Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Chuyện đánh răng

Thỉnh thoảng người ta nhắc nhau “cái răng cái tóc là góc con người”, ý rằng một cái thì nhỏ (nhỏ như sợi tóc), một cái thì khuất trong mồm (chả mấy ai nhe răng suốt ngày, có mà như thằng điên) nhưng đừng coi chúng vặt vãnh không đáng kể, bởi nó cũng là một phần (góc) của người đấy. Buồn cười, có nhà báo lại viết thành “gốc con người”, lý luận rằng răng tóc là gốc (basic), là nền tảng con người. Tôi đọc vậy thì biết vậy, chứ thực tình chả hiểu răng sao lại là nền tảng, hay tại mình ngu quá.

Từ khi mọc răng tới hơn 10 tuổi, hình như tôi chỉ đánh răng vài chục lần. Bây giờ bọn trẻ nghe vậy thì khiếp, bẩn bỏ mẹ, kinh quá. Nhưng đó là tôi nói thật, đơn giản vì thời ấy (giữa thập niên 50 đến giữa thập niên 60) đám trẻ con chúng tôi không có bàn chải răng, thuốc đánh răng.

Hồi đó thứ gì cũng do thương nghiệp nhà nước phân phối. Thành phố thì có cửa hàng bách hóa, nông thôn thì có cửa hàng thương nghiệp, hoặc hợp tác xã mua bán. Mọi sản phẩm do nhà máy xí nghiệp sản xuất, và cả hàng nhập khẩu nữa, đều được phân phối qua cửa hàng. Tất tần tật, từ cuộn chỉ khâu bé bằng ngón tay út, cái bát ăn cơm, hột muối, chiếc khăn mùi xoa, chiếc mũ cát, cái xe đạp, chậu thau, phích nước, và cả chiếc bàn chải đánh răng, hộp thuốc đánh răng, đều bán theo sổ mua hàng. Không phải ai cũng mua được mấy thứ đó. Trước hết là cán bộ, bộ đội, nhân viên nhà nước, sau đó nếu còn hàng tồn hàng dư thì mới tới lượt đám dân đen. Nhà tôi tinh dân đen tuyền nên chả được phân phối thứ gì, muốn có phải mua ngoài chợ đen, giá cao hơn giá thương nghiệp cả chục lần. Tiếc tiền, có thứ bị cắt giảm không thương tiếc. Ấy thế, tôi không có bàn chải răng.


Mà bàn chải cũng chả quan trọng lắm. Tôi còn nhớ chiếc bàn chải răng của thày (bố) tôi, sợi cước cứng quèo, dùng mãi đến mức gãy cả cán nhựa chỉ còn một đoạn, lơ thơ ít sợi cước, cứ mỗi lần đánh răng xong thày tôi lại vẩy sạch nước, giắt lên mái nhà. Bu tôi răng đen ăn trầu cũng ít đánh răng. Thuốc đánh răng (thời đó gọi là thuốc chứ không phải kem) do nhà máy ở khu Cao xà lá trên Hà Nội sản xuất, hiệu Hoa Mai hoặc Ngọc Lan (sau này có thuốc đánh răng Trường Giang do Trung Quốc viện trợ, chỉ cán bộ trung cao cấp mới được mua) khi thì khô cứng bóp mãi không ra, lúc nồng nặc mùi vôi. Thuốc đó quệt vào bàn chải chà vào răng, sạch đâu chửa thấy, chỉ thấy lở hết cả lợi. Vậy mà quý, là ở cái vỏ kẽm, cứ vài chiếc vỏ, rửa sạch bỏ vào miếng sắt rồi đặt lên bếp than, nó chảy ra sền sệt, đổ vào khuôn tròn khoét trên nền nhà là có ngay đồng xu cái nặng trịch để chơi đánh đáo ăn tiền.

Tụi trẻ con chúng tôi đứa nào răng cũng vàng khè. Người lớn cười bảo chả khác gì răng cải mả. Nhiều đứa cứ gần tết lại lấy than củi chà mạnh lên răng, kêu kin kít rất rợn, cũng trắng hơn nhưng chỉ trắng phía ngoài. Thỉnh thoảng tôi xin bu tôi miếng cau khô, cắt bằng đầu, chà cũng hay. Cao răng dày, lâu lâu lại vỡ ra một mảng, cứ tưởng răng bị mẻ.

Hồi đó tặng nhau cái bàn chải răng là quý lắm, còn nếu được ai cho hộp thuốc (kem) đánh răng thì nhớ suốt đời. Chỉ đi làm cán bộ hoặc công nhân viên nhà nước, có tiêu chuẩn phân phối thì mới được đánh răng quanh năm, nên đám trẻ phấn đấu học giỏi để thành cán bộ là đều có mục đích cụ thể cả, chứ không chung chung “vì đất nước, vì nhân dân” như bây giờ.

Không có bàn chải thì đã có tăm. Nhà tôi có cái sừng trâu, thày tôi đóng treo nó lên cây cột, rồi chẻ một bó tăm phơi khô bỏ vào. Mỗi cọng tăm dài độ hơn gang tay, ai dùng rút ra bẻ một đoạn, còn thì bỏ vào lại. Có hồi tăm cũng hiếm, lạ thật, trong khi làm cái tăm nào vất vả gì cho cam. Năm 1972-1976 bọn sinh viên chúng tôi ở Mễ Trì đi xuống bếp tập thể ăn cơm, lúc về ngang qua hố bom tiện tay bẻ đoạn cành nhãn tước làm tăm xỉa răng. Cây nhãn còi bị bóc lột tàn tệ tới mức sau này chỉ còn trơ cái gốc, không mọc kịp cành cung cấp tăm cho sinh viên. Tăm mà cũng thiếu. Lớp tôi có anh đem được ít tăm tre từ quê nhà lên, hằng ngày chỉ kín đáo rút sẵn 2 que bỏ vào túi áo, cấm cho ai cái nào bao giờ.

Một trong những món hàng được khuân về Bắc nhiều nhất sau 30.4.1975 là kem đánh răng. Lần đầu tiên tôi biết loại thuốc đánh răng có hình ông tây đen răng trắng nhởn do anh Nguyễn Đăng Thành học cùng lớp về quê Quảng Trị đem ra. Tôi xin một tí đánh thử, sao mà nó the thơm mát thế, sục miệng xong cứ tiếc cái mùi của nó.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét