Mươi năm trở lại đây, hầu như tết Nguyên đán nào cũng vậy, nhất là thời điểm chiều 30 Tết, tái diễn cảnh ế hoa (bông), hoa bị hắt hủi, rục bỏ phũ phàng. Người bán hoa (không hẳn là nhà vườn, nông dân) không bán được hàng theo ý mình đã “dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời”, chặt bỏ, rục hoa vào thùng rác. Có cả những gốc đào, theo người bán giá lên tới vài triệu bạc, những cây mai tiền triệu, rồi trùng trùng những cúc, hồng, hướng dưong, mẫu đơn, quất… chịu phận bạc. Vừa mới kiêu sa lung linh khoe sắc, thoắt cái đã thành rác, buồn không thể tả. Nếu hoa biết nói, chắc tiếng kêu của nó buồn bã ai oán lắm.
Cũng nhiều ý kiến trái chiều. Người bán hoa bảo rằng ghét cái thói khách dìm hàng, chỉ nhăm nhăm chực cướp mồ hôi nước mắt của người sản xuất, kinh doanh. Ai đời cứ năm nào cũng như năm nào, tinh đợi cho tới gần giờ G, tới phút 89 sắp dẹp chợ hoa mới thủng thỉnh ra chợ, mua rẻ cho bằng được. Mua thế thì bằng ăn cướp. Chẳng thà chặt bỏ, rục vào thùng rác chứ nhất quyết không bán. Bán cho họ, rồi họ được đằng chân lân đằng đầu, duy trì thành lệ cái thói ấy, chúng tôi có mà đi ăn mày. Không ai hầu các ông các bà ấy đón tết vui xuân theo giá rẻ tàn mạt được… Đại loại lời than thở, ca thán, phàn nàn kiểu này, có kể tới ra giêng cũng chả hết chả nguội.
Cần nhìn thẳng vào một thực tế, người bán phần nào đã nói đúng, có một bộ phận khách hàng nuôi sẵn tâm lý chờ đến những giờ cuối cùng, khi chủ hàng hoa đã hết hy vọng thì mới thủng thẳng mua. Giống như tôi mua làm ơn cho anh, chứ tôi đây cũng chả cần, chẳng tha thiết hoa hoét lắm. Bán đi, được đồng nào hay đồng ấy, không thì cũng đổ bỏ, có khi lại còn mất thêm cả công khuân vác về. Hàng đã ế lại còn tính chuyện đắt rẻ. Không bán thì tôi đi à, có mời lại cũng chẳng mua nữa đâu. Trăm người bán vạn người mua, đừng tính kiểu được ăn cả ngã về không, đây bảo cho mà biết nhá… Ấy, cứ tâm lý âm thầm vậy mà cũng kinh ra phết, người bán sợ là phải.
Biên ra những điều như thế, tôi không hề có ý định bênh bên nào. Ai thiệt thòi mình cũng xót, chỉ muốn những người mua người bán hiểu lòng nhau, tôn trọng nhau, phía sau đồng tiền ráng giữ cho nhau cái tình. Phận người mà đã trọng thì phận hoa cũng không đến nỗi cám cảnh phũ phàng.
Tuy nhiên, nếu chỉ bày tỏ như vậy, nghe có vẻ cải lương, chẳng muốn mất lòng ai. Điều cần bàn là phải làm sao hạn chế tình trạng mua bán phút 89 đó, để khiến người mua có lợi, mà người bán cũng không chịu thiệt. Vẫn biết quyền lợi là cái chăn quá hẹp, anh này kéo thì anh kia hở, khó trùm kín hết được, nhưng chẳng ai muốn nhìn mãi cảnh hoa mai hoa đào chưa kịp chưng tết đã bị tống thô bạo vào thùng rác.
Ở trên, tôi đã ít nhiều khui ra mưu mẹo của người mua, dù là mua hoa. Chơi hoa là một nghệ thuật sống tao nhã, họ đem cái mưu mô ấp vào thú chơi làm cho cái đẹp bị thô tục. Nhưng không nói gì về người bán sẽ bất công, “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, nặng nhẹ không đều. Phải nói thẳng rằng ai đó trong dư luận thương xót, chỉ nhất mực bảo hãy thương người nông dân trồng hoa, đừng cố tình mua rẻ, ép giá, v.v.., có lẽ suy nghĩ kiểu ấy còn nông cạn. Cần hiểu nông dân trồng hoa nhưng không có nghĩa nông dân tự bán. Bản thân nông dân cũng từng bị không ít thương lái ép giá mua hoa ngay tại vườn. Người bán hoa, thương lái, muốn đầu vào đầu ra đều lợi. Đó là cái tinh thần “phi thương bất phú” mà họ thuộc lòng. Chỉ có điều, họ cần phải nắm được nguyên tắc của kinh tế thị trường, là thuận mua vừa bán, không ai ép được ai. Chơi dao sắc thì có khi mình chịu đứt tay. Không than trách được.
Điều ai cũng biết, khi vào lúc cao điểm mua sắm, nhất là những ngày từ 26 đến sáng 30 Tết, họ hét giá trên trời. Đành rằng giá mua từ nhà vườn cũng có thể biến động tăng trước tết nhưng sự tăng giá của tầng lớp trung gian thương lái mới khủng khiếp. Chính tôi vào ngày cúng tiễn ông Táo lên chầu giời mua bó hoa lys (loa kèn) cực đẹp 6 cành với giá 120 nghìn đồng, nhưng tới tối 27 tết phải bóp bụng trả 350 nghìn mà chỉ có 5 cành. Họ hiểu khách cũng có tâm lý, nếu không mua, ngày mai còn tăng nữa, làm sao mà chạy theo. Trót yêu quý hoa, muốn đem sinh sắc thiên nhiên vào nhà, thì đành chịu vậy. Lâu nay thường có câu “người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm”, đắt thế chứ đắt nữa cũng phải mua, bởi người bán không nhầm. Khi hét giá cao, họ viện ra lý luận kinh tế thị trường. Khi hàng ế bởi cố tình bán giá chặt chém, lại đâm ra oán trách khách hàng không biết thương xót, không có tình người.
Việc chủ hàng quyết không bán hoa, thà vùi dập hoa để giữ giá cho những năm sau, tôi cho là thiếu tỉnh táo. Giá cả do thị trường quyết định theo từng thời điểm, theo từng đối tượng khách hàng, theo nguồn cung, theo nhu cầu. Muốn áp đặt ý chí của mình ngay từ bây giờ cho sang năm, liệu có thực hiện được không, hay lại vẫn ngậm ngùi vung con dao lên mà chặt ngang cây đào cây mai trong sự tức tối. Không thay đổi cách kinh doanh, chỉ muốn lợi cho mình, lợi thật nhiều, thật chắc ăn, sẽ không thể thoát khỏi tình trạng bế tắc.
Chứng kiến cảnh chặt hoa, dúi hoa vào thùng rác chứ không bán thấp giá ở giờ phút cuối cùng, tôi lại nhớ hồi còn đi học có bài nói về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933. Kinh tế tư bản dư thừa hàng hóa, tư sản thà đem đổ bỏ chứ không bán rẻ cho dân chúng, thầy giáo thì nói đó là sự tàn ác của giai cấp tư sản, còn đám trẻ con chúng tôi chỉ thấy tiếc. Không ai nghĩ rằng sự làm ăn có quy luật của nó. Chỉ có điều, giá như đường sữa thịt thà đừng phải đổ phí đi, hoa tươi hoa đẹp đừng chịu cảnh vùi dập, tất cả đều đến được với con người, phục vụ con người thì tốt biết bao nhiêu.
Có điều này nói thêm. Sáng 28 Tết, tôi tranh thủ phóng ù ra chợ hoa công viên 23 Tháng 9 (quận 1), nơi năm nào hoa đào Bắc cũng tập kết về đó. Xa quê hơn 40 năm trời, lòng vẫn rạo rực trước sắc đào, những hồng đào, bích đào, đào phai. Nhớ cái màu hồng phơn phớt ửng lên sinh sắc trong thơ Thôi Hộ từng nhắc cả nghìn năm trước "nhân diện đào hoa tương ánh hồng". Nhưng không thể mua, chả hẳn bởi giá quá cao (thấp nhất cũng dăm bảy trăm ngàn đồng, cao thì vài triệu) mà vì lý do khác. Trong cái nắng nóng hầm hập Sài Gòn, những cây đào bị trùm túi ni lông kín mít, cánh hoa tơi tả, nhợt nhạt, cành đào xơ xác gầy gò. Mua hoa chưng tết tức là muốn đem cái đẹp, cái tươi tắn, đầy sức sống của cỏ cây hoa lá về nhà, chứ những ủ rũ, héo úa kia, làm sao mà rước. Thương nhân rất giỏi tính toán, tuy nhiên trong vụ đem đào vào Sài Gòn, tôi cho rằng họ không thấy hết, hàng chất lượng như thế mà còn đẩy giá cao, thì thất bại là điều không tránh khỏi
Thôi thì con người đối xử với nhau cũng có lúc này lúc nọ xô lệch, rồi sự cảm thông sẽ gắn kết lại dần. Buồn một nỗi hoa tượng trưng cho cái đẹp nào có tội tình chi để chịu phận giữa ngày xuân rơi vào thảm cảnh.
Phận hoa buồn, hay là chính phận người, mang bóng dáng con người?
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét