Hồi tôi còn bé, thường thấy các anh chị thanh niên buổi tối tập trung ngoài sân HTX tập văn nghệ, hò hát nhảy múa. Cứ sẩm tối họ đã í ới gọi nhau. Cả ngày làm quần quật nhưng tối phải sinh hoạt đoàn, phải tập văn nghệ để thể hiện niềm vui, niềm yêu cuộc sống mới. Họ hát ca ngợi nông trường ở Liên Xô “dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa”, ca ngợi công xã bên Trung Quốc “công xã là mây xanh, là hoa đẹp sáng tươi, rọi chiếu trên đồng quê trên bao gia đình trong ấm êm”, đại loại tôi còn nhớ như vậy. Sau này có nghe mấy người đi Triều Tiên về kể lại ở Triều Tiên lâu nay chính quyền vẫn bắt người dân phải hằng ngày ca hát nhảy múa để quên đi sự vất vả, để không còn thời gian rảnh mà oán trách chính quyền, để chứng minh với thế giới rằng cuộc sống của họ đầy sinh sắc. Khiếp thật, chả biết xứ ta hồi xưa có mục đích vậy không.
Lại một dạo, coi họa báo Trung Quốc có bài và ảnh về công xã Đại Trại, điển hình nông nghiệp của Trung Quốc (giống như HTX Đại Phong tỉnh Quảng Bình ở ta, do đại tướng Nguyễn Chí Thanh khơi mào) Kinh nhất là có bức ảnh lúa cấy dày mọc ken chặt, bông chín vàng, thóc hạt nào hạt nấy mẩy to như đầu ngón tay út. Và đặc biệt nhất, một đứa trẻ con trèo ngồi lên trên đám lúa chín, vững như trên bàn đá cẩm thạch, khiếp thật. Còn tay chủ nhiệm HTX công xã Đại Trại là Trần Vĩnh Quý (tôi nhớ như in tên ông ta) học chỉ hết tiểu học nhưng được Mao phong anh hùng lao động, cất nhắc làm Phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp, khiến nông nghiệp Trung Quốc càng ngày càng lụn bại. Mao chết, đám hậu sinh đạp Quý xuống cái một, kể tội ngu dốt vô học, háo danh…, không đưa ra tòa là may.
Quên, cứ nói lạc sang chuyện người. Giở lại chuyện nhà. Hồi ấy dân thưa đất rộng nên nhà nước miền Bắc rộng tay thí điểm thực hiện mọi mô hình. Cũng có đủ cả nông trường, nông trang kiểu Liên Xô, như nông trường Ba Vì, nông trường Mộc Châu, nông trường Quỳ Hợp, nông trường Điện Biên, các nông trường Ninh Hải, Thành Tô (ở quê tôi Hải Phòng), nông trường Tam thiên mẫu (ba nghìn mẫu, vùng giáp ranh Hà Nội - Hưng Yên)…, sau này đều phá sản, có nơi chỉ còn vết tích vài dãy nhà lợp mái fibro xi măng. Ngay huyện Kiến Thụy quê tôi người ta còn định gộp hai HTX Minh Tân và Tân Phong thành công xã kiểu Tàu, cũng may nó chửa ra đời thì công xã bên Tàu bị phá tanh bành nên thôi. Cứ thấy người ta làm gì, chẳng cần biết hay dở thế nào, các vị cai quản xứ này chỉ nhắm mắt nhắm mũi làm theo, đến khi thất bại lại đổ cho khách quan, rồi rút kinh nghiệm sâu sắc. Chỉ chết nông dân.
Xã Thụy Hương quê tôi có 3 thôn (làng) là Trà Phương, Quế Lâm, Phương Đôi, lẽ ra chỉ cần 3 HTX nhưng do thôn Trà Phương nhỉnh hơn chút nên được tách ra thành 2 HTX. Buồn cười, cũng chả biết ông bà nào chủ trương (có lẽ đám tuyên huấn tuyên giáo của ông Tố Hữu), các HTX được đặt tên rất kêu, chẳng hạn Chiến Thắng, Vinh Quang, Thắng Lợi, Hòa Bình, Hạnh Phúc, Bình Minh, Đại Thành… Làng Trà nhà tôi cũng vậy, chia thành 2 HTX Bình Minh và Thụy Sơn, mỗi HTX lại chia nhỏ thành nhiều đội sản xuất. Bộ máy lãnh đạo xã ngoài đảng ủy, ủy ban còn có xã đội, công an, đoàn thanh niên, phụ nữ, ban chủ nhiệm HTX, các đội trưởng. So với thời thực dân phong kiến vốn chỉ có vài “thằng” chánh tổng, lý trưởng, trương tuần thì dàn cai trị nông thôn của chế độ mới phình to gấp chục lần. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo này chỉ có mỗi nhiệm vụ là… lãnh đạo, chỉ tay 5 ngón, lương lậu bổng lộc của các vị ấy đều trông cả vào hột thóc của nông dân. Nông dân đi cày thật lực cả ngày, nắng mưa bất chấp cũng chỉ được công rưỡi (15 điểm) nhưng chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm HTX cứ mỗi ngày, dù ra đồng chỉ đạo hay đi họp ở ủy ban hoặc trên huyện đều nghiễm nhiên được chấm 2 công (20 điểm). Thằng còng làm cho thằng ngay ăn là vậy.
Suốt bao năm tồn tại HTX ở miền Bắc, người ta truyền nhau mấy câu thơ lục bát mỉa mai chủ nhiệm HTX, hầu như người lớn trẻ con đều thuộc:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm có đài có xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân
Mỗi người làm việc bằng tư
Để cho chủ nhiệm có dư thóc thừa
Mỗi người làm việc bằng năm
Để cho chủ nhiệm vừa nằm vừa xơi
Mỗi người…
Về sau, những câu văn vần ấy không chỉ ưu tiên dành cho chủ nhiệm HTX nông nghiệp nữa mà được chia sớt cho những anh nào làm chủ nhiệm, bất kể ngành nghề. Kể tội chủ nhiệm như thế, có mà kể tới số thứ tự mấy chục. Hình ảnh anh chủ nhiệm trong văn thơ “Anh giơ tay vẽ cánh đồng xanh/Vẽ cả ngày mai thành bức tranh” với anh chủ nhiệm trong đời thực cách xa nhau một trời một vực. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Về sau, những câu văn vần ấy không chỉ ưu tiên dành cho chủ nhiệm HTX nông nghiệp nữa mà được chia sớt cho những anh nào làm chủ nhiệm, bất kể ngành nghề. Kể tội chủ nhiệm như thế, có mà kể tới số thứ tự mấy chục. Hình ảnh anh chủ nhiệm trong văn thơ “Anh giơ tay vẽ cánh đồng xanh/Vẽ cả ngày mai thành bức tranh” với anh chủ nhiệm trong đời thực cách xa nhau một trời một vực. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ở quê tôi về sau này,mỗi khi gần đến đại hội xã viên của HTX,bà con lại truyền tụng nhau ,cứ bầu ông vẫn đang làm giữ nguyên chức chủ nhiệm HTX,vì ông ấy có đủ ĐÀI,XE ĐẠP,NHÀ NGÓI rồi,bầu ông khác lên làm chủ nhiệm thì ông mới này lại bắt đầu từ đài,xe,nhà thì bà con mình càng đói! thôi cứ giữ ông cũ vẫn hơn,.
Trả lờiXóa