Cụ thể, tôi muốn nói về đạo Phật. Thày bu tôi đều tin ở nhà chùa, tu dưỡng hành xử theo tinh thần Phật giáo. Làng tôi có chùa Trà Phương (tên chữ là Thiên Phúc tự), thày tôi vẫn thường đàm đạo với Thượng tọa Thích Quảng Mẫn (sau này cụ đạt bực Hòa thượng, nổi tiếng là nhà sư uyên bác, tấm lòng quảng đại) hoặc đại đức Thích Thanh Vân (sau này cũng lên Hòa thượng), hai vị trụ trì của chùa. Mà chẳng phải chỉ người lớn kính trọng hai bậc chân tu ấy, đám trẻ con trong làng cũng rất nể trọng hai nhà sư chùa làng. Mặc dù nhà chùa nhận sự cúng dường, thành tâm đóng góp của đông đảo khách thập phương, phật tử khắp vùng duyên hải Bắc Bộ, vật chất chả thiếu thốn gì, nhưng suốt bao năm tôi chỉ thấy hai cụ đồ đệ của Phật Thích Ca ăn mặc rất giản dị, quần áo nâu sồng, ngay cả những khi lễ Phật đản hoặc lễ tết, cúng rằm, hai cụ cũng vẫn nâu sồng, chỉ nghiêm cẩn, gọn gàng hơn thôi.
Các cụ vẫn tự xắn quần cày ruộng, nhà chùa có ruộng riêng, nuôi hẳn con trâu mộng chuyên để cày bừa ruộng chùa. Cụ Mẫn thường dạy "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" (một ngày mà không làm, thì một ngày không có ăn). Tôi từng chơi và học với hai chú tiểu là Minh tồ và Phúc, có lúc vào chùa trúng lúc các nhà sư trai giới, thấy bữa ăn cũng rất đạm bạc.
Trong ký ức tôi, đó là những bậc chân tu, đắc đạo (nhất là cụ Mẫn), nắm bắt được tinh thần của đạo Phật, hóa giải được những buồn vui sướng khổ ở đời.
Mấy hôm nay, nhìn cảnh lễ hội chùa này chùa nọ, thấy những nhà sư xúng xính quần này áo kia, diện ngất trời, ai cũng có cái béo tốt hồng hào của người ham ẩm thực, làm lễ cũng điệu đàng phô dáng, cái trống cái chuông cũng tô vẽ xanh đỏ tím vàng, tôi lại sực nhớ, nghĩ về những vị sư của chùa làng. Đành rằng thời thế làm thay đổi mọi thứ, cả đạo Phật cũng không thoát khỏi bị biến dạng này nọ, nhưng tôi cứ tiếc những tinh túy của đạo Phật ngày xưa.
Nguyễn Thông
hay quá Anh Thông ơi, vừa rồi có một nhóm ni cô đi tắm biển bị sóng cuốn
Trả lờiXóaChẹp chẹp chẹp.
Xóa