Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Bài hát cho cuối tuần (1): Tình cầm


Cứ mỗi cuối tuần tôi lại muốn tìm một bản nhạc hay, dù vui dù buồn, để rót vào khoảng chống chếnh khó san lấp.

Cái bài nhạc này, “Tình cầm”, chẳng hiểu sao lúc mò mò rê rê con chuột lại hiện ra trước nhất. Một bài hát cho cuối tuần, hay là cho chặng cuối đời, cho những người mang cái tâm trạng “Cộng thùy tranh tuế nguyệt/Doanh đắc mấn như ti” (thơ Đỗ Mục). Đua tranh với người qua năm tháng/để nay được mái tóc trắng như tơ, các cụ nhỉ.

“Tình cầm” là tên nhạc phẩm nhưng tên gốc của bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc là “Nếu anh còn trẻ”. Nhắc tới Phạm Duy là ta đã giật mình trước một đại thụ của làng nhạc Việt, và nhắc “Nếu anh còn trẻ” ta lại giật mình bởi cái tên cũng hoành tráng rợp bóng chẳng kém gì: nhà thơ Hoàng Cầm. Và rồi ta lại gật gù kinh hãi thêm chút nữa, người hát “Tình cầm” là ca sĩ mang cái tên quen thuộc mấy thế hệ ở miền Nam: Duy Quang. Quả thật, trong đời sống văn nghệ, sự hội tụ những đỉnh cao như ở tác phẩm trứ danh này không phải không có, nhưng rất hiếm.

Hoàng Cầm và Phạm Duy là đôi bạn văn nghệ nổi tiếng một thời. Những ngày chống Pháp 9 năm họ còn rất trẻ, tuổi đôi mươi, lòng tràn đầy lãng mạn. Họ đã sống những ngày thật đẹp, làm cách mạng cũng như làm văn nghệ. Tướng Nguyễn Sơn, vị tư lệnh quân khu 4, viên tướng đánh giặc khét tiếng, máu văn nghệ chứa đầy huyết quản, từng rất quý chuộng Phạm Duy và Hoàng Cầm. Đã có một thời thơ, nhạc nói riêng, văn nghệ nói chung được sống cuộc sống tự do của nó chứ không bị kìm nén kiềm tỏa dã man như chỉ vài năm sau.


Những năm trước 1975, mặc dù nhà thơ Hoàng Cầm sống ngay ở miền Bắc nhưng đám học sinh, sinh viên chúng tôi biết rất ít về ông, nhất là tác phẩm của ông. Án văn nghệ Nhân văn giai phẩm mà ông là tông đồ chịu nạn đã khép lại tất cả, ông cùng những “đồng bọn” như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… bị chế độ cai trị mới rút phép thông công, để phải chết trong sự lãng quên, im lặng. Nhưng nhà cai trị nhầm ở chỗ, họ tưởng đổ bê tông xây mộ như vậy thì bọn văn nghệ ương bướng không tuân phục đảng sẽ vắng bặt, chẳng ai quan tâm nữa, tuy nhiên danh tiếng, tài năng, tinh thần của những người Nhân văn giai phẩm vẫn tồn tại dưới dạng này dạng khác. Đám thanh niên chúng tôi dù nghe ông Tố Hữu chửi "bọn Nhân văn giai phẩm" là ma cô đĩ điếm nhưng vẫn được những người có lương tâm bảo nhỏ rằng không phải thế đâu, rồi lịch sử sẽ có ngày chiêu tuyết cho họ. Thày tôi (hơn Hoàng Cầm hơn chục tuổi) cũng từng nói thế với con cái trong nhà.

Tôi kể như vậy để nói rằng ngay cả những bài thơ nổi tiếng mà Hoàng Cầm viết thời chống Pháp, chẳng hạn “Bên kia sông Đuống” đầy tình yêu quê hương đất nước cũng bị chôn vùi, không mấy ai biết, huống hồ bài “Nếu anh còn trẻ” thướt tha lãng mạn đậm đà riêng tư sầu buồn, cái mà người cộng sản gọi là tiểu tư sản yếu đuối không có lợi cho cách mạng, họ quyết phải chôn vùi vĩnh viễn. Mãi sau này khi bài thơ “Bên kia sông Đuống” được đưa vào sách giáo khoa thì tôi hiểu rằng những giá trị đích thực dù có bị chặt chém băm vằm cũng không thể nào chịu sự tiêu diệt. Điều kỳ điệu là “Nếu anh còn trẻ” được thi sĩ viết năm 1941 khi chỉ mới 17 xuân xanh, ở cái tuổi ấy mà thật đằm thắm thiết tha già dặn, “nếu anh còn trẻ như năm cũ/quyết đón em về sống với anh…”.

Phạm Duy hiểu Hoàng Cầm, và có thể nói, với thay đổi chút ít trong ca từ, ông làm lời thơ gần gũi giản dị hơn, tình hơn, dễ đi vào lòng người. Số phận ông con trai cụ Phạm Duy Tốn “sống chết mặc bay” cũng có nét na ná như Hoàng thi sĩ. Ông bị cộng sản ghét bởi cái tội “đào ngũ” thời kháng chiến chống Pháp, rồi lại vào Nam “chống cộng”. Phe cách mạng từng tuyên án tử hình vắng mặt ông. Sau 1975 thêm tội vượt biên theo Mỹ. Những bài hát của ông gần như bị cấm tiệt, ngay cả những bài trong trẻo như “Ông trăng cứ chơi cây cau thì cau sẽ cho hoa…” hoặc “Nhớ khi xưa ta bé ta chơi, đôi ta chơi bắn súng khơi khơi…”. May mắn, bài “Tình cầm” được ông viết trong giai đoạn sau này (năm 1984) chứ không thì cũng bị án treo không biết tới bao giờ.

Con trai ông, ca sĩ Duy Quang đã làm cho bài hát hay thêm một bậc nữa, tới mức rất nhiều giọng ca, cả nam lẫn nữ, dù hát “Tình cầm”, nghe cho kỹ, vẫn không thể nào đạt được sự đằm thắm, xúc động của Duy Quang. Trong giọng hát miền Nam xưa, tôi thích nhất 2 ông Duy: Duy Khánh và Duy Quang.

Thôi, rườm rà lẩn thẩn hơi nhiều, mời nghe đã, hỡi các cụ cả tre trẻ lẫn gia già.

Nguyễn Thông


3 nhận xét:

  1. May mắn cho Phạm Duy là ông thoát khỏi Việt cộng để vào sống với chế độ VNCH,nhờ vậy những tác phẩm của ông thật đa dạng về nội dung cũng như nghệ thuật. Còn Văn Cao sống với vc, đã lụi tàn theo năm tháng, nên đến sau 1975 ông sáng tác bài Mùa Xuân Đầu Tiên thật nghèo nàn cả âm điệu lẫn nội dung và ông như vẫn còn ở trong gọng kềm của vc, thua hẳn bài hát cùng tên của Tuấn Khanh sáng tác trước đó 20 năm ở VNCH.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. +Văn Cao sanh 1923. Tuấn Khanh sanh 1933. Cả 2 nhạc sĩ có cùng một sáng tác phẩm trùng tên:"Mùa xuân đầu tiên". Tuấn Khanh di cư vào Nam năm 1955. Văn Cao ở lại đất Bắc. Giai điệu, ca từ, nội dung, chủ đích hướng đến của mỗi tác giả trong sáng tác phẩm này hoàn toàn khác nhau, chênh nhau quá nhiều. Tốt nhất là không nên so sánh bừa.
      +Hồi học phổ thông cứ nghĩ Hoàng Cầm theo hướng nghĩa khác. Té ra bút hiệu HC lấy từ một đông danh dược: Cây hoàng cầm-chữa xuất huyết, kiết lỵ và hạ sốt. Dân dã nhưng phải bái phục máu lãng mạn của HC. 8 tuổi biết yêu, đã yêu thiếu nữ hơn mình đúng 8 tuổi. 19 tuổi sáng tác bài thơ này(Tình Cầm tức Nếu Anh còn trẻ). 19 tuổi mà đã hóa cụ con hàng 60, 70. Quái thật. Bái phục. Bái phục.
      "Thì đôi mái tóc không xanh nữa.
      Mây bạc trăng vàng vẫn thiết tha."

      Xóa
    2. Vẫn là não trạng của vc!

      Xóa