Cứ khoảng cuối năm cũ đầu năm mới dương lịch là thiên hạ, nhất là các đôi trẻ lại chộn rộn vào mùa cưới. Dù thời tiết khí hậu khác nhau nhưng ở miền Bắc hay miền Nam người ta vẫn thường tổ chức đám cưới dịp này. Đám cưới bây giờ được làm hoành tráng, hiện đại, nhiều tiết mục, cô dâu chú rể và hai họ diện đồ cưới đắt tiền, hôn lễ diễn ra ở những nhà hàng khách sạn sang trọng, chụp ảnh quay phim mệt nghỉ, xe cộ rước dâu linh đình…, chả bù cho đám cưới chỉ cách trước đó vài chục năm, mà ta thường gọi là thời bao cấp.
Trong đời mình, tôi từng đi dự không biết bao nhiêu lễ cưới, vậy mà sao vẫn nhớ như in những đám cưới giản dị, đơn sơ ở nông thôn miền Bắc của anh chị, bạn bè mình. Có lẽ bù vào sự thiếu thốn, đạm bạc ấy là những chất phác, hồn nhiên và tình người sâu đậm khiến mình cứ lưu giữ mãi trong ký ức.
Nông thôn miền Bắc những năm 1960 - 1980. Hơn hai chục năm chiến tranh kéo dài, nông thôn nghèo xơ xác, đàn ông lớn tới đâu ra trận tới đó, ở lại đồng ruộng chỉ còn đàn bà và đám đàn ông yếu đuối, có chị em còn đùa là diện đui què mẻ sứt. Chờ mãi cũng tới tháng 4.1975, hòa bình. Nhưng vừa trải qua những ngày bom đạn ác liệt, lại chịu ngay những cơn lũ dữ mới, đất nước bị cấm vận, thiếu thốn đủ đường, cơ chế bao cấp như sợi dây thít chặt vào từng mảnh đời, từng số phận… nên ngay cả đám cưới cũng khác thường. Cái ngày vui nhất trong đời có khi chỉ nhỉnh hơn ngày thường một tí.
Đám cưới ở quê tôi, làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng na ná như bao làng xã khác. Những cặp sau khi được bố mẹ, gia đình hai bên đồng ý thì tất tả chuẩn bị ngày cưới. Việc đầu tiên là đến từng nhà trong họ ngoài làng hoặc bạn bè để thông báo ngày giờ. Chưa có lệ đưa thiếp (thiệp) mời. Đại loại mời miệng rằng thày bu cháu (em) cho phép chúng cháu (em) tổ chức, mời ông bà, anh chị… tới dự cho vui vẻ. Xong phần đối ngoại thì tập trung vào lo phần tổ chức.
Điều may mắn là hầu hết đám cưới đều có sự tham gia của đoàn thanh niên. Xã đoàn hoặc chi đoàn cử người tới dựng rạp, mượn bàn ghế, lọ hoa, căng phông màn, đun nước, trang trí rạp. Gọi là trang trí thôi chứ cũng chỉ có tấm vải căng lên, gắn câu khẩu hiệu bất di bất dịch mà đám cưới nào thời ấy cũng dùng: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Không có câu ấy là không được. Dưới khẩu hiệu là tên của hai bạn trẻ, lồng vào đó là đôi chim bồ câu và chữ Song hỉ bằng chữ nho. Đám cưới nào cũng có chim bồ câu, còn bây giờ thì chả thấy nữa.
Chi đoàn chọn ra người nhanh mồm nhanh miệng, hoạt khẩu nhất để dẫn chương trình, giờ gọi là em xi (MC). Bài bản của MC xóm hầu như giống nhau ở mọi đám, kiểu như tuyên bố hôm nay ngày lành tháng tốt, được sự đồng ý của hai gia đình, hai đồng chí A và B chính thức tổ chức hôn lễ, chúc cho các đồng chí vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Tiếp đó MC mời bí thư chi đoàn phát biểu ý kiến, đại loại nói rõ nhiệm vụ là nuôi bèo hoa dâu, làm phân xanh, ủ phân chuồng, áp dụng kỹ thuật vào cấy thưa cấy dày, gương mẫu khi có đợt tuyển quân, v.v.. Có bí thư còn tranh thủ tổng kết chi đoàn đã đạt được những thành ích gì, làm được bao nhiêu, khiến hai họ cứ nghệt mặt ra nghe.
Cưới thì phải rước dâu. Cùng làng cùng xóm với nhau nên chẳng cần bày vẽ, chỉ rước bộ. Sang nhà gái, chú rể và người lớn đi trước, họ hàng bạn bè ríu rít theo sau, vừa đi bộ vừa chuyện trò. Rước về nhà trai cũng thế, lại đi bộ, có thêm cô dâu và người nhà gái, hai họ đầy đủ thì ngồi vào bàn và đám cưới bắt đầu. Nếu khác xã khác huyện, thậm chí cách cả mười lăm hai mươi cây số, chỉ dùng xe đạp, từng cặp đèo nhau, một dãy xe đạp dài nối đuôi trông thật vui mắt.
Hầu hết đám cưới đãi “tiệc” ngọt, ở quê lúc ấy gọi là tiệc chay, tức là chỉ có bánh kẹo, hạt dưa, thuốc lá, nước chè. Bánh kẹo cũng chẳng nhiều, hợp tác xã mua bán ưu tiên phân phối cho mươi hộp bích quy, bánh phong, kẹo cứng. Thuốc lá thì Sông Cầu, Tam Thanh, Nhị Thanh, Trường Sơn, thuốc tự cuốn, nhà nào sang lắm thì chạy được mươi gói Tam Đảo, Điện Biên. Có đám cưới hút cả thuốc lào, rít sòng sọc, khói um sân.
Bận bịu nhất là mấy anh chị tiếp nước cho khách. Không có bia, nước ngọt, nước đá như bây giờ, chỉ pha chè (trà) uống nóng. Mùa đông hoặc giáp tết trời rét, rót liên tục vẫn không kịp. Có đám gia chủ hoàn cảnh khó khăn còn không có cả chè móc câu Thái Nguyên hoặc Phú Thọ, chỉ pha chè bồm (loại chè vụn) hợp tác xã mua bán phân phối cho, chỉ chưa tới 1 đồng một gói to nửa ký.
Thường sau tiệc ngọt, vài nhà có điều kiện làm dăm mâm mặn đãi hai họ, người thân trong nhà. Món ăn nhỉnh hơn ngày thường, có gà luộc, bát măng, bát miến, giò lụa, bí xào lòng gà, v.v.. ăn uống vui vẻ, hai gia đình hòa hợp là chính chứ không đặt nặng chuyện phải đồ này thức nọ. Hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, con người ta dễ rộng lòng, thông cảm với nhau.
Còn trang phục cho cô dâu chú rể? Thời vải vóc mua bằng tem phiếu, mỗi người hằng năm chỉ được tiêu chuẩn 3,6m, đủ một bộ quần áo, thì quần áo cưới cũng chả khá hơn ngày thường bao nhiêu, Suốt tuổi thơ, tôi chưa thấy anh chị nào làng tôi cưới nhau mà có áo dài, com lê cà vạt. Chọn lấy bộ lành lặn, mới nhất khoác lên người là được rồi. Cả nam lẫn nữ chủ yếu mặc sơ mi, nam quần tây, nữ quần lụa đen, trời lạnh thì khoác thêm bên ngoài chiếc áo bông, áo len, áo đại cán. Nhiều anh bộ đội chơi nguyên đồ nhà binh, nom giản dị mà rất oách. Thế mới hiểu thêm câu thơ của bác Hữu Loan trong bài Màu tím hoa sim: “Ngày hợp hôn/nàng không đòi may áo mới/Tôi mặc đồ quân nhân/đôi giày đinh/bết bùn đất hành quân/Nàng cười xinh xinh/bên anh chồng độc đáo”. Ai chả thích mặc đẹp, nhất là ngày cưới, nhưng hoàn cảnh bắt thế thì biến sự thiếu thốn thành vui. Anh bộ đội có giày nhà binh, chứ đám thanh niên nông thôn ngày cưới trọng đại vẫn chỉ dép nhựa, oai thì Tiền Phong trắng, còn không dép Dân Sinh, thậm chí dép cao su cũng được. Tôi còn chứng kiến có chủ rể đi dép lê quèn quẹt đón khách, cười nói tự nhiên chả mắc cỡ xấu hổ gì. Người ta bảo ma chê cưới trách, thiên hạ chỉ cười người bày vẽ phung phí, trưởng giả học làm sang chứ chả ai cười hạnh phúc của người nghèo.
Bố mẹ cô dâu chú rể là nông dân nên chẳng câu nệ đòi hỏi gì nhà trai, cũng chẳng thách cưới tiền bạc, vàng ròng làm khó con cái hoặc thông gia. Bố mẹ hai bên có gì thì cho con mình thứ ấy, không nhất thiết phải vàng hoa tai, nhẫn, dây chuyền, vòng tay. Khách tới dự đám cưới không mừng tiền như bây giờ, thường đem tới mừng bằng thứ nhà mình có, cần thiết cho cuộc sống gia đình riêng của cặp vợ chồng sau này. Người đem chiếc phích Rạng Đông, người ôm cái chậu nhôm Liên Xô hoặc thau sắt tráng men Hải Phòng, người cho chục bát ăn cơm, rồi cả khăn mặt, vải vóc, nồi niêu xoong chảo, trên chiếc bàn to để sẵn mép sân khấu chỉ một chốc là đầy tú hụ, giống như quầy hàng bách hóa tổng hợp. Hồi đầu thập niên 1980, tôi có ông anh họ con bác ruột, anh Huy, làm giáo học, hiệu trưởng cấp 1 xã. Anh tổ chức đám cưới cho thằng con trai cả, mặc dù gia đình cũng chả khấm khá gì, nhưng đầu óc thoáng nên quyết phá lệ. Anh làm tiệc mặn, trực tiếp đi mời, đến nhà ai cũng chốt lại một câu “gia đình không nhận đồ mừng, tiền mừng, ông bà (anh chị) tới dự là gia đình hạnh phúc lắm rồi”, đám cưới rất đông, ai cũng hỉ hả bởi không phải canh cánh nghĩ ngợi mừng cái gì, mừng bao nhiêu. Chưa bao giờ có cái đám cưới vui như thế.
Hồi còn con nít, đám chúng tôi lăng xăng mon men tới coi đám cưới, vừa được nghe các anh chị lớn hát hò, vừa được cái kẹo chiếc bánh. Đám nào mà chặt chẽ quá, không rộng rãi với trẻ con, chúng tôi “trả thù” bằng cách đứng xa hét vọng vào “Cô dâu chú rể, đội rế lên đầu, đi qua đầu cầu, dẵm bãi cứt trâu” rồi ù té chạy mất.
Thời chiến tranh, có những anh trong làng tôi được lệnh nhập ngũ, bàn với người yêu làm đám cưới. Cưới vợ xong chỉ kịp ở nhà với vợ vài hôm là vào bộ đội, rồi ra trận. Anh họ tôi, anh Cư ở xóm núi, lấy chị Ga xinh đẹp xóm giữa làng. Cưới xong anh đi, vào B (miền Nam) biền biệt. Anh chị chưa kịp có con thì anh hy sinh. Chị chờ chồng đến ngày xã nhận được giấy báo tử, rồi cứ ở vậy mãi chờ anh về.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét