chiếm hết cả con đường. Nhiều người cằn nhằn về âm thanh của hệ thống loa phường nhưng lại sẵn sàng bỏ qua, nín nhịn trước tình trạng karaoke nhà bên hát ông ổng suốt ngày… Chúng ta có hẳn những quy định về nếp sống văn hóa, văn minh công cộng, văn minh đô thị, vậy mà chỗ nào cũng có thể bắt gặp tình trạng vi phạm một cách công khai, vô tư, như mặc nhiên được chấp nhận. Tôi nhớ có lần nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ nhận xét rằng nhiều “nếp” ở ngay tại thủ đô Hà Nội bây giờ còn kém cả nơi làng xã.


    Mà quả thế thật. Chẳng hạn ngày trước ở nông thôn, người ta phơi rơm rạ, thóc lúa, nông sản tràn lan ngoài đường, bất chấp việc có thể gây tai nạn giao thông. Được tuyên truyền, thông hiểu pháp luật, bà con giảm hẳn vi phạm. Trái ngược lại, nơi thành phố, chuyện dựng rạp, ngang nhiên cấm đường, bày biện ăn uống tiệc tùng, đàn hát chiếm không gian công cộng là “chuyện ngày thường ở huyện”. Mà trong bộ máy quản lý xã hội, chúng ta có cả cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm lẫn các lực lượng chức năng chuyên xử lý vi phạm, chẳng biết khi nó (trình trạng vi phạm) công khai thế, bộ máy ấy có biết không? Biết nhưng mọi sự vẫn xảy ra. Chả khác gì có sự đồng lõa, tiếp tay. Thế mới lạ.

    Điều nguy hiểm ở chỗ, hầu hết dân chúng lẫn nhà chức việc đều coi những vi phạm kiểu ấy là chuyện nhỏ, dễ tặc lưỡi cho qua, xuê xoa, thông cảm. Thì đành rằng cũng có phần nên chiếu cố, cởi mở, chứ khe khắt với nhau quá trong sinh hoạt chẳng hay, nhưng xét cho cùng phần dở nhiều hơn phần hay, cái mất nhiều hơn cái được. Cái sảy nảy cái ung, một khi những vi phạm pháp luật được nuông chiều, được nhởn nhơ, được đà lấn tới, gây ra hiểm họa cho cộng đồng xã hội thì mọi sự kiểm điểm, rút kinh nghiệm về sau chỉ có ý nghĩa làm cho vụ việc thêm tròn trịa, đầy đủ mà thôi.

N.T

4 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Văn hóa tiểu nông đã là chất kết dính nối nghìn năm như một, nay lại chịu cái ách đô hộ của lạc hậu, lỗi thời, của kẻ ngu dốt bảo thủ giành làm chuyện đại sự, thì khác nào cỏ dại cấy vào đất bazan, tha hồ sinh sôi nảy nở là điều tất nhiên...

    Trả lờiXóa
  3. "về tình trạng pháp luật bị thả lỏng"

    Không bị thả lỏng đâu . Cơ hội làm tiền đấy. Mỏ vàng của địa phương chứ tưởng à!

    Có lần tớ về đi ăn cưới ở Thủ đô nghìn năm quăng quật, họ hàng nói đã chi cho phường rồi mới làm được cái rạp đó.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa