Vì vậy, tới khi được nghe bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, tôi sững sờ. Cái phần tưởng như đã chai sạn, hóa đá, chết lặng trong con người mình lại được khơi ra. Hóa ra mình vẫn có nhu cầu yếu đuối, yêu bằng thứ tình yêu nhẹ nhàng, giản dị, yêu đất, yêu người, yêu những cái hết sức gần gũi, quen thuộc.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê viết bài này năm 1982, tức là khi ấy đám chúng tôi văng vào đời đã được gần 6 năm. Thời nớ, chả biết các bạn thế nào chứ tôi trong cảnh đời giáo Thứ sống mòn, chỉ lo kiếm cơm đổ vào mồm, nào có quan tâm tới cái gì. Nhưng rồi một ngày được nghe cô ca sĩ trẻ Trung Anh hát về làng lúa làng hoa, tự dưng ứa nước mắt, thầm nghĩ đời mình rồi sẽ thay đổi chứ lẽ đâu mãi chịu thế này.
Lại nhớ một lần, năm 1975 tôi cùng nhóm bạn đến chơi nhà một người bạn ở khu làng hoa Ngọc Hà phía sau lăng cụ Hồ. Bạn chủ nhà hiếu khách mời chúng tôi ngồi chơi, nhờ tôi bật giùm cái quạt máy Trung Quốc nhưng thằng thộn tôi cứ loay hoay chả biết phím bật nó ở chỗ nào. Hương hoa ngoài vườn thoảng thoảng vương vít hiên nhà như cười trêu vị khách vụng về quê kệch.
Nay tất cả đã xa rồi, cả làng hoa, hương hoa, cả người, cả những vụng về của một thời trẻ dại.
Nhiều người hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa” nhưng mình nghĩ có lẽ ca sĩ Thanh Hoa hát hay nhất, tình cảm nhất.
Nguyễn Thông
Tôi lớn hơn chú Thông 3 tuổi. Được diễm phúc sống ở VNCH nên không có những bài hát sắt máu như ở miền Bắc mà được thưởng thức những bài hát nhân văn như: Anh đến thăm em đem ba mươi, Ly rượu mừng, Cánh thiệp đầu xuân, Gái xuân, Hoa xuân, Bến Xuân, Câu chuyện đầu năm, Anh cho em mùa xuân...Toàn là những bài hát vừa nhân văn vừa có tính nghệ thuật cao. Nên bây giờ nghe những bài nhạc xuân ở miền Bắc sao thấy lạnh da gà quá!
Trả lờiXóa